Quà 20/10 kẻ trông chờ, người ám ảnh

Đời sống - Ngày đăng : 11:46, 19/10/2022

Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của họ trong xã hội. Đó có thể là người phụ nữ quyền lực trong chính trường hay các nữ doanh nhân lừng lẫy trên mặt trận kinh tế. Nhưng vì sao nhiều chị em vẫn còn bị phụ thuộc cảm xúc vào một món quà của người khác giới?

Ở nước ta hằng năm ngoài ngày quốc tế phụ nữ 8/3, chị em còn được dành thêm một ngày cho giới mình. Đó là Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10.

Tuy nhiên, không phải mấy cái khẩu hiệu về ý nghĩa của sự bình đẳng giới hay mấy trang tư liệu về lịch sử ngày thành lập Hội là mối quan tâm hàng đầu của các chị emtrong ngày này, mà chính là cảm xúc và hành vi ứng xử của cánh mày râu xung quanh họ mới là mục tiêu mà chị em phụ nữ nhắm vào.

Quà 20/10 kẻ trông chờ, người ám ảnh. Ảnh: IT

Thế là, năm nào cứ đến ngày phụ nữ cũng lại nghe ồn ào chuyện quà cáp, bông hoa… Chị em nào được chồng hay người yêu dắt đi ăn, đi chơi, tặng quà thì hăm hở chụp hình làm phẩm vật “cúng phây”, kèm theo một status thấm đẫm ngôn tình dài dằng dặc, khiến mấy chị em không có quà hoặc nhận phải món quà “trời ơi đất hởi” cảm thấy bị tổn thương như thể cả thế giới  quay lưng lại với mình, rồi đâm ra trách móc giận hờn, gây gổ, thậm chí “anh đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi…”.

Có một thực tế là trong khi đại đa số phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa và quà của nam giới vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng thì ở Việt Nam, vào ngày phụ nữ, nơi nào có phụ nữ là nam giới nơi đó vắt giò lên cổ mà chạy nếu không muốn bị mang tiếng là “không đáng mặt đàn ông”.

Sở dĩ như thế là vì cho đến nay, phụ nữ ta vẫn chưa cởi bỏ được quan niệm truyền thống xem nam giới là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ bởi họ có nhiều đặc quyền hơn. Chị em cho rằng thúc đẩy bình đẳng giới là nhu cầu của phụ nữ, vì phụ nữ, còn nam giới là đối tượng có trách nhiệm phải thực thi. Ý nghĩ này làm cho chị em cậy vào nữ quyền gây ra nhiều đòi hỏi bất cập.

Ví dụ: Chị em luôn đòi hỏi bình đẳng giới nhưng khi nhắc về chuyện làm trụ cột trong gia đình, đại đa số chị em vẫn quy đó là trách nhiệm của người đàn ông. Thực tế, rất nhiều chị, khi đóng vai trò trụ cột gia đình thường xem như đây là một trường hợp đặc biệt, là việc bất thường, là một thành tích, là niềm kiêu hãnh về tài năng của mình. Từ đó tỏ thái độ xem thường người bạn đời, tạo áp lực đè nặng lên đôi vai nam giới. Vô hình chung đẩy nam giới về phía đối diện trong công cuộc thực hiện bình đẳng giới, tạo thành một tình huống bất bình đẳng giới “mới”.

Kết cục không phải là phụ nữ mà nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới. Một cuộc trắc nghiệm bỏ túi trên một diễn đàn cho thấy loại trừ 20% đang trong quá trình “tán gái” còn lại  80%  các anh - nhất là các ông chồng - đều rất “hãi” mỗi khi đến những ngày đại loại như 8/3, 20/10, Valentine…

Trong đó chọn quà là nỗi ám ảnh, là một áp lực kinh khủng với các anh. Không biết chọn quà gì, nhiều anh cảm thấy bế tắc phải cầu cứu chị em, bạn bè, đồng nghiệp, nhờ đến những người bán hàng ở các shop quà tặng, thậm chí nhờ cả chuyên gia tư vấn giúp.

Rất nhiều người được hỏi, trả lời rằng, họ tặng quà cốt chỉ để “đối tác” khỏi buồn. Nhiều ông nói rằng tặng cho xong, như một nghĩa vụ, cho không bị đòi, tặng để cho lòng thanh thản...

Về phía phụ nữ, đòi được phái nam chiếu cố trong ngày của giới mình không phải là thực hiện bình đẳng giới mà chính là phụ nữ đang "nổi loạn", đang "đòi quyền lợi”, đang chứng minh mình bị “đối phương” dẫn dắt cảm xúc.

Chọn quà là nỗi ám ảnh, là một áp lực kinh khủng với các đấng mày râu. Ảnh: IT

Không thể phủ nhận, được nhận quà - nhất là món quà ý nghĩa từ tay người đàn ông của mình - là một niềm hạnh phúc vô biên của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, món quà  chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó xuất phát từ sự tự nguyện chân thành vào đúng thời điểm, đánh dấu một cột mốc, một bước ngoặt, một sự kiện trong cuộc sống lứa đôi hay một mối quan hệ xã hội nào đó. Một món quà đu trend, khiên cưỡng, lấy lệ chỉ tốn kém vô nghĩa. Càng phi lý hơn khi chị em lấy việc tặng quà làm thước đo số lượng và chất lượng tình yêu khiến cho nó “tử vong” một cách oan uổng. 

Trong ngày lễ kỷ niệm của giới mình, chị em vẫn còn nháo nhác chờ quà, vẫn còn có thể khóc cười, buồn vui, hạnh phúc, đớn đau chỉ vì một cái bông hoa, một món quà chiếu lệ hay một bữa ăn chiêu đãi… từ người khác phái là chị em đã biến mình thành người đi ngược lại hình mẫu lý tưởng mà phụ nữ ngày nay đang hướng tới. Đó là những người phụ nữ hiện đại độc lập về tài chính, tự tin trong cuộc sống, làm chủ cuộc đời mình và không phụ thuộc vào người khác.

Lương Gia Cát Tường