Bangladesh sẽ nhập khẩu hơn 200.000 tấn gạo từ Việt Nam
Tin kinh tế - Ngày đăng : 19:16, 01/09/2022
Trong khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư dồn sự chú ý đến chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn và thị trường tài chính bất ổn định, hàng tỷ người dân châu Á đang đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn đe dọa cuộc sống là giá lương thực tăng vọt. Điều này sẽ gây trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo gánh nặng lên các nhóm dân cư dễ chịu ảnh hưởng, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á.
Cho đến nay, sự tăng giá đã được kiểm soát ở hầu hết các nền kinh tế. Tuy nhiên, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy giá của tất cả các loại mặt hàng chủ lực có thể gây lạm phát, tạo ra tình trạng thiếu hụt và khiến hàng triệu người có nguy cơ thiếu lương thực.
Tại Bangladesh, đà tăng giá lương thực đang đặt ra vấn đề cho Chính phủ. Đất nước có 156 triệu dân này đang có kế hoạch mở rộng bán gạo giảm giá để giúp người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí cao.
Mới đây, các quan chức chính phủ Bangladesh cho biết, họ đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo để bổ sung nguồn dự trữ và nhằm hạ nhiệt giá trong nước. Cụ thể, Bangladesh sẽ mua 100.000 tấn gạo đồ (lúa ngâm hoặc sấy với nước nóng, phơi khô rồi mới chế biến thành gạo) từ một công ty nhà nước Ấn Độ và 200.000 tấn gạo đồ, 30.000 tấn gạo trắng từ Việt Nam.
Chính phủ nước này cũng cho biết, họ mua giá gạo đồ từ Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 521 USD/tấn, còn gạo trắng ở mức 494 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo từ Ấn Độ là 443.5 USD/tấn nếu vận chuyển bằng đường biển và 428.5 USD/tấn nếu vận chuyển qua đường sắt. Các mức giá này đã bao gồm cước vận chuyển, bảo hiểm và chi phí dỡ hàng.
Theo một vị quan chức Bangladesh, các công tác chuẩn bị đang được tiến hành để sớm ký kết. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm gạo sẽ được giao trong vòng 2-3 tháng sau khi ký kết hợp đồng. Bangladesh cũng được cho là đang đàm phán với Myanmar để nhập khẩu gạo.
Nước này đang nỗ lực hạ nhiệt giá lương thực nội địa trong bối cảnh ngày càng nhiều người trong số 165 triệu dân không thể mua được gạo ăn. Ngoài chương trình bán gạo giảm giá, giới chức Bangladesh cũng tìm thêm nguồn cung lương thực và giảm các chi phí có thể cắt giảm.
Mới đây, Bangladesh đã giảm thuế nhập khẩu với gạo từ 25% xuống 15%, đánh dấu lần giảm thuế thứ hai kể từ tháng 7/2022. Đây là động thái để thúc đẩy khu vực tư nhân tăng cường nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, kế hoạch nhập khẩu gạo tư nhân của Bangladesh gặp trở ngại khi chỉ 36.000 tấn được mua kể từ tháng 7 đến nay, dù mức Chính phủ cho phép các thương nhân tư nhân mua lên tới gần 1 triệu tấn. Từ tháng 9, Bangladesh sẽ bắt đầu mở rộng việc bán gạo với giá rẻ hơn cho hơn 5 triệu hộ gia đình nghèo trong nỗ lực kìm giá gạo nội địa.
Bangladesh là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới với khoảng 35 triệu tấn hàng năm, sử dụng gần như toàn bộ sản lượng để nuôi sống người dân. Nhưng quốc gia Nam Á này vẫn thường yêu cầu nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt do lũ lụt hoặc hạn hán.
Trước đó, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định giá lương thực toàn cầu đã ổn định trong những tháng gần đây, song vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm 2021. Năng lượng và thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu có ít sản phẩm thay thế nên giá cả tăng cao sẽ gây khó khăn rất lớn đối với người dân.
Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát giá lương thực toàn cầu là cuộc xung đột tại Ukraine. Các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia đã làm tăng giá lương thực toàn cầu bất chấp một số hạn chế này gần đây đã hết hiệu lực. Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ nhất tác động của tình trạng lạm phát này.
Ngược lại năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, giá lương thực trên toàn thế giới tăng vọt do giá dầu cao và hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước, làm căng thẳng nguồn cung toàn cầu. Kết quả, giá lương thực toàn cầu tăng đột biến, dẫn đến giá gạo tăng 300% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008.