Doanh nghiệp Việt: Hành trình “tái cấu trúc” hậu khủng hoảng
Tin kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 07/06/2022
Lực “đẩy và kéo” trong bối cảnh mới
Các nền kinh tế chưa kịp “thở phào” chờ bình phục hậu Covid-19, đã lập tức phải đối mặt với những thách thức và rủi ro mới đang hiện hữu: gánh nặng về nợ, lạm phát toàn cầu,tăng trưởng suy giảm và căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kìm hãm sự phục hồi và tạo ra nguy cơ lớn cho các doanh nghiệp.
Khi trọng tâm kinh tế chung chuyển sang phục hồi và tăng trưởng, các doanh nghiệp đang xem xét lại cách thích ứng và cạnh tranh. Một loạt thị trường được tái định hình nhờ sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi số và mức độ quan tâm ngày càng gia tăng của thế giới nói chung về các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social, Corporate Governance - ESG). Vì vậy, mở rộng bộ công cụ tái cấu trúc là chiến lược mà đa số các doanh nghiệp lựa chọn trong hành trình kinh doanh thời gian tới.
“Điều quyết định của doanh nghiệp chuyển đổi là vận dụng các nền tảng công nghệ mới, xây dựng hệ sinh thái kết nối mở để giảm tải, dùng chung các tài nguyên, nguồn lực”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nêu ra nhận định tại hội thảo “Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp: Thích ứng & Tự chủ” diễn ra ngày 5/6.
Theo ông Đoàn, kinh doanh tác động xã hội là hình thức phát triển kinh doanh mới, tạo nền tảng xây dựng doanh nghiệp xã hội, mở ra hạ tầng công nghệ và quản trị, hỗ trợ khởi nghiệp tinh gọn và cam kết trích lại một phần lợi nhuận để thực hiện trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp như Facebook, Tiktok, Grab đã ứng dụng công thức “Con người – Quy trình – Công nghệ” của ngành kinh doanh tác động xã hội và tạo ra thành công vượt bậc.
Quy mô của nền kinh tế xã hội không dễ đo lường, nhưng các chỉ số trong Báo cáo Mở khóa nền kinh tế xã hội (Unlocking the Social Economy) của Deloitte đã thể hiện rõ vai trò tác động của nó: 6% lực lượng lao động của EU đến từ 2,8 triệu thành viên kinh tế xã hội; 28 –41 triệu việc làm được tạo ra ở Châu Phi năm 2020 bởi các doanh nghiệp xã hội; 1,845 nghìn tỷ USD dự kiến được đầu tư vào thị trường tác động xã hội năm 2023…
Mở rộng bộ công cụ tái cấu trúc
Dòng vốn dành cho các quỹ định hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã tăng mạnh chưa từng có. Trong quý 3 năm 2021, các quỹ bền vững toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 3,9 nghìn tỷ USD, tăng khoảng gấp đôi trong vòng chưa đầy 12 tháng, theo thông tin từ Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022.
Xu hướng này phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng từ các doanh nghiệp trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh, sản xuất quay vòng/tái chế,... Hành động này được coi là đòn bẩy để mang lại giá trị bền vững trong một thế giới đầy biến động. Với việc giá nhiên liệu tăng lên một độ cao mới, các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, ít phụ thuộc vào nguyên liệu thô, sẽ có lộ trình tinh gọn chi phí đáng tin cậy hơn. Tương tự như vậy, doanh nghiệp nào có thể chứng minh sở hữu chuỗi cung ứng bền vững sẽ ít bị tổn thương hơn trước những cú sốc từ nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh sự tự chủ và thích ứng của doanh nghiệp, việc đồng hành của chính phủ đi cùng những hỗ trợ thiết thực về thuế cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái cấu trúc hiệu quả. Cụ thể, ngày 28/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Mặc dù không phải chìa khóa vạn năng, nhưng chính sách mở về thuế đã góp phần “rộng đường” cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, được khoan sức và phục hồi.
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh hậu khủng hoảng của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang tạo ra những tiền đề linh hoạt, từ đó giúp các tổ chức vượt qua sự gián đoạn và khó khăn trong quá trình phục hồi. Nhưng trên hết, nhiều công ty sẽ cần giải quyết những thách thức lâu dài thông qua việc chuyển đổi hoạt động và tái cơ cấu chiến lược. Điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là xác định công cụ nào phục vụ tốt nhất cho mục đích của mình.
Một số ngành nghề đối mặt với thách thức ngắn hạn
Tại Việt Nam, nhiều tín hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực của kinh tế trong nửa cuối năm 2022, nhất là trong bối cảnh hàng hoạt chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý đang dần được triển khai. Tuy nhiên, một số ngành có sự phục hồi chậm hơn, đặc biệt là bán lẻ, bất động sản, du lịch và những ngành liên quan.
Mặc dù ngành bán lẻ sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động chi tiêu tiêu dùng tăng, nhưng các công ty bị “hụt hơi” về chuỗi cung ứng không kịp chuẩn bị cho các giai đoạn bán hàng quan trọng. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), vào tháng 10 năm 2021, hàng tồn kho bán lẻ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 25 năm.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ Covid-19 và các biến cố mới khiến xu hướng này tiếp tục đến năm 2022. Khó khăn về thị trường lao động và chi phí hậu cần ngày càng tăng cũng đang gây áp lực, đòi hỏi các nhà bán lẻ cần chuẩn bị sẵn các kịch bản tái cơ cấu phù hợp. Lời khuyên của các chuyên gia là ưu tiên việc xây dựng mối liên kết kinh doanh có chất lượng, dựa thế vào các đối tác mạnh để tăng cường sức cạnh tranh.
Bất động sản là lĩnh vực tiếp theo tiếp tục chịu tác động ngắn hạn năm 2022. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt việc cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bao gồm đầu tư hay kinh doanh bất động sản. Điều này đã tạo ra ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường bất động sản, đồng thời ảnh hưởng đến các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng và đặc biệt là ngành ngân hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn đa dạng hơn.
Với du lịch, nhiều chuyên gia nhận định ngành này sẽ gặp thách thức ngắn hạn bởi tác động từ hậu Covid-19 và xung đột địa chính trị. Mặc dù vậy, du lịch vẫn đang có những tín hiệu hồi phục tích cực. Hiệu quả từ chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 và chuỗi sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và một số địa phương cũng góp phần quan trọng khiến các lĩnh vực du lịch, vận tải của Việt Nam hồi phục nhanh trong tháng 5/2022.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng không được kỳ vọng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi cho du lịch và các ngành có liên quan.
Nhìn chung, dù đối mặt với kịch bản nào trong hậu khủng hoảng, hành trình tái cấu trúc của doanh nghiệp vẫn phải xoay quanh việc định vị chuỗi giá trị kinh doanh. Trong hoàn cảnh không bình thường, tư duy và giải pháp khác thường, hành động quyết liệt sẽ là bí quyết giúp doanh nghiệp thành công chuyển đổi.