Hoang mang dự án “ma” Dragon City Bàu Bàng: Xuất hiện phiên bản Alibaba ở Bình Dương?
Bạn đọc - Ngày đăng : 10:18, 07/10/2019
Chỉ cần lên mạng search Google về Dự án Dragon City Bàu Bàng là cho ra hàng loạt kết quả về dự án này, với những lời quảng cáo hết sức có cánh, nào là khu đô thị lớn nhất Bình Dương, với các tiện ích đồng bộ xung quanh, hứa hẹn sẽ mang lại cho quý khách hàng một nơi an cư lý tưởng và cơ hội đầu tư sinh lời nhanh cho các nhà đầu tư thông minh…
Thậm chí, trong ngày giới thiệu dự án (2-6-2019), thực chất là mở bán, khách hàng mua Dragon City còn được tham gia chương trình khuyến mãi có tổng giá trị lên đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh thẻ cào trị giá 3 – 6 chỉ vàng, khách hàng còn được rút thăm may mắn, với cơ cấu giải thưởng gồm: 1 xe Hyundai Accent, 1 xe Honda SH, 1 xe Honda Airblade, 3 xe Honda Wave, Quạt làm mát không khí Sunhouse Shd774 và hàng ngàn quà tặng giá trị khác.
Theo nhiều trang web, Dự án Dragon City có địa chỉ tại đường 749C thuộc xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; quy mô khoảng 12 hecta, với khoảng 600 nền, có diện tích dao động từ 80 – 160m2; với mức giá từ 590 triệu đến 1 tỷ đồng.
Khách hàng mua tại “Dự án Dragon City” may mắn trúng xe Huyndai Accent trong ngày 2-6-2019
Để biết chính xác về "siêu dự án” này có nhận tiền của khách hay không, phóng viên đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu, từ đó biết được, nhiều sàn phân phối đã cho khách hàng nhận đặt chỗ từ khoảng tháng 5-2019, với mỗi nền là 50 triệu đồng. Đến ngày mở bán (ngày 2-6-2019) thì tiến hành chuyển qua làm hợp đồng đặt cọc. Sau đó, đóng theo tiến độ
Cụ thể, khách hàng mua nền có diện tích 116m2, trên đường D1, với giá bán là 1.006.115.000 đồng, sau khi đặt cọc 50 triệu đồng, khách hàng đóng đợt 1 vào 7 ngày sau với số tiền 715.618.500 đồng; đợt 2 đóng 207.497.500 đồng; đợt 3 đóng 72.999.000 đồng. Khách hàng chỉ được giữ lại 10 triệu đồng chờ ký hợp đồng chuyển nhượng và nhận sổ.
Hợp đồng đặt cọc kèm phiếu thu đã đóng tiền cọc của khách hàng
Từ thông tin của nhân viên bán hàng sàn Nam Phát, phóng viên được biết, có nhiều khách hàng đã đóng hết đợt 3, chỉ còn giữ lại 10 triệu đồng “chờ” ký hợp đồng chuyển nhượng và “nhận” sổ hồng. Đáng nói, trong tất cả phiếu thu tiền của khách hàng, cũng như hợp đồng đặt cọc không có bóng dáng chủ đầu tư ở đâu. Sàn phân phối Nam Phát tự ý đứng ra thu tiền của khách hàng.
Khi phóng viên hỏi khi nào thì ký hợp đồng chuyển nhượng, nhân viên này nói “chị chờ đến cuối tháng”, không biết là đến cuối tháng nào. Còn thắc mắc về chủ đầu tư dự án Dragon City là ai, nhân viên sàn Nam Phát khẳng định, chủ đầu tư là Công ty Tuấn Điền Phát (?).
Phiếu thu thanh toán đợt 3 của khách hàng
Trước thông tin bát nháo của dự án, phóng viên Báo Công lý đã làm việc với đại diện Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương để được cung cấp thông tin chính xác nhất. Tại đây, cán bộ của hai sở này đều khẳng định chắc nịch, Bình Dương không có dự án nào có tên là Dragon City hết.
“Qua rà soát hồ sơ, Dự án Dragon City Bàu Bàng chưa lập thủ tục đất đai tại Sở Tài nguyên & Môi trường”, vị cán bộ sở này cho biết.
Vậy có đúng Dự án Dragon City Bàu Bàng là của chủ đầu tư Tuấn Điền Phát hay không? Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phát để làm việc, nhưng không hiểu sao, vị giám đốc này không bao giờ bốc máy.
Theo tìm hiểu, phóng viên được biết, tại Bàu Bàng vẫn có dự án của chủ đầu tư Tuấn Điền Phát, với cái tên Tuấn Điền Phát 3, nhưng dự án này mới được UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định giao đất vào ngày 27-8-2019, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cũng như chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngay cả Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng cho biết, dự án này chưa có quyết định cho mở bán.
Trong khi đó, Dự án Dragon City lại mở bán từ ngày 2-6-2019 (tức là bán trước khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Bình Dương khoảng 2 tháng).
Một dự án có số lượng sàn phân phối “khủng” chưa từng thấy
Một dự án đang rất mập mờ về chủ đầu tư, thế nhưng hiện nay vẫn có khá nhiều sàn giao giao dịch bất động sản đang phân phối giới thiệu, rao bán và nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng như: Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Nguồn Lực Việt; Công Ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thành Đạt; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất Động sản Nam Land; Công ty Cổ phần Xây dựng Địa Ốc Nam Phát; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Thịnh; Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phú Minh Hưng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Địa Ốc Song Thịnh; Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Thuận Hưng…
Câu hỏi đặt ra, chính quyền ở đâu khi một dự án “trên trời rơi xuống” vẫn mua bán ầm ầm; thậm chí là đã mua đi bán lại qua rất nhiều người... Rồi những khách hàng “ôm” cuối cùng sẽ ra sao, hay lại chung “số phận” giống với các dự án đã từng bán ra của Alibaba? Đó là vẽ hàng loạt dự án “ma” để chiếm đoạt tiền từ khách hàng...
Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, để tránh rơi vào những cái bẫy giăng sẵn như Alibaba, khách hàng cần phải trang bị về pháp lý, biết phân loại bất động sản và khoanh vùng các khu vực đầu tư để chọn được chủ đầu tư uy tín.