Dự án nghìn tỷ Trũng Kênh: Thấy gì từ báo cáo thẩm định của Sở KH&ĐT? (Bài 3)
Bạn đọc - Ngày đăng : 08:36, 27/02/2020
Số liệu tài chính chưa kiểm toán
Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ (dự án Trũng Kênh) ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội có quy mô khoảng 214.883m2, nằm ở vị trí vô cùng đắc địa. Phía Đông Bắc dự án giáp với khu di dân Đồng Tàu, phía Tây giáp với đường Giải Phóng, phía Đông giáp với đường quy hoạch dự kiến, phía Nam giáp với tuyến đường tiếp giáp khu hành chính quận Hoàng Mai.
Ngày 23/3/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Quyết định số 1424/QĐ-UBND, chấp thuận đầu dự án này cho Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Hà Thành (INDECOTECH), Công ty Cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD), Công ty Cổ phần Licogi 16 (Licogi 16) làm chủ đầu tư, với tổng mức khoảng 3.234,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu nhà đầu tư chiếm 20%, tương đương 646 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị hoành tráng thành nơi đổ rác.
Để ra được quyết định trên, trước đó, ngày 15/3/2016, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ký Báo cáo Thẩm định số 267/BC-KH&ĐT về việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Trũng Kênh gửi UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định chủ trương.
Trong báo cáo thẩm định, ở mục 3.1.2 thể hiện: “Theo báo cáo tài chính năm 2013 đã được kiểm toán, vốn chủ sở hữu của HANHUD là 68,1 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 22 lần (là cao); INDECOTECH là 137,1 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,4; Licogi 16 là 793,8 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 1,4 lần”.
Sau khi bổ sung báo cáo tài chính năm 2014 đã được kiểm toán, vốn chủ sở hữu của HANHUD là 63,3 tỷ đồng, INDECOTECH là 136,9 tỷ đồng. Riêng Licogi 16, vốn chủ sở hữu là 975,3 tỷ đồng, tăng 181,5 tỷ đồng; song số liệu này chưa được kiểm toán và đơn vị thẩm định yêu cầu chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính, số liệu nguồn vốn chủ sở hữu cung cấp.
Thẩm định ẩu, phê duyệt dễ dãi?
Ngoài số liệu tài chính chưa được kiểm toán, trong báo cáo thẩm định của Sở KH&ĐT còn nêu rõ: “... Hợp đồng 0812/2015/HĐ-LDHTĐT ngày 8/12/2015 chưa nêu cụ thể đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên, chưa có điều khoản xử lý đối với Hợp đồng Hợp tác đầu tư đã ký số 16/2011/HYDT ngày 8/3/2011. Như vậy, nội dung Hợp đồng BCC chưa phù hợp quy định Điều 29 Luật Đầu tư”.
Về năng lực và nguồn vốn thực hiện dự án: “Nguồn vốn vay: Hồ sơ có Văn bản số 581/BL-CNTX ngày 14/10/2014 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thanh Xuân chấp thuận cung ứng vốn tín dụng tối đa 700 tỷ đồng cho Liên danh. Tuy nhiên, đây chưa phải là văn bản cho vay vốn chính thức từ ngân hàng... Về vốn huy động, hồ sơ chưa có phương án huy động nguồn vốn này”.
Với hàng loạt thiếu sót, tồn tại như vậy, nhưng Sở KH&ĐT vẫn đánh giá dự án cơ bản đủ điều kiện để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và đề nghị UBND thành phố quyết định.
Thứ duy nhất liên danh chủ đầu tư làm được ngoài thực địa là treo tấm pano thông tin dự án.
Đó là chưa kể tới việc trong báo cáo thẩm định thể hiện, liên danh chủ đầu tư cam kết không lâm vào tình trạng phá sản hay giải thể, không bị cơ quan có thẩm quyền kết luận về tình hình tài chính không lành mạnh, không trong thời gian bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong khi thực tế, Licogi 16 đã quyết định không tham gia thực hiện dự án Trũng Kênh để bảo đảm nguyên tắc bảo toàn vốn từ ngày 20/8/2015. Thông báo quyết định này được Licogi 16 gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và các cổ đông Licogi 16 ngay ngày hôm sau 21/8/2015. Trong kỳ họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2016, được tổ chức vào tháng 4/2016, Ban Kiểm soát Licogi 16 cũng đề cập tới nội dung này. Cụ thể: Ban Kiểm soát cho biết HĐQT đã thông qua các Nghị quyết, quyết định không tiếp tục đầu tư dự án Trũng Kênh. Nhưng lạ thay, trong quá trình thẩm định hồ sơ Sở KH&ĐT TP Hà Nội không hề phát hiện ra.
Và từ một báo cáo thẩm định “ẩu”, còn nhiều tồn tại, dự án Trũng Kênh có tổng mức đầu tư khoảng 3.234,9 đã dễ dàng vào tay một “liên danh ma”, hồ sơ pháp lý “lôm côm”. Kết quả, giấc mơ về một khu đô thị khang trang, hiện đại, đồng bộ… sau bao năm chờ đợi vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ dại mọc lút đầu người, là miếng bánh vẽ trong trí tưởng tượng của bao người.
Công lý và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.