Giải pháp khắc phục ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm

Nội chính - Ngày đăng : 06:00, 16/08/2019

Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã lý giải, trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến giải pháp khắc phục việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong thời gian qua, với sự cố gắng của các bộ ngành, Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong 2 năm qua, Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, ban hành 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, có những dự án ban hành kịp thời, có sự thống nhất cao, mang lại tác dụng nhanh chóng. 

Đơn cử như Nghị quyết của UBTVQH giải thích một số điều của Luật Quy hoạch được dư luận đánh giá cao, ngay lập tức tháo gỡ vướng mắc trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hiện nay, giúp thực hiện công tác xây dựng quy hoạch trong thời gian tới.

Về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua có khoảng 10 văn bản có tiến độ xây dựng chậm.

Liên quan đến thực hiện công tác thẩm định văn bản pháp luật, Bộ trưởng nhấn mạnh, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có 20 ngày để thẩm định từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Nhưng có những dự án luật chỉ thẩm định trong 5 ngày, cá biệt có dự án luật quan trọng chỉ thẩm định trong 3 ngày. Hiện tượng này đã được đại biểu Quốc hội đưa ra, trong thời gian qua có chuyển biến nhưng chậm. 

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện nghiêm quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng nêu rõ, vấn đề xây dựng thể chế, trách nhiệm của các bộ ngành được nhắc đến trong 19 nghị quyết phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành, các bộ ngành.

“Chúng ta cố gắng rồi nhưng cần tiếp tục phát huy, đặc biệt thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng sẽ nâng cao chất lượng hội đồng thẩm định. Bộ cũng sẽ đôn đốc, bám sát các bộ ngành trong quá trình xây dựng dự án luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã cử một chuyên gia cao cấp tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)”, Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan cần cân nhắc khi đề xuất dự án luật đưa vào chương trình, vì có xu hướng ôm đồm, chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh. Một khi đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện. Khi bắt đầu nên bàn định hướng trước, huy động trí tuệ chuyên gia, cơ quan liên quan để làm một mạch, không phải làm đi làm lại.

Báo Chính Phủ