Con đường hoàn lương của vị giám đốc trẻ từng là phạm nhân
Điều tra - Ngày đăng : 09:51, 11/10/2017
"Tôi không biện minh cho sai lầm trong quá khứ của mình và cũng không giấu diếm chuyện đó. Tôi đã sai, tôi hối hận về chuyện đó và tôi đã sửa sai bằng cách vượt lên chính mình. Tôi mong rằng, những người từng có quá khứ lầm lỗi như tôi đừng mặc cảm, đừng tự ti bởi chỉ có quyết tâm lao động mới cứu được bản thân. Tôi sẵn sàng giúp đỡ những người từng lầm lỗi như tôi, hi vọng phần nào đó giúp họ làm lại cuộc đời" - đó là tâm sự của anh Trần Sùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Tuấn Thành ở Nga Sơn, Thanh Hoá.
Anh Sùng từng là phạm nhân, thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh (trực thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an). Ra tù, với hai bàn tay trắng và quyết tâm làm lại cuộc đời, anh đã trở thành giám đốc công ty với gần 50 lao động, mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/ tháng.
Quá khứ buồn của một học sinh giỏi...
Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông có dáng dấp thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười hiền hậu. Ít ai nghĩ rằng, anh từng là người lầm lỗi, từng lao động rất vất vả để tự làm lại cuộc đời.
Trần Sùng vốn sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Nga Bạch, Nga Sơn, Thanh Hoá. Là anh cả trong gia đình có 4 anh em, từ nhỏ, Sùng đã là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi và ngoan ngoãn. Ở lớp, cậu luôn là học sinh giỏi, tự giác học tập.
Con nhà nghèo nên ngoài giờ học ở lớp, Sùng giúp gia đình công việc đồng áng và tham gia công tác đoàn thể ở địa phương. Năm 2000, khi mới là học sinh lớp 11, Sùng được kết nạp Đảng, trở thành Đảng viên trẻ nhất của xã từ trước đến nay. Chính vì vậy, Sùng luôn là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà của cả địa phương và các thầy cô giáo.
Anh Trần Sùng - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Tuấn Thành
Ngỡ tưởng ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp bà con nông dân trên quê hương mình đã sắp trở thành hiện thực thì bất ngờ cuộc đời Sùng bước sang một ngã rẽ khác - một ngã rẽ mà không ai muốn. Thi đậu vào ĐH Nông nghiệp I (Hà Nội) với số điểm khá cao (24,5 điểm). 4 năm liền là sinh viên giỏi. Vậy nhưng đến cuối năm thứ 4, khi chỉ còn mấy tháng nữa là có thể thực hiện giấc mơ của mình thì Sùng đã phạm phải một sai lầm "chết người" khi nghe bạn bè rủ rê đi buôn tiền giả.
Sùng ân hận "Cũng chả biết thế nào chị ạ. Có đứa bạn nó bảo bán cho nó thì em bán thôi. Cả bọn mang tiền giả về Ninh Bình tiêu hết 2 triệu đồng. Sau có đứa bạn nó nhờ dắt mối, thế là em đưa nó đi. Mua được, nó mang về Ninh Bình tiêu, bị bắt, nó khai ra em nên em cũng bị bắt. Cũng vì em dắt mối, đưa đi mua tiền nên em bị đầu vụ, bị tuyên phạt 7 năm tù, 4 đứa còn lại (đều là sinh viên), mỗi đứa 4-5 năm tù".
Kể về những ngày đầu bị bắt, Sùng ngậm ngùi: "Em tuyệt vọng lắm chị ạ. Trong tháng đầu em sút hơn 10kg, đến mức bước không vững nữa, tưởng có thể chết đi được. Thật sự, lúc "làm" cũng biết là phạm tội nhưng lúc đó cũng chả nghĩ sẽ phải trả giá thế nào. Nhưng lúc bị bắt, mới thấy khủng khiếp ra sao".
Nằm ở Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình, suốt 2 tháng đầu, Sùng không sao ngủ được. Ngẫm về cuộc đời, về những dự định và tương lai của mình, Sùng thấy mờ mịt, tiếc nuối. Nghĩ đến bố mẹ già, các em còn nhỏ, Sùng càng chán nản hơn, bởi từng là học sinh giỏi, là đứa con ngoan, là niềm hi vọng của gia đình, thầy cô giáo. Thế mà, chỉ vì một phút nông nổi, Sùng đã mất tất cả.
