Ấn Độ, Đông Nam Á là thị trường khởi nghiệp "đáng đặt cược"
Tin kinh tế - Ngày đăng : 13:10, 09/10/2022
Theo Eduardo Saverin, nhà đồng sáng lập Facebook, thị trường khởi nghiệp của Ấn Độ cùng Đông Nam Á “rất đáng để đặt cược”, mặc dù vẫn còn kém vài năm so với Trung Quốc. Tuy nhiên, với những nền tảng đắt giá hai thị trường này sẽ sớm vượt qua Bắc Kinh.
Trong cuộc thảo luận tại Hội nghị CEO toàn cầu của diễn ra ở Singapore, Saverin đánh giá Ấn Độ là một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng. Công ty đầu tư B Capital của ông đang chi những khoản đầu tư rất nhiều USD vào Ấn Độ và đang suy nghĩ về sự thành công lâu dài của các công ty mới ở đó.
Hiện, thị trường đang tiếp tục trưởng thành và đi vào môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn. Saverin cho biết, phần lớn sự tăng trưởng ở Ấn Độ sẽ đến từ các công ty công nghệ phục vụ doanh nghiệp. Điển hình như B Capital đã đầu tư tiền vào một công ty hồ sơ sức khỏe điện tử và các công ty quản lý hợp đồng.
Nền tảng cho sự thành công trong kinh doanh của Ấn Độ, Đông Nam Á là dân số đông và sẽ sớm soán ngôi quốc gia đông dân số nhất thế giới của Trung Quốc. Tại Ấn Độ, mỗi năm có đến 25 triệu trẻ em được sinh ra.
Ông Gautam Adani, tỷ phú Ấn Độ và là người lọt top 3 người giàu nhất trên thế giới cũng cho rằng, Ấn Độ hiện đang trên đỉnh cao, sẽ tạo ra hàng nghìn doanh nhân trong tương lai. Trong số 760 quận ở Ấn Độ, hơn 670 quận có ít nhất một công ty khởi nghiệp đã đăng ký.
Tương tự, dân số các nước Đông Nam Á khoảng hơn 655 triệu người, chiếm khoảng 8.5% dân số thế giới. Riêng Indonesia, Philippines và Việt Nam với dân số lần lượt khoảng 273, 108 và 97 triệu người. Với tốc độ gia tăng dân số vượt châu Mỹ và châu Âu, số dân của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên nhanh chóng trong tương lai.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn và nổi lên nhanh chóng phản ánh chất lượng tiêu dùng và định hình thị trường. Các chuyển đổi kỹ thuật số trong hầu hết các lĩnh vực đang diễn ra ở quốc gia này.
Tỷ phú Gautam Adani nhận định, một chiếc điện thoại thông minh và gói cước dữ liệu giá rẻ, cùng với khát vọng sẽ tạo nên sự kết hợp mạnh mẽ nhất để biến đổi một quốc gia. Hành trình của Ấn Độ được kích hoạt kỹ thuật số chỉ mới bắt đầu.
Trong khi đó, thập kỷ trước, Internet chưa thực sự phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Nhưng hiện tại có khoảng 90% người dùng trong khu vực đã kết nối Internet chủ yếu thông qua thiết bị di động. Do đó, đây là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển ứng dụng và phần mềm nguồn mở mới nhất.
Một trong những lý do khác khiến Đông Nam Á hấp dẫn của các nhà đầu tư là làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Ấn Độ cũng đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Dự báo đến năm 2030, quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây tạo ra nền tảng vững chắc cho sự đổi mới và thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Nhiều doanh nhân sở hữu những ý tưởng tuyệt vời đã thành lập các công ty, và không mất nhiều thời gian để biến startup của mình trở thành một "kỳ lân" (startup được định giá trên 1 tỷ USD).
Số lượng các công ty khởi nghiệp tiềm năng lớn ngày càng tăng, nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu quan tâm đến khu vực này và sẵn sàng tài trợ cho các công ty ngay cả trong giai đoạn đầu. Còn các startup mới đang tận dụng lợi thế đó và cố gắng hết sức để thể hiện những gì họ có thể đạt được nếu có đủ nguồn vốn.
Chuyên gia Jenny Lee thuộc Công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital, người đã hỗ trợ một số công ty nổi tiếng nhất ở Trung Quốc: Didi Chuxing, XPeng và Kingsoft WPS, cho rằng, thị trường đã đến lúc phải nhìn xa hơn khi cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và biến động do đại dịch gây ra trong các hệ thống toàn cầu. Ấn Độ, Đông Nam Á đang thực sự trở thành thị trường hợp lý, hỗ trợ các doanh nhân muốn tạo ra sự thay đổi.
Ông nói thêm rằng, khi vốn bị hạn chế bởi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại như hiện nay, các doanh nhân cần nắm bắt cơ hội “xây dựng các sản phẩm quan trọng mang sứ mệnh”. Thuật ngữ "sứ mệnh quan trọng" đề cập đến các dịch vụ và hàng hóa cần thiết cho hoạt động của một doanh nghiệp. Những môi trường như thế này tạo ra những doanh nghiệp có khả năng phục hồi và đây thực sự là thời điểm để đầu tư chứ không phải để rút lui.