Cơ hội của Việt Nam khi Apple, Google dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Tin kinh tế - Ngày đăng : 14:39, 09/09/2022

Google và Apple đang chuẩn bị ra mắt những dòng điện thoại thông minh mới của mình, tuy nhiên, một số sản phẩm này đã không còn được sản xuất tại Trung Quốc. Nhiều ông lớn công nghệ đã dần hoàn tất quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tới các quốc gia như Việt Nam hay Ấn Độ.

Theo hai tác giả Daisuke Wakabayashi và Tripp Mickle của Nytimes, việc các ông lớn công nghệ dịch chuyển có thể là phản ứng trước những lo ngại ngày càng gia tăng về căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch liên quan đến Trung Quốc trong 2 năm qua. Khi các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Apple, Google... dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi phạm vi Trung Quốc, Việt Nam là thị trường được hưởng lợi nhiều nhất nhờ vị trí địa lý. 

Mới đây, Apple và Google thông báo sẽ sớm trình làng thế hệ smartphone mới nhất ở phân khúc cao cấp. Một trong số các sản phẩm này sẽ không còn được sản xuất tại Trung Quốc, nơi tập trung của những nhà máy sản xuất quốc tế hàng đầu thế giới.

Một phần rất nhỏ trong số những chiếc iPhone mới nhất của Apple sẽ được sản xuất ở Ấn Độ. Trong khi đó, nhiều linh kiện sản xuất điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được thực hiện tại Việt Nam. 

Nhà máy sản xuất của Foxconn tại Ấn Độ. (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Từ lâu, Trung Quốc đã được mệnh danh là công xưởng của thế giới về thiết bị điện tử công nghệ cao. Đất nước tỷ dân có khả năng đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề và năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về sản xuất thiết bị của mọi hãng công nghệ. 

Nhưng ngày càng nhiều công ty Mỹ nhìn thấy những rủi ro ngày càng tăng tại Trung Quốc trong “cuộc chiến thương mại” với Nhà Trắng với các chính sách áp đặt mức thuế. Tình hình dường như leo thang hơn sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lệnh cấm xuất khẩu chip AI sang Bắc Kinh. 

Do đó, một số nhà sản xuất đang có xu hướng đưa những hoạt động sản xuất ra khỏi lãnh thổ nước này. Điển hình như gã khổng lồ công nghệ Apple đang tiến hành sản xuất iPad tại Việt Nam, trong khi Microsoft cũng chuyển việc gia công thế hệ máy chơi game Xbox sang khu công nghiệp tại TP HCM.

Thiết bị Fire TV của Amazon cũng được chuyển sang gia công ở Chennai, Ấn Độ. Đáng nói, vài năm trước, tất cả sản phẩm này đều được sản xuất tại Trung Quốc. 

Theo Lior Susan, người sáng lập Eclipse Venture Capital, công ty đầu tư vào phần cứng và các công ty khởi nghiệp sản xuất, đế chế sản xuất tại Trung Quốc đang bị lung lay. Nhiều nguồn vốn đang dần đổ vào những thị trường bên cạnh Trung Quốc để tìm ra những biện pháp thay thế. 

Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang lan rộng khắp châu Á, khiến giá đất công nghiệp ở Việt Nam đắt đỏ, ngành sản xuất hồi sinh ở Malaysia và nhu cầu lao động giá rẻ ở Ấn Độ tăng vọt. Ngược lại, việc này đang khiến các hoạt động sản xuất sụt giảm khi thị trường tỷ dân Trung Quốc đang lao đao với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong nhiều thập kỷ. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất điện tử tiêu dùng lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên đã khiến cho nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa. 

Điều này đã trực tiếp tác động đến kế hoạch bán hàng của rất nhiều công ty và Apple cũng không ngoại lệ. Sự cố này đã khiến Apple bắt đầu nghiêm túc xem xét các địa điểm sản xuất thay thế để phòng tránh việc việc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa trong tương lai. 

Các chuyên gia nhận định, trong cuộc chuyển dịch của các ông lớn công nghệ, Việt Nam hiện là thị trường thay thế tiềm năng. Kể từ năm 2020, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. Trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu, có tới 20 nhà máy đặt tại Việt Nam, so với 155 các công ty vận hành nhà máy ở Trung Quốc. 

Khu đất Foxconn thuê tại KCN Quang Châu (Bắc Giang). (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Vào tháng 8, Foxconn - đối tác hàng đầu của Apple, đã ký kết biên bản ghi nhớ thuê lại 50,5 ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD, đồng thời sử dụng 30.000 lao động địa phương. Hồi tháng 4 năm ngoái, tập đoàn cũng tuyên bố đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất. 

Nhà máy Foxconn ở Bắc Ninh đăng tin tuyển dụng 5.000 công nhân với mức lương khoảng 300 USD hàng tháng. Con số này chưa bằng một nửa số tiền lương hàng tháng, khoảng 650 USD mà Foxconn đang trả cho nhân viên mới tại các dây chuyền lắp ráp ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Chính sự chênh lệch về mức lương đã mở ra thêm một lý do mới khiến nhiều công ty đang tìm kiếm phương án sản xuất mới. Trong một thập kỷ qua, theo Cục thống kê của Trung Quốc, công nhân sản xuất tại nước này đã có mức thu nhập hàng năm tăng lên gấp gần 3 lần, đạt hơn 9.300 USD. 

Đối với những lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, vị trí địa lý lại trở thành vấn đề quan trọng. Sự quan tâm từ Foxconn và các công ty khác đã khiến giá bất động sản công nghiệp ở Việt Nam tăng kể từ năm 2019 lên 105 USD/m2, trong khi chi phí nhà kho cũng tăng 20%.

PV