Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:31, 17/09/2022

Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan hướng đến mục tiêu sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao).

Ngày 16/9, tại TPHCM, Tổng cục Hải quan (TCHQ)phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, việc khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ hàng năm. Chủ trương này đã được quy định cụ thể tại chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, phù hợp với chiến lược phát triển Chính phủ số nói chung, phát triển hải quan số nói riêng cũng như xu thế của thế giới (kiến nghị tại khung tiêu chuẩn SAFE của WCO).

Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Ông Hoàng Việt Cường cho biết, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được đánh giá trên hệ thống QLRR thì có trên 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Tuy nhiên, có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai xuất nhập khẩu.

Trước thực trạng trên, với mong muốn đồng hành, giúp đỡ doanh nghiệp tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ, TCHQ đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Lợi ích mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia là giảm thời gian thông quan, chi phí, được bố trí luồng riêng để hỗ trợ (tùy theo điều kiện của từng đơn vị); được trợ giúp bởi các cán bộ hải quan có kinh nghiệm, tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng và đỏ(hiện nay tỷ lệ luồng xanh là 66,11%, luồng vàng là 29,82%, luồng đỏ là 4,06%);cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho doanh nghiệp; giảm thiểu tối đa việc vi phạm pháp luật hải quan.

Trong giai đoạn đầu, chương trình thí điểm cho khoảng hơn 266 doanh nghiệp với đầy đủ các loại hình: nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ đó, cơ quan hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình.

Các đơn vị tham gia ký kết Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình.

Mục tiêu chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao). Cơ quan hải quan sẽ sử dụng những kết quả đó  các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ là những tuyên truyền viên để giúp các doanh nghiệp còn lại ý thức tốt hơn trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật”, Phó Tổng Cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, ngành hải quan ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia chương trình, coi đây là những nhân tố quan trọng, tiên phong trong việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan như một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa cơ quan hải quan và đại diện cácdoanh nghiệp tham gia chương trình.

Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhằm chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp ở cấp trung ương và cấp tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Kim Sáng