Sơn La: Rừng đặc dụng Tà Xùa âm thầm “chảy máu” (Kỳ 1)
Điều tra - Ngày đăng : 07:25, 28/07/2018
Gần 50km đường rừng
Sau khi được bạn đọc cung cấp thông tin về rừng đặc dụng Tà Xùa đang ngày đêm “chảy máu”, PV đã quyết định thâm nhập thực tế để tìm hiểu những thông tin này. Quả thực, đường đi vào sâu trong rừng Tà Xùa, khu vực có nhiều loại gỗ quý như Pơ mu, dổi… không hề dễ. Bởi lối đi vào nhỏ, trời mưa đường trơn trượt, hơn nữa, khi có người lạ vào rừng sẽ gây “động” ngay đến hoạt động khai hoạt động khai thác gỗ lậu. Sau khá nhiều thời gian tìm hiểu, liên hệ với người dân thuộc địa bàn huyện Bắc Yên, Sơn La, nhóm PV mới có thể lên đường với hành trình tìm hiểu rừng đặc dụng Tà Xùa – nơi đang ngày đêm đang bị “chảy máu”.
Những thanh gỗ được xẻ la liệt trên con đường mòn.
Sau khi di chuyển từ Hà Nội lên huyện Phù Yên, Sơn La chuẩn bị cho chuyến thâm nhập này, PV đã cùng mọi người bàn bạc để đưa ra các kế hoạch cụ thể. Để tránh “tai vách mạch rừng”, nhóm PV đã phải lên nhiều phương án để vào rừng Tà Xùa một cách tự nhiên nhất và không bị phát hiện. Nhóm chúng tôi xuất phát có 5 người đi 4 xe máy, lúc chúng tôi cải trang thành nhóm phượt thủ, khi lại đi theo dân bản địa là thanh niên người H’mông để vào rừng với lý do là thăm dò khoáng sản.
Theo chỉ dẫn của người thanh niên H’mông, chỉ có một con đường mòn duy nhất từ Háng Đồng – Bắc Yên đi sang xã Suối Tọ của huyện Phù Yên nơi những cây gỗ Pơ mu ngày đêm đang bị đốn hạ. Trước khi bắt đầu đi theo con đường mòn này, người thanh niên H’mông không quên nói với chúng tôi là phải đi nhanh nếu như không muốn ngủ lại ở rừng. Bởi đường đi rất khó khăn và hiểm trở, một bên và vách đá, một bên là vực sâu, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể bị ngã xuống vực.
“Đi nhanh thôi các anh, nếu mình đi chậm là có thể phải ngủ trong rừng. Bên cạnh đó, các anh phải tự nhiên và coi như đi phượt nhé đừng để đám "chim lợn" họ biết”, người thanh niên H’mông kia nói.
Quả thực, càng vào sâu, đường đi càng khó khăn hơn trước, những cung đường “sống trâu” với lúc dựng đứng khiến cho hành trình của nhóm PV đi càng gặp nguy hiểm. Có những lúc PV đi qua cung đường lầy lội bị ngã nhưng nghĩ đến việc hàng trăm cây gỗ pơ mu bị tàn phá đã thôi thúc chúng tôi phải đi vào sâu hơn nữa. Chứng kiến những lần PV bị ngã do đường đi quá khó khăn, người thanh niên H’mông kia đã khuyên PV quay lại vì lo sợ đi nữa không quen sẽ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì đi đến cùng với mục tiêu truy tìm bằng chứng để vạch trần những kẻ “tàn sát” rừng.
Những khối gỗ được cắt vuông vắn
Trong quá trình di chuyển, tận mắt chứng kiến những gốc Pơ mu bị chặt phá, nhóm PV không thể ngờ lâm tặc lại bạo gan đến vậy. Hàng chục điểm tập kết xẻ gỗ công khai ngay tại vệ đường mòn, có những cây gỗ to hàng ôm người không xuể hay những khối gỗ mới được cắt vuông vắn được xếp chình ình trực chờ vận chuyển. Cũng có từng tốp, từng tốp hàng chục chiếc xe máy dồn lại xếp dọc con đường này. Không lẽ, giữa chốn rừng sâu thế này, người ta đi xe máy vào rừng ngắm cảnh hay là lý do khác - phá rừng?!
