Việt Nam, Thái Lan đàm phán tăng giá gạo xuất khẩu vào tháng 10

Tin kinh tế - Ngày đăng : 16:57, 19/09/2022

Hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới là Việt Nam và Thái Lan sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá xuất khẩu gạo. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường nông sản toàn cầu đang xáo trộn sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, bất ngờ hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Các quan chức chính phủ Thái Lan cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ thăm Việt Nam vào ngày 6/10 và 7/10 để hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước, trong đó bao gồm cả giá xuất khẩu gạo. Theo đó, Việt Nam và Thái Lan có thể tăng giá gạo lên khoảng 20%.

Vào đầu tháng 9, hai nước đã nhất trí hợp tác tăng giá xuất khẩu gạo và cho biết nông dân trồng lúa đã không thể trang trải chi phí sản xuất cao hơn do chi phí phân bón, hóa chất nông nghiệp và nhiên liệu tăng cao. Đồng thời, mỗi quốc gia sẽ thành lập các nhóm công tác riêng để kiểm tra các biện pháp cụ thể. 

Ảnh minh hoạ 

Giới chuyên gia cho rằng, việc tăng giá này sẽ khiến giá lương thực tăng cao hơn và làm gia tăng lạm phát toàn cầu trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Trong 2 năm gần đây, giá gạo phần lớn ổn định hơn và đi ngược xu hướng tăng giá của ngũ cốc do mùa màng bội thu và lượng tồn kho dồi dào tại các nhà xuất khẩu. 

Tuy nhiên mới đây, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo khi nước này cố gắng tăng nguồn cung trong nước và làm dịu giá sau khi lượng mưa gió mùa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt. Việc áp thuế có hiệu lực kể từ ngày 9/9. 

Hiện gạo tại Ấn Độ được chia ra làm 3 nhóm: tấm, Basmati và các loại khác. Ấn Độ hiện đang cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là loại gạo chất lượng thấp, thường được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các loại gạo khác có gạo trắng và gạo lứt sẽ bị áp mức thuế suất 20%. Chỉ riêng gạo Basmati là không thay đổi. 

Giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam cũng bắt đầu tăng sau khi Ấn Độ áp thuế. Dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho thấy giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ở mức 446 USD/tấn trong tháng 8, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá gạo tại Việt Nam chững lại ở mức 385 USD/tấn. 

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo toàn cầu đạt 51,63 triệu tấn vào năm 2021. Ấn Độ chiếm 41% trong tổng số đó, tiếp theo là Việt Nam và Thái Lan với chiếm tỷ lệ khoảng 12% mỗi thị trường. Trong khi Trung Quốc và Philippines là những nước nhập khẩu gạo chính của thế giới, thì Nhật Bản cũng sử dụng gạo nhập khẩu cho các sản phẩm thực phẩm chế biến. 

Các lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ tác động mạnh tới thị trường gạo thế giới. Nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của Ấn Độ như tại Vùng Vịnh cho biết họ sẽ tìm các nguồn cung từ Pakistan và Việt Nam để thay thế nếu gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ khan hiếm. Dù vậy, vừa qua Pakistan cũng chịu lũ lụt, mất mùa, nên Việt Nam đang nổi lên như một trong các nguồn gạo thay thế tiềm năng. 

Nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết. Trong những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn. 

Ảnh minh hoạ 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. 

Hiện, Philippines đang đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 10,9% trong tổng lượng và chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, đạt 520.445 tấn, tương đương 269,21 triệu USD. 

Xếp sau đó là Thị trường Bờ Biển Ngà và các thị trường FTA RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand). Mới đây, Bangladesh đang hoàn tất thỏa thuận mua 230.000 tấn gạo từ Việt Nam và 100.000 tấn từ Ấn Độ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực. 

Với mục tiêu năm 2022 xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bối cảnh hiện tại xuất khẩu gạo Việt thậm chí có thể vượt kế hoạch đề ra. Trước diễn biến mới, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đang ngưng chào bán do dự báo giá sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

PV