Xu hướng "nghỉ việc trong tâm lý" của thế hệ trẻ

Tin kinh tế - Ngày đăng : 09:18, 16/08/2022

Sự vô nghĩa của công việc và đại dịch đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách tiếp cận công việc của bản thân. Làm việc đủ trách nhiệm, không trả lời tin nhắn sếp và không làm việc ngoài giờ, không nhận thêm những nhiệm vụ mới là biểu hiện của nhân viên có xu hướng "nghỉ việc trong tâm lý".

“Nghỉ việc trong tâm lý” hay "Nghỉ việc trong im lặng" (Quiet Quitting) là một thuật ngữ chỉ xu hướng mới xuất hiện gần đây. Thuật ngữ này miêu tả quan điểm công việc không nên chiếm quá nhiều quỹ thời gian của cuộc sống, đồng thời nhân sự cũng không nên cố gắng để thực hiện những đầu việc ngoài mô tả công việc ban đầu của họ. 

Nghỉ việc trong tâm lý có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm việc nhân viên từ chối thực hiện dự án không mang lại cho họ sự hứng thú, không tham gia hoạt động của công ty, ngắt kết nối với công việc và đồng nghiệp sau giờ làm… hoặc đơn giản là không cảm thấy có nhiều niềm vui trong công việc đang làm.  

Ảnh minh hoạ 

Theo một khảo sát tại nơi công sở được thực hiện bởi Gallup, chỉ có 9% dân văn phòng tại nước Anh gắn bó hoặc có sự nhiệt tình với công việc, xếp thứ 33 trong số 38 quốc gia châu Âu, con số này ở mức toàn cầu chỉ là 21%. Mặt khác, một cuộc khảo sát nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, được thực hiện vào mùa thu năm 2021, cho thấy chỉ số tinh thần của nhân viên đã giảm 6,1/10 xuống 5,8/10, đồng thời mức độ gắn bó giảm từ 7 xuống 6,8. 

Thậm chí, mức độ tương tác thấp của nhân viên đối với công việc đã gián tiếp gây thiệt hại 7,8 nghìn tỷ USD cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Ông Maria Kordowicz, Phó Giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham (Anh), cho biết xu hướng "quiet quitting" đang lan dần trên phạm vi toàn cầu cho thấy sự sụt giảm đáng kể về mức độ hài lòng trong công việc.  

Mức độ stress trong công việc của nhân sự trên toàn thế giới đã gia tăng mức cao kỷ lục, 44 điểm vào năm 2021 so với mức 33 điểm năm 2014. Ngoài ra, sự phân bổ về việc làm vẫn chưa có sự đồng đều, khi các khu vực có ít cơ hội việc làm nhất là Cộng đồng các quốc gia độc lập (35%), MENA (28%) và Đông Á (27%), trong khi đó con số này ở thế giới là 45%, vẫn thấp hơn mức 55% cùng kỳ 2019.

Sau đại dịch, mối quan hệ của con người với công việc được nghiên cứu ở nhiều góc độ. Đa phần kết quả chỉ ra, thái độ với công việc của nhân viên đã thay đổi.

Những nhân viên "quiet quitting" không hề giấu giếm việc họ làm, thậm chí còn công khai trên mạng xã hội. Những bài đăng này có thể bắt nguồn từ trào lưu "nằm thẳng" (tangping) ở Trung Quốc, nơi nhiều người trẻ bày tỏ sự kiệt sức và chán nản với cuộc sống hiện đại.  

Ảnh minh hoạ 

Trong năm 2021, cộng đồng mạng tại Trung Quốc đã nổi lên tag #TangPing, nói về việc con người nên "nằm thẳng cẳng và mặc kệ đời", chỉ nên theo đuổi một cuộc sống bình thường thay vì phải làm việc suốt một đời để mua nhà như trước đây. Tuy nhiên, sau đó bài đăng về từ khóa trên đã bị hủy bỏ.

Nguyên nhân hình thành xu hướng này chủ yếu đến từ tâm lý của nhân sự trong thời kỳ đại dịch. Khi con người có quá nhiều khoảng thời gian phải sinh hoạt một mình khiến cho nhu cầu giao tiếp trở nên hạn chế dần. Nhân sự đang mất dần đi nguồn cảm hứng cùng niềm vui khi gắn bó với đồng nghiệp. Và một phần nào đó trong suy nghĩ của mọi người vẫn đang e ngại tình hình dịch bệnh cũng như tâm lý "sống qua ngày" trỗi dậy. 

Một nguyên nhân khác khiến xu hướng "quiet quitting" bùng nổ là trong đại dịch nhiều nhân bị vắt kiệt sức bởi khối lượng công việc lớn, mất cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Nhân viên không đủ tinh thần để nỗ lực như trước. Hoặc không ít người đã đạt thành công, có vị trí nhất định trong công việc nhưng cũng dần nhận ra, đây không phải những gì họ tìm kiếm trong cuộc sống. 

Ảnh minh hoạ 

"Quiet quitting" không phải là hiện tượng mới, chúng vẫn âm thầm diễn ra bởi luôn tồn tại những giai đoạn người lao động chán nản, muốn nghỉ việc. Nhưng để "nghỉ việc trong tâm lý" bùng phát thành một trào lưu như hiện nay là một hiện tượng đáng lo ngại. 

Gần đây, nhiều công ty công nghệ đang cố gắng tạo ra môi trường làm việc thoải mái. Họ thiết kế những văn phòng đầy màu sắc, cung cấp đồ ăn, uống miễn phí, thay đổi hình ảnh công ty trẻ trung, năng động... và nhấn mạnh thông điệp về sứ mệnh và mục đích để tạo cảm hứng cho người lao động.  

Một số công ty khác đang dần thay đổi theo hướng tích cực, cung cấp cho người lao động quyền tự chủ cùng mức lương hấp dẫn. Nhưng nỗ lực đó đang bị cản trở bởi khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến nhiều nhân viên cảm thấy hụt hẫng. Theo tiến sĩ Ashley Weinberg, chuyên gia tâm lý học nghề nghiệp tại Đại học Salford (Anh), tiền bạc là một vấn đề rất quan trọng, nhưng ngoài chuyện đó, người lao động muốn công sức của mình được tôn trọng, đáng giá cao.

Mai Anh