Lắng nghe “Bia đá kể chuyện” về các bậc hiền tài

Đời sống - Ngày đăng : 18:04, 09/10/2022

Tại di tích Quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang diễn ra triển lãm “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).

Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để vinh danh các bậc hiền tài. Mỗi khoa thi dựng một tấm bia, trên bia có khắc tên tuổi, quê quán của các vị Tiến sĩ đỗ khoa thi năm đó. 

Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Hiện nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 tấm bia đá kể về cuộc đời và sự nghiệp của 1.304 vị Tiến sĩ đỗ đạt khoa thi từ năm 1442-1779. Ngoài ra, bia đá còn chưa đựng nhiều thông tin lịch sử quý giá như triều đại tổ chức thi, cách thức tổ chức thi hay các vị quan tham gia chấm thi. Tuy nhiên, vì chữ trên các bia đá được khắc bằng chữ Nôm, khiến khách tham quan không hiểu hết giá trị của các di tích. 

Triển lãm “Bia đá kể chuyện” đã làm giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những truyền thống tốt truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc.  Các nội dung chính bao gồm: “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 – 1529, “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt, “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác, “Lưu danh muôn thuở” giới thiệu một số câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài.

Các câu chuyện lịch sử được kể lại bằng đồ họa hình ảnh sinh động

Những thông tin về khoa cử, cách tuyển dụng người tài, những tiến sĩ tiêu biểu, các dòng họ nhiều người đỗ đạt cao trên các bia đá được kể lại bằng các sơ đồ, hình ảnh ngắn gọn nhưng vẫn hết sức sinh động. Chẳng hạn như thông về những địa phương có nhiều Tiến sĩ nhất: Hà Nội có nhiều Tiến sĩ nhất với 145 tiến sĩ, thứ hai là Hải Dương (106), Bắc Ninh (87), Hưng Yên (43), … Triển lãm còn giải thích ý nghĩa hoa văn trên các bia đá. Hình tượng mây khánh trên các bia năm 1463, 1466 và 1475 là họa tiết phổ biến trong nghệ thuật trang trí thời nhà Trần, biểu tượng cho điềm lành, chúc tụng cho việc đăng khoa của các sĩ tử.

Thông tin về hoa văn trên bia Tiến sĩ

“Mình cảm thấy triển lãm “Bia đá kể chuyện” rất bổ ích vì có nhiều điều mình chưa biết đến trước đây, như cách thức tổ chức thi cử ngày xưa. Những thông tin lịch sử được kể lại rất thú vị, không bị khô khan và dễ hiểu. Mình cũng thấy tự hào khi biết quê hương Hải Dương lại có nhiều nhân tài đến vậy”, T.H – một khách tham quan triển lãm, chia sẻ.

Thông tin tại triển lãm còn được dịch ra tiếng Anh để du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử Việt Nam. 

“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia Tiến sĩ sẽ mang đến trong thời gian tới. Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này.

Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” kéo dài đến hết ngày 8/11/2022.

Thu Phương