Trà Vinh: Nhiều tình tiết quan trọng chưa được xem xét

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:17, 16/05/2020

Tòa soạn nhận đơn kêu cứu của bà Lâm Thị Xuyến cho rằng, bà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng không được công nhận trong khi đó lại công nhận cho người mua bằng giấy tay, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà.

Ngày 27/3/2020, Tòa soạn nhận đơn kêu cứu của bà Lâm Thị Xuyến (trú tại ấp Tri Liêm, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Trong đơn bà Lâm Thị Xuyến nêu rõ: “Tôi và bà Lâm Thị Cẩm, ông Lý Hứa Vũ (con trai bà Cẩm) có tranh chấp với nhau quyền sử dụng 2.143 m2, thửa đất số 1730, tờ bản đồ số 6, tọa lạc tại ấp Bình Tân, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Nguồn gốc thửa đất này là của bà Lâm Cẩm Thu. Bà Thu được UBND huyện Cầu Ngang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998”.

Năm 2006, bà Thu chết không để lại di chúc. Em trai của bà Thu là ông Lâm Quang Sang làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của bà Thu để lại. Năm 2007, ông Sang được UBND huyện Cầu Ngang cấp giấy chứng nhận quyền sửa dụng đất thửa số 1730. Năm 2014, ông Sang chuyển nhượng thửa đất số 1730 cho bà Lâm Thị Xuyến. Việc chuyển nhượng được thực hiện tại Văn phòng công chứng, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Tại thời điểm chuyển nhượng, hai bên chưa bàn giao cho nhau mốc giới thửa đất. Cùng năm 2014, bà Xuyến được UBND huyện Cầu Ngang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 1730. Năm 2015, bà Xuyến yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tới xác định mốc giới đất thì bị ông Lý Hứa Vũ ngăn cản.

tra-vinh-1-w938-h1280.jpg

Đơn kêu cứu của bà Lâm Thị Xuyến gửi Tòa soạn

Lý do mà ông Vũ đưa ra để ngăn cản là bà Cẩm (mẹ ông Vũ) đã nhận chuyển nhượng một phần thửa đất năm 2005 từ bà Thu. Ông Vũ đưa ra một giấy viết tay giữa hai bên, không có xác nhận của Chính quyền địa phương và của Văn phòng công chứng. Nội dung bản viết tay không thể hiện diện tích chuyển nhượng, thửa đất chuyển nhượng, mốc giáp danh của thửa đất.

Năm 2019, TAND huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh ban hành Bản án số 12/2019/DS-ST tuyên xử buộc bà Cẩm, ông Vũ phải trả lại cho bà Xuyến phần diện tích đất đang tranh chấp. Bà Xuyến có trách nhiệm thanh toán giá trị tôn tạo, san lấp đất, cùng giá trị cây trồng trên đất cho bà Cẩm, ông Vũ.

Bà Xuyến cho rằng, Bản án số 12/2019/DS-ST của TAND huyện Cầu Ngang là không thỏa đáng vì toàn bộ diện tích thửa đất số 1730 được Phòng Quản lý đất đai huyện Cầu ngang xác định là đất trồng cây lâu năm từ năm 1998 cho tới nay. Vậy nên, Thửa đất 1730 không phải là đất ruộng, không có căn cứ để cho rằng ông Vũ đã thực hiện cải tạo khu đất trên, nên việc buộc bà Xuyến chi trả công tôn tạo đất là không thỏa đáng.

Ngày 17/01/2020, TAND tỉnh Trà Vinh ban hành Bản án số 05/2020/DS-PT có nội dung công nhận quyền sử dụng diện tích 2.143 m2 thửa số 1730 của bà Cẩm, ông Vũ và bà Vân (vợ ông Vũ). Ngoài ra bản án còn ghi rõ: Cho phép chủ sử dụng đất liên hệ với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận; Đề nghị UBND huyện Cầu Ngang cấp giấy chứng nhận cho chủ sử dụng.

Như vậy, Bản án số 05/2020/DS-PT đã mặc nhiên công nhận giao dịch dân sự giữa bà Thu với bà Cẩm là giao dịch hợp pháp, trong khi giao dịch này không tuân thủ đúng quy định về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng (không được công chứng, chứng thực), cũng không thể hiện rõ nội dung (diện tích và vị trí thửa đất). Từ khi giao dịch diễn ra cho đến thời điểm hiện tại là 15 năm, gia đình bà Cẩm không thông báo cho chính quyền địa phương biết về việc chuyển nhượng, cũng không đi kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

tra-vinh-1-w938-h1280.jpg

Bản án số 05/2020/DS-PT của TAND tỉnh Trà Vinh

Mặt khác, bà Xuyến nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Sang. Tại thời điểm chuyển nhượng, ông Sang là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất, đã được Chính quyền địa phương công nhận bằng việc cấp giấy chứng nhận năm 2007. Tin tưởng vào sự thừa nhận của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của ông Sang, bà Xuyến mới thực hiện việc mua bán. Hoạt động chuyển nhượng giữa bà Xuyến với ông Sang là công khai, ngay tình, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ theo tinh thần của Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, trong quá trình khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận về việc phân chia di sản của bà Thu giữa các đồng thừa kế đã được niêm yết công khai tại nơi có bất động sản trong thời gian 30 ngày (theo Điều 52 Nghị định 75/2000/NĐ-CP). Trong tình huống này, pháp luật buộc bà Cẩm phải biết về sự kiện này, việc bà Cẩm không có ý kiến gì trong và sau thời gian niêm yết công khai đồng nghĩa với việc bà đã từ bỏ hoặc mất đi quyền đưa ra yêu cầu.

Bà Xuyến cho rằng, gia đình bà nhận chuyển nhượng đất của ông Sang một cách hợp pháp, ngay tình và đúng theo trình tự thủ tục theo quy định pháp luật nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ. Trong khi đó, gia đình bà Cẩm chỉ có bản viết tay không thể hiện diện tích chuyển nhượng, thửa đất chuyển nhượng, mốc giáp danh của thửa đất nhưng được ghi nhận và bảo vệ. Hoạt động này cũng hoàn toàn đi ngược với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ngọc Nam