"Lúc đó em chỉ nghĩ đến cái chết để giải thoát, để quên đi tất cả - nhưng nghĩ lại, thấy rằng, mình vấp ngã có thể đứng lên được, nhưng nếu mình chết đi thì lỗi lầm này không thể sửa được nữa, thì bố mẹ đau khổ biết dường nào...".
Được các cán bộ động viên, Sùng quyết tâm đứng dậy. Từ đó, hằng ngày, Sùng ăn hết suất cơm, ban đêm cố gắng ngủ thật sâu giấc. Mặc dù không được gặp mặt con, nhưng tháng nào đến kỳ thăm nuôi, bố mẹ Sùng cũng lặn lội từ Thanh Hoá ra Ninh Bình để gửi quà cho con trai. Cầm đồ ăn, thức uống được chắt chiu từ người cha, người mẹ lam lũ, lần nào Sùng cũng khóc, thêm quyết tâm để không phụ lòng người sinh ra, nuôi dạy mình...
Sùng được thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh (xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình). "Về đây, em thấy khác ở giam cứu nhiều, vì được lao động, được gặp gỡ, tiếp xúc với phạm nhân khác. Thật sự, con nhà nông làm quen việc, cứ ngồi một chỗ đợi "đi cung" như ở giam cứu thật sự là cực hình", Sùng chia sẻ.
Lúc đầu, Sùng được phân vào Đội bếp, có nhiệm vụ nấu cơm cho các phạm nhân khác. Một thời gian sau, trại liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân nên tạo điều kiện cho các phạm nhân khéo tay, chăm chỉ đi học. Công việc đục đẽo đá đòi hỏi phải tỉ mỉ, thu nhập không cao và bụi bẩn nên không phải ai cũng muốn học.
Thấy Sùng chịu khó, Đại tá Phạm Hữu Học, Giám thị Trại giam Ninh Khánh đã gặp gỡ, động viên Sùng theo học, bởi với kinh nghiệm sống ở đất Ninh Vân, Đại tá Học hiểu rằng làm đá là một trong những nghề dễ "kiếm cơm" đối với phạm nhân sau khi ra trại. Biết rằng, học làm đá sẽ vất vả nhưng với quyết tâm tìm hướng cho tương lai nên Sùng đã hứa với lòng mình và hứa với thầy Giám thị bằng mọi giá sẽ cố thành nghề.
May mắn mỉm cười đối với Sùng khi vào Tết Nguyên đán năm 2009, lúc đó Sùng mới thi hành án được 29 tháng 3 ngày thì Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho những người cải tạo tốt. Với thời gian cải tạo được 1/3 mức án, Sùng "chạm" vào khung đặc xá. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, nên khoản tiền 28 triệu đồng hình phạt bổ sung Sùng chưa thi hành được. Biết con trai trong hoàn cảnh đó, bố mẹ Sùng rớt nước mắt bán tất cả những gì có thể bán được, rồi vay mượn thêm đủ 28 triệu đồng đem đến Tòa nộp thay con trai.
Ngày Sùng ra tù, người bố lam lũ đến đón con trai, hai bố con không vội về ngay mà nán đợi ở trại đến hết giờ làm việc để cảm ơn thầy giám thị, để hứa với thầy sẽ không phụ lòng thầy. Nắm chặt bàn tay của Sùng, Đại tá Phạm Hữu Học căn dặn rằng, ai cũng có lầm lỗi, điều quan trọng là phải biết đứng dậy, sửa chữa lỗi lầm và sống lương thiện bằng bàn tay của mình. "Sau này, nếu có khó khăn gì, cháu cứ đến đây, tôi sẽ giúp hết khả năng của mình". Sùng trở về với lời căn dặn của người thầy tận tâm và ý chí sắt đá sẽ không phụ lòng những người thương yêu mình.
Anh Sùng hướng dẫn nhân viên làm việc
Làm "đến chết" để được sống
Ra tù với hai bàn tay trắng, gia đình khánh kiệt, Sùng bươn ra Hà Nội làm thuê sống qua ngày. Khó khăn quá, Sùng lại vào miền Nam làm công nhân nhưng rồi lại phải quay về quê. Không có công ăn việc làm, bạn bè xấu tìm đến rủ rê, nếu không vững tâm, chắc chắn sẽ quay lại con đường cũ, nhưng ý chí sắt đá làm lại cuộc đời đã không cho Sùng sa ngã. Anh quay lại Ninh Khánh, xin được gặp thầy Học.
