Trường quay Cổ Loa “xẻ thịt” đất công để cải thiện đời sống?
Bạn đọc - Ngày đăng : 18:32, 10/03/2020
Trường quay Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là trường quay đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Trường quay Cổ Loa được coi là “thủ phủ điện ảnh” của cả nước với những tác phẩm nổi tiếng như: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Nghêu sò ốc hến. Từ những năm 1980 cho tới năm 2008, trường quay bị lãng quên, bỏ hoang.
Năm 2008, để phục vụ cho việc thực hiện các bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH- TT-DL) quyết định triển khai dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 1 với tổng số vốn đầu tư hơn 106 tỉ đồng.
Kỳ vọng sẽ xây dựng một trường quay đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa/năm, đến 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành dự án với hơn 100 tỉ đồng, trường quay chỉ phục vụ cho một số bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô… rồi lại rơi vào quên lãng.
Hàng loạt nhà xưởng của Công ty Loa Thành mọc tại cánh đồng
Nhà xưởng, nhà sàn ngang nhiên mọc giữa cánh đồng chưa được UBND xã Cổ Loa và các cơ quan chức năng huyện Đông Anh xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 09/11/2017, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 7839/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Trường quay Cổ Loa.
Theo quyết định, xây dựng khu trường quay hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh nước nhà nói riêng và khu vực nói chung, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và giải quyết tốt những vấn đề kinh tế - xã hội. Tạo lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với khu đô thị xung quanh.
Khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết có tổng diện tích khoảng 157.693m2 được phân chia thành các lô đất quy hoạch, bao gồm các chức năng sử dụng đất chính sau: khu Trường quay; khu nhà ở, đảm bảo sự linh hoạt trong việc xây dựng các bối cảnh phục vụ việc sản xuất phim ảnh. Giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hiện tượng khói, bụi, tiếng ồn... với khu dân cư lân cận.
Khi triển khai dự án phải có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công xây dựng. Nâng cao nhận thức người dân trong việc khai thác sử dụng các hoạt động đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Để thực hiện kế hoạch này, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ, quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vực Trường quay Cổ Loa phù hợp nội dung quyết định này. Bên cạnh đó cần chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Trường quay Cổ Loa, tổ chức công bố công khai nội dung Đồ án Quy hoạch chi tiết được duyệt, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.
UBND thành phố cũng giao Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch UBND các xã Uy Nỗ, Cổ Loa và Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, quản lý, giám sát việc xây dựng đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, gần đây, Báo Công lý & Xã hội nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất sai mục đích tại Trường quay Cổ Loa không được xử lý gây bức xúc dư luận.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, phóng viên (PV) đã đến các địa điểm được phản ánh tại Trường quay Cổ Loa để xác minh thông tin phản ánh. Theo ghi nhận, hàng loạt nhà kho, nhà xưởng đang “vô tư” tấp nập sản xuất, kinh doanh trên hàng nghìn m2 đất của Trường quay Cổ Loa như Công ty Tân An, công ty MILACO, công viên giáo dục trải nghiệm PANDORA, SUNNY...
Ngoài ra, trên địa bàn xã Cổ Loa còn xuất hiện kho, nhà xưởng, nhà sàn hoành tráng xây dựng trên đất nông nghiệp ngay giữa các cánh đồng nhưng tới nay vẫn chưa được UBND xã Cổ Loa và các cơ quan chức năng huyện Đông Anh xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với PV về thông tin phản ánh về việc trường quay đang sử dụng đất sai mục đích cho các đơn vị thuê làm kho, nhà xưởng, công viên giáo dục trải nghiệm, ông Nguyễn Công Mười, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp Trường quay Cổ Loa cho biết: “Đời sống của anh em hết sức khó khăn nên cần có sự liên kết để kinh doanh cải thiện đời sống. Trường quay không cho các đơn vị khác thuê mà góp vốn, liên kết kinh doanh và đã có văn bản báo cáo Bộ VH-TT-DL. Hai trung tâm trải nghiệm mới hoạt động từ năm 2019 còn các kho, xưởng cơ khí, sản xuất đồ nội thất… đang hoạt động sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng ngày 31/12/2019”.
Khi PV thắc mắc Trường quay đã báo cáo Bộ VH-TT-DL về các hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh trên có được Bộ VH-TT-DL chấp thuận không, ông Mười thừa nhận: “Trường quay đã báo cáo Bộ VH-TT-DL nhưng tới nay Bộ vẫn chưa có văn bản chấp thuận cho đơn vị hợp tác kinh doanh trên đất của trường quay”.
PV đề nghị được tiếp cận các văn bản pháp lý về việc Trường quay liên kết với các đơn vị khác để kinh doanh nhiều dịch vụ khác nhau nhưng ông Mười từ chối cung cấp thông tin và hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo, xin ý kiến, bố trí một buổi làm việc với PV.
Tuy nhiên sau nhiều tháng chờ đợi, liên hệ, PV không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía Trường quay Cổ Loa. Vì sao Trường quay Cổ Loa một đơn vị thuộc Bộ VH-TT-DL lại “né” cơ quan báo chí, không cung cấp thông tin cho báo chí?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hàng loạt kho, nhà xưởng đang tấp nập sản xuất, kinh doanh trên hàng nghìn m2 đất của Trường quay Cổ Loa.