Chiếc áo khoác của "lâm tặc" để lại sau khi đã xẻ gỗ xong.
Trên đường đi, chúng tôi gặp một số dân bản địa người H’mông. Họ hồn nhiên kể: “Rừng ở đây bị chặt nhiều lắm. Xe máy dựng bên đường kia là của người ta đi lấy gỗ, mấy hôm nay mưa nên ít người, chứ bình thường không như này đâu”.
Tiếp cung đường vào bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La, chúng tôi cũng gặp một nhóm kiểm lâm đang đi tuần, đâu phải mình chúng tôi nhìn thấy rừng đang bị hủy hoại mà chắc hẳn họ cũng thấy. Và lại lần nữa, chúng tôi phải ẩn mình thành những cán bộ địa chính đi thực địa tự nhiên, giả vờ như không hề quan tâm đến gỗ. Chờ nhóm cán bộ kiểm lâm đi qua, chúng tôi mới dám bắt tay tiếp vào chuyên môn, ghi lại những thước phim rừng bị tàn phá làm bằng chứng.
Đến suối Làng Sáng thuộc xã Háng Đồng, cả nhóm dừng xe, phân chia nhau người ở lại trông đồ, người đi bộ theo người dẫn đường vào rừng. Ròng rã leo bộ khoảng hơn chục km, những gốc Pơ mu còn xót lại mới bị cắt vẫn còn nguyên vết nhựa tứa ra hiện rõ. Trên đường vào rừng, những thân cây đã cắt được phi thẳng theo độ dốc xuống ven lối mòn kia khiến cả đám cây cỏ đổ rạp, quang đãng. Không biết từ khi nào, rừng lại “đổ máu” nhiều đến vậy?
Lần theo chỉ dẫn của người thanh niên kia, chúng tôi càng đi sâu vào rừng thì bắt gặp pơ mu bị đốn hạ càng nhiều. Có những cây bị xẻ thành tấm từ lâu; nhưng cũng có nhiều cây vừa bị đốn hạ mùn gỗ cưa còn mới tinh. Có những đoạn, những cây gỗ còn bị đốn hạ đổ vắt ngang đường, có những chỗ hàng chục tấm gỗ bị xẻ bỏ lại từng đống khiến PV khi chứng kiến không khỏi ngậm ngùi xót xa.
Trước sự việc này, ông Phùng Đức Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tà Xùa cho biết: “Chúng tôi nói dân có nghe đâu, chịu thua luôn… Rừng đặc dụng Tà Xùa có diện tích 16.600ha, cán bộ kiểm lâm chỉ có 16 người, chia thành 3 trạm, mỗi trạm phân chia khoảng 3-4 anh em, lực lượng thì ít nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn”.
Lâm tặc khai thác gỗ chuyển qua đường Suối Tọ và ngay đầu bản có một trạm kiểm lâm, chúng tôi thắc mắc, tại sao các cán bộ lại không ngăn cản. Vấn đề này, ông Tuyên ậm ừ: “Lực lượng ít quá, chỉ có 3 người ở trạm đó mà bọn nó có nhiều đường vận chuyển lắm. Cái bọn lấy gỗ đi buôn xuôi bán ngược thì ít thôi, chủ yếu là chuyển cho thợ mộc. Chức năng của trạm chỉ là trạm cửa rừng, không phải chức năng kiểm tra kiểm soát, các đồng chí ấy chỉ đi rừng, đi cơ sở thôi. Nếu gỗ đi qua, nhìn thấy mình vẫn phải bắt phải giữ”.
Quá trình tìm hiểu thông tin tiếp về vụ việc này, PV đã được người dân bản địa tiết lộ về đường đi của gỗ và chuyện “luật lá” nơi đây. Chi tiết như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.