Đại tá Phạm Hữu Học ôn tồn: "Vấp ngã ở đâu, hãy đứng dậy ở đấy. Tại sao cháu không sử dụng nghề đá mỹ nghệ học trong trại để kiếm sống. Nếu cháu thấy chưa tự tin, chú sẽ xin cho cháu học thêm. Nghề này, vừa học vừa làm ra sản phẩm nên được nuôi hoàn toàn và có một ít lương. Chỉ cần cháu quyết tâm là được". Như được bật ngọn đèn trong đầu, Sùng quyết tâm quay lại "nghề đá".
Sau mấy tháng học nghề, Sùng quay về quê kiếm sống. Nghề làm đá cần khá nhiều vốn nhưng Sùng không có gì trong tay. Sẵn cái xe máy cô em gái nhường cho để lấy phương tiện đi làm, Sùng đem đi đặt lấy 10 triệu đồng để mua đá, rồi đi khắp làng trên xóm dưới, biết nhà làm nhà, làm mộ, Sùng cũng đến "tiếp thị". Với giá nhân công rẻ hơn, tay nghề tốt nên Sùng nhanh chóng chiếm được tín nhiệm của mọi người.
"Có lần, em nhận được công trình trị giá 100 triệu đồng với yêu cầu phải ốp mộ trong 5 ngày, tiền công là 27 triệu đồng. Nhìn công trình đồ sộ, thật sự, cả chục người làm trong 5 ngày cũng khó huống gì chỉ có một mình. Nhưng số tiền lớn quá nên em ham, rủ thêm ông chú để phụ giúp. 5 ngày đó, em làm quên ăn, quên ngủ, ban đêm thắp điện làm suốt đêm, đến mức ngã từ trên mộ xuống vì ngủ quên, em lại lồm cồm dậy làm tiếp. Đúng hẹn, 5 ngày em hoàn thành công trình và được nhận 27 triệu đồng. Cầm tiền trên tay, em vui như muốn hét lên, chia tiền công cho chú xong, em đem ngay về nhà đưa cho bố mẹ. Bố mẹ thương con quá, dồn thêm tiền để em chung vốn mua xe tải làm ăn".
Cứ như thế, làm được đồng nào, Sùng lại đầu tư mua vật liệu để mở rộng sản xuất. Nhờ làm ăn uy tín, giá rẻ nên khách hàng dần tìm đến Sùng ngày càng đông. Năm 2012 - hơn 3 năm sau khi ra trại, khi cuộc sống đã ổn định, Sùng lại tìm về Ninh Khánh gặp thầy Học. Lần này, Đại tá Học khuyên Sùng thành lập công ty, bởi có tư cách pháp nhân mới có thể làm ăn lớn được và hướng dẫn Sùng các thủ tục.
Hiểu được lòng thầy, Sùng đã xin thành lập công ty mặc dù chưa biết sẽ phải làm thế nào. Vừa làm vừa học, Sùng lại tìm đến các công ty, công trình xây dựng đặt giới thiệu sản phẩm. Đúng như lời thầy Học, có tư cách pháp nhân, công việc của Sùng thuận lợi hơn, anh được tham gia đấu thầu những công trình lớn, thu nhập cao hơn hẳn.
Nói về quá trình cảm hóa phạm nhân Trần Sùng, Đại tá Phạm Hữu Học nhớ từng mốc thời gian anh Sùng vào trại, quá trình cải tạo và sau khi trở về nhà. Đại tá Học ấn tượng với anh Sùng bởi dù gia đình rất nghèo nhưng phạm nhân Sùng luôn có chí cầu tiến, quyết tâm cải tạo. "Quyết tâm vượt qua lỗi lầm, làm ăn bằng chính bàn tay, khối óc của mình, chắc chắn sẽ thành công" - Đại tá Học chia sẻ.
Hiện nay, công ty của anh Sùng có vốn điều lệ hơn 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 50 lao động với mức lương 5 đến 7 triệu đồng/tháng/người, nộp ngân sách mỗi năm 300 đến 400 triệu đồng... Anh Sùng đã có gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền và đứa con trai ngoan ngoãn.
Chia sẻ sự khó khăn với các phạm nhân, anh Sùng cho biết, sẵn sàng nhận bất cứ phạm nhân nào hết án trở về nhưng chưa có việc làm vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Tuấn Thành, ở thị trấn Nga Sơn, Thanh Hoá làm việc.