Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Tin kinh tế - Ngày đăng : 22:36, 15/09/2022
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, với 403 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Nhấn mạnh cam kết từ Chính phủ,Thứ trưởngNguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các Khu chế xuất (KCX), KCN đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn. Với mục tiêu đến năm 2030, TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
“TPHCM cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, UNIDO triển khai dự án 'Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu' tại TPHCM, trong đó KCN Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái tại TPHCM và trên cả nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết.
Tổng lãnh sự Thụy Sỹ tại TPHCM Werner Bardill cũng hy vọng ngày càng có nhiều KCN tại Việt Nam tham gia thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạchđể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" có tổng kinh phí 1.821.800 USD, được triển khai trong 3 năm tại 5 địa phương (TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai. Đà Nẵng, Hải Phòng).
Trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, ngày 15/9, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo "Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện" nhằm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022/ND-CP. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọcchủ trì, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam bà Lê Thị Thanh Thảo; Tổng lãnh sự Thụy Sỹ tại TPHCM Werner Bardill cùng hơn 200 đại biểu từ các Bộ: KH&ĐT, Công Thương. Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; 46 Ban Quản lý KCN, KKT, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN, KKT, các tổ chức quốc tế... |