Đi phà Cồn Khương, nghe ông lão mù dạo khúc "Nam ai" bằng cây đàn tự chế

Điều tra - Ngày đăng : 06:43, 03/04/2017

Gương mặt có phần khắc khổ xuất hiện cùng cây đàn tự chế trên tay, ông Liêm ngân nga những giai điệu đầy ắp hơi thở của cuộc đời; mỗi cung bậc như chất chứa từng giọt nỗi niềm của một con người hơn nửa đời lam lũ.

Người dân Cần Thơ không còn lạ với tiếng đàn của ông lão mù Trương Thanh Liêm trên phà Cồn Khương nối hai bờ sông Hậu. Gương mặt có phần khắc khổ xuất hiện cùng cây đàn tự chế trên tay, ông Liêm ngân nga những giai điệu đầy ắp hơi thở của cuộc đời; mỗi cung bậc như chất chứa từng giọt nỗi niềm của một con người hơn nửa đời lam lũ.

Hơn 20 năm tình chồng vợ

Ông Trương Thanh Liêm, 66 tuổi, sinh ra và lớn lên tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Bị mù từ khi lên 3 tuổi, bố lại mất sớm khiến cuộc sống gia đình vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn chồng chất, cậu bé Trương Thanh Liêm phải lang thang rày đây mai đó trên khắp nẻo đường để tìm kế mưu sinh.

Ông Liêm cùng vợ trong căn phòng nhỏ

Thế rồi ông duyên số run rủi thế nào ông lại gặp và nên nghĩa vợ chồng với bà. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhiễu, năm nay 63 tuổi, vốn quê ở tỉnh Bạc Liêu. Hai vợ chồng ông bà thuê một căn phòng trọ nhỏ, ở ngày nào trả tiền ngày ấy. Hàng ngày, bà đi bán vé số kiếm thêm chút đỉnh gọi là để phụ giúp chồng. Bà kể: “Có lần đi bán vé số đột nhiên ngất xỉu nhưng may mắn là được bà con đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời”.

Chuyện tình của “đôi lứa xứng đôi” này cũng làm nhiều người bỡ ngỡ. Bà Nhiễu kể: “Vì cảm mến tiếng đàn tha thiết nỉ non, lại biết ông Liêm đã 40 tuổi rồi mà chưa có vợ; còn tôi cũng là gái lỡ thì nên chấp nhận về “sửa tráp nâng khăn” cho ông, đến nay đã hơn 20 năm”. Đoạn, bà bảo: “Tuy hai vợ chồng chưa có một mụn con nào bởi bà không còn khả năng sinh con cho ông được nữa nhưng hai vợ chồng vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc”.

“Cây đàn thau” độc nhất vô nhị

Buổi sáng ông Liêm đi bán vé số, buổi chiều ông về đàn trên bến phà. Nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền khiến ông Liêm phải suy nghĩ nhiều. Như để vơi bớt phần nào những mệt mỏi, buồn lo, ông đã tự tìm cho mình một “thú chơi” tao nhã từ cây đàn tự chế.

Và rồi, chính cây đàn những tưởng chỉ “Mua vui cũng được một vài trống canh” ấy đã giúp ông nuôi sống gia đình trong nhiều năm qua. Điều đặc biệt, những tiếng nỉ non, nỗi lòng khắc khoải được ông thổi vào cây đàn cũng… độc nhất vô nhị: cây đàn thau.

Ông bảo: “Lúc trước tôi cũng có cây đàn guitar nhưng ăn trộm đã lấy mất nên tôi tự chế ra “cây đàn thau” này”. Cây đàn của ông vô cùng đơn giản: một miếng gỗ, một cái thau nhỏ, hai sợi lõi cáp phanh xe đạp, cùng với ly thủy tinh...

Ông Liêm cùng với cây đàn độc nhất trên chiếc phà

Ông Liêm cho biết, ông tự học và chơi đàn khi 18 tuổi. Ông chơi được rất nhiều giai điệu như: Lý con sáo, Nam ai, Nam xuân... Người nghe nhạc thích tiếng đàn của ông thì bỏ tiền vào chiếc ca nhựa. Với ông, những đồng tiền đó không phải là sự “bố thí”, bởi ông chưa hề mở miệng than van hay xin xỏ để tìm kiếm sự thương hại của bất cứ ai; mà đơn giản là sự trả công, đền đáp lại công sức lao động cực nhọc mà ông đã bỏ ra.

Thượng đế lấy lấy đi đôi mắt của ông nhưng bù lại cho ông đôi tai để lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Đôi tai của ông rất nhạy bén nên ông cảm âm rất tốt. Ông nói: “Tôi nghe trên đài hay radio có đàn ca tài tử tôi lắng nghe thật kỹ những âm thanh rồi chơi lại có khi tôi cũng biến tấu để cho nó phù hợp với đặc tính của cây đàn thau cũng như cảm xúc mà mình muốn truyền tải. Nếu không có cây đàn cả ngày tôi cảm thấy buồn và chán lắm!”.

Nói đoạn, ông lão đàn một khúc Nam ai lớp mái trong khung cảnh sống nước dập dìu trên dòng sông Hậu. Những tia nắng của buổi chiều vàng vọt như nắn nót từng giọt âm thanh để nhỏ vào hồn của khách đi phà...

Ngọc Thành - Nguyễn Đủ - Hồng Ân