Cảnh báo "tín dụng đen" giả mạo các công ty tài chính
Tài chính - Ngày đăng : 20:39, 09/06/2022
Trả lời chất vấn đại biểu trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV về tình hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Việt Nam đã xuất hiện các hành vi lửa đảo, bao gồm: làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; tấn công lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…
Hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" diễn ra bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Đặc biệt, thủ đoạn cho vay tiền hầu hết thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook), dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên... Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm nói chung và cho vay tài chính “tín dụng đen” nói riêng. Bộ đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong công tác truyền thông phòng, chống tội phạm về tài chính và hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, Bộ TT&TT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm. Các tổ chức, doanh nghiệp điều hành mạng xã hội xuyên biên giới được yêu cầu gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Bộ cũng đưa ra giải pháp nghiên cứu áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung “tín dụng đen”, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.
Bộ TT&TT tập trung hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm về công tác thanh tra với các Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai đồng bộ và tập trung nguồn lực, chủ động phát hiện, xử lý sớm các vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói chung và “tín dụng đen” trên môi trường mạng nói riêng.
Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng và trên phạm vi toàn quốc.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ TT&TT đã có văn bản và áp dụng các hệ thống kỹ thuật riêng để chỉ đạo, điều phối các nhà mạng viễn thông để ngăn chặn, xử lý hơn 15 website giả mạo các công ty tài chính chính thống như Homecredit, LOTTE Finance... để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.
Qua quá trình công tác phối hợp, Bộ TT&TT đã tiến hành xác minh và cung cấp các thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và các cơ quan liên quan hơn 40 sự vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên...vay tiền với lãi suất cao trái phép.
Bên cạnh đó, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng đã và đang đẩy mạng các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen trên mạng được triển khai tinh vi, gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực, vi phạm pháp luật hình sự nên sẽ bị xử lý nghiêm minh để có tính răn đe. Người dân cũng cần hết sức cảnh giác khi vay tiền thông qua các ứng dụng, website để tránh những hệ lụy không mong muốn.