Người mẹ già nặng lòng với đứa con hư

Điều tra - Ngày đăng : 10:42, 20/03/2022

Không có cha mẹ nào muốn con mình phải ngồi tù. Nhưng riêng những trường hợp như con tôi, nếu bị pháp luật xử mức án nghiêm, thi hành bản án thời gian càng dài, mới hy vọng có cơ hội đoạn tuyệt được ma túy”- mẹ bị cáo Tân buồn bã trải lòng.

ma-tuy-w580-h450.jpg

(Ảnh minh họa)

Phiên Tòa xét xử bị cáo Nguyễn Minh Tân (trú tại TP.Huế) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” diễn ra chóng vánh. Toàn bộ hàng ghế đều trống, duy chỉ có một người phụ nữ với gương mặt nhăn nheo khắc khổ luôn hướng ánh nhìn về đứa con tội lỗi của mình.

Bà Loan-mẹ bị cáo trải lòng, cuộc đời bà không may mắn như những người bạn đồng trang lứa, nên chấp nhận làm mẹ đơn thân để có đứa con cho vui cửa vui nhà. Bao nhiêu niềm vui của cuộc đời bà đều đặt vào con, bấy nhiêu nỗi buồn đều được bà giấu kỹ vào lòng mong cho con có những ngày tháng an yên, hạnh phúc.

Con trai bà, ở một khía cạnh nào đó vẫn yêu thương mẹ, bởi từ nhỏ đến lớn, bên cạnh Tân chỉ có bóng dáng thân thương của mẹ. Vậy nhưng Tân không chịu học hành, mặc dù mẹ vất vả sớm hôm chắt bóp từng đồng cho con đến trường.

Gia đình vốn chỉ đủ ăn, nhưng nếu Tân tu chí, có lẽ cuộc đời đã khác. Ngặt nỗi, 13 tuổi, Tân đã dính vào ma túy. Sau nhiều năm làm bạn với ả phù dung, Tân đã thành người khác. Sức tàn phá của ma túy thấy rõ qua cách khai lúc nhớ lúc quên và biểu hiện ngây ngô của bị cáo trước HĐXX.

Điểm qua "thành tích" vào tù ra tội của Minh Tân, mới thấy thương cho sự kỳ vọng của người mẹ già vốn nặng lòng với đứa con hư. Vừa bước sang tuổi 33, nhưng Nguyễn Minh Tân  đã có thâm niên 20 năm nghiện ma túy, bị cáo từng 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”; năm 2012, bị TAND TP. Huế xử phạt 3 năm tù về tội này. Ngoài ra, bị cáo còn bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi “Gây mất trật tự khu chung cư” và bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bao lần Tân đi tù, bà Loan cũng thăm nuôi con đều đặn. Lần nào từ trại giam trở về, bà cũng khoe khắp xóm rằng thằng Tân đã biết quay đầu về nẻo thiện khi hứa với mẹ mãn hạn tù sẽ làm lại cuộc đời. Ai dè hết lần này đến lần khác, Tân liên tục gây sóng gió, cái tật hút chích không chừa.

Chính bà Loan là người phát hiện ra con trai mình nghiện ma túy. Có lần, bà thấy Tân ngồi cười ngây dại một mình nhưng vẫn tự trấn an rằng con chưa nghiện nặng, ngặt nỗi vì sĩ diện không muốn để người ngoài biết, nên âm thầm vận động con tự cai. Khuyên con không được, bà cho Tân đi biển 1 tháng có khi là vài tháng với hi vọng con dứt hẳn ma túy. Thế nhưng tất cả lại trở về vạch xuất phát khi Tân vừa về đất liền thì lại tái nghiện.

Nhìn con phờ phạc sau mỗi cơn phê thuốc, trái tim bà như có hàng ngàn mũi kim đâm vào đau nhói. Bà đã trực tiếp dẫn con tới Công an báo án “Tàng trữ ma túy”. Bà khóc và cho biết, dẫn con đi mà lòng bà đau như cắt từng khúc ruột. Có ai hiểu được nỗi đau của người mẹ khi đứa con trước đây còn tràn đầy ước mơ hy vọng mà giờ đây “cái chết trắng” đã chia lìa tình cảm mẹ con. Nhưng muốn con cai nghiện, trở về làm người lương thiện, bà buộc phải cứng rắn, không bao che, không giấu diếm.

