Khai thác khoáng sản ở Lục Nam: Chính quyền có biết tài nguyên khoáng sản đang ‘chảy máu’? (Kỳ 1)

Bạn đọc - Ngày đăng : 17:32, 08/11/2019

Theo quy định, các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chỉ phục vụ cho nhu cầu nội tỉnh, không được phép bán khoáng sản (đất) ra ngoại. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, hàng ngàn lượt xe tải vẫn ngang nhiên chở đất xuống tàu mang đi nơi khác tiêu thụ. Vậy chính quyền địa phương không biết hay làm ngơ?

Thời gian gần đây, người dân địa phương tại hai xã Cẩm Lý và Vũ Xá huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang lo lắng trước tình trạng xuất hiện nhiều xe chở đất với tải trọng lớn chạy suốt ngày đêm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Theo phản ánh, phóng viên Báo Công lý và Xã hội đã có mặt tại huyện Lục Nam để tìm hiểu. Được biết, mỏ đất người dân phản ánh là của Công ty TNHH Hoàng Dương, mỏ đất này được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép cho khai thác khoáng sản (đất) làm vật liệu san lấp từ ngày 31/01/2019 theo QĐ số 288/QĐ- UBND. Trong giấy phép hoạt động nêu rõ: Công ty TNHH Hoàng Dương được phép khai thác mỏ để cung cấp đất san lấp cho dự án Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang và các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa huyện Lục Nam.

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

Mỏ khai thác của Công ty TNHH Hoàng Dương.

Tuy nhiên, đầu ra thực tế của những chiếc xe trọng tải lớn chở đất từ mỏ của Công ty TNHH Hoàng Dương lại không đưa về cho dự án Nhiệt điện An Khánh hay các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn mà chở thẳng ra phao nổi xuống tàu đoạn cầu Cẩm Lý.

Anh N.V.H bức xúc: "Con đường liên xã thì nhỏ mà bị cày nát vì các loại xe quá tải, thùng cao ngất chở đất không kể giờ giấc, ngày đêm. Dân chúng tôi kêu nhiều thì có thấy chính quyền đến. Nhưng không hiểu vì sao họ đến rồi đi, còn người dân chúng tôi thì vẫn phải sống chung với ô nhiễm tiếng ồn, bụi, mất an toàn giao thông".

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

Xe siêu trường, siêu trọng quần thảo ngày đêm.

Còn ông V.X.T, người dân sinh sống ngay gần bến đò ven sông xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam cho biết: "Ngày nào cũng có hàng chục chiếc tầu về lấy đất chở đi Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình… có tầu có số hiệu, tàu không số hiệu. Trừ ngày mưa, còn nếu nắng thì họ không nghỉ, có bữa xe chở đất xuống tàu còn hoạt động đến tận 23h đêm. Dịp cuối tuần các tầu đất kéo về dồn dập, xe tải – máy xúc làm không kịp chở, tầu đất đỗ hàng dài trên sông chờ đến lượt lấy hàng".

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

Khoáng sản sau khi khai thác được tập kết lên những tàu lớn.

Điều lạ là Công ty TNHH Hoàng Dương hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng theo giấy phép được cấp là dùng để phục vụ thi công san lấp mặt bằng dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang và các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Lục Nam mà lại chở đất xuống tàu để bán sang các tỉnh khác và mỏ đất do Công ty làm chủ dự án chỉ được phép khai thác 90.000m3/năm trên diện tích khai thác 3,6 ha, trữ lượng khoáng sản khai thác: 573.255m3, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác: 551.420m3, thời hạn khai thác 6,5 năm. Nhưng thực tế với lượng máy xúc và xe tải ra vào suốt ngày đêm rất có thể khu mỏ này đã khai thác “vượt phép” lên rất nhiều nhưng không thấy bị ngành chức năng từ xã, huyện đến tỉnh “sờ gáy”.

mo-khai-thac-dat-cty-hoang-duong-1-w800-h450.jpg

Toàn cảnh khu vực bến bãi trung chuyển khoáng sản.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu địa chất: Việc khai thác đất và tính toán khối lượng khai thác không khó, bởi khi cấp phép, trách nhiệm của nơi cấp phép (UBND tỉnh, hoặc Sở TN&MT) là phải có mốc giới, tọa độ, kích cỡ, vị trí… để lấy đó làm cơ sở tỉnh thuế tài nguyên - môi trường và các loại thuế khác. Nếu như với tần suất khai thác thực tế như hiện nay thì Công ty TNHH Hoàng Dương có dấu hiệu khai thác vượt sản lượng, việc này lực lượng chức năng nên tiến hành kiểm tra ngay, tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo, sơ hở để doanh nghiệp trốn thuế. Bởi, tại khu vực mỏ không hề có camera giám sát đếm số lượng xe ra vào, cũng không có trạm cân.

Vậy, thực chất Công ty TNHH Hoàng Dương vận chuyển đất ra ngoại tỉnh tiêu thụ có đúng quy định? Chính quyền địa phương ở đâu khi doanh nghiệp được cấp phép một đằng nhưng lại chở đi một nẻo? Và ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã có những cơ chế nào để giám sát, kiểm đếm việc khai thác khoáng sản trên địa bàn?

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật trong các bài viết tiếp theo.

Gia Huy