Tháng 12/2019, Tân được mãn hạn tù trở về địa phương. Để con không lông bông nên bà bán một lô đất lấy tiền cho Tân mở tiệm cắt tóc. Kỳ vọng, khi con có công việc và chí thú làm ăn ắt hẳn sẽ có người thương yêu và sớm lập gia đình. Nhưng ý nghĩ đó vừa lóe lên đã bị dập tắt khi bà hay tin Tân lại nhúng chàm ma túy.

Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn “hòa nhập cộng đồng”, Tân lại tiếp tục đối mặt với bản án mà Tòa sắp tuyên này.

Đoán chừng, bà Loan sẽ xin cho gã được giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất. Nhưng không, bà gạt vội dòng nước mắt đang rơi, bà rằng: “Có cha mẹ nào mà muốn con mình phải ngồi tù. Nhưng riêng những trường hợp như con tôi, nếu bị pháp luật xử mức án nghiêm, thi hành bản án thời gian càng dài, mới hy vọng có cơ hội đoạn tuyệt được ma túy”.

Những giọt nước mắt không ngừng rơi, nói lên nỗi lòng mẹ đang đau đớn đến nhường nào, khi bản thân phải “xin” tòa áp dụng mức hình phạt thật nghiêm khắc đối với con.

Mặc dù, bà Loan nhiều lần rơi nước mắt nhưng Tân rất ít khi nhìn về phía mẹ của mình. Khi tòa hỏi lúc này suy nghĩ gì về hành vi phạm tội, Tân vẫn bình thản, nói chẳng suy nghĩ gì nhiều, có làm thì có chịu. Câu trả lời như cứa vào lòng mẹ của bị cáo.

Vị hội thẩm nói: “Bị cáo đừng bao giờ trách mẹ. Bà ấy là một người mẹ dũng cảm và lý trí! Không phải ai cũng làm được điều đó, càng không phải bà mẹ nào cũng làm được như vậy. Có khi nào bị cáo để ý đến tình cảm của mẹ không? Bị cáo có nhận ra mẹ đã đặt biết bao hy vọng, để rồi thất vọng, buồn nản khi bị cáo không chuyển biến?”.

Bỏ ngoài tai lời nói của vị hội thẩm, Tân vẫn tỉnh queo, chẳng có một lời xin lỗi, điều mà ít nhất một người bình thường sẽ làm. Phải chăng Tân nghĩ, dù có trăm ngàn lời xin lỗi cũng không thể làm mẹ bị cáo bớt đau lòng hơn.

Qua xem xét toàn diện vụ án, nhận thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bản thân bị cáo có nhân thân xấu. Vì vậy cần áp dụng hình phạt nghiêm để giáo dục răn đe, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Tân 7 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Quả thực, chỉ có cha mẹ mới yêu con vô điều kiện, sự thực đó hiển hiện qua người mẹ của bị cáo Tân. Thương con, bà đã đặt mọi mong mỏi ngay từ cái tên đặt cho con; đến việc chăm chỉ cố gắng làm việc nuôi đứa con trai cả khi đã đến tuổi trưởng thành; mới chấp nhận cảnh ngày ngày cho con tiền “cai nghiện”. Nhưng đáp lại, Tân lại liên tiếp phạm tội, thật tiếc cho tâm ý của người mẹ!

Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết, thực tế xét xử, không ít trường hợp đau lòng tương tự như vụ án nêu trên. Và để hạn chế đến thấp nhất xảy ra những nỗi đau, nỗi lo cho cộng đồng, xã hội, gia đình phải nuôi dưỡng, giáo dục con cái đúng đắn, kịp thời có biện pháp điều chỉnh, đừng để đến lúc sự việc đã đi quá xa mới “cầu cứu”, “giao phó” cho pháp luật…thì đã muộn.

Anh Vũ