Việt Nam luôn thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái
Nội chính - Ngày đăng : 11:01, 17/10/2020
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với các đại biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa - ảnh: TTXVN
Việt Nam chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái
Phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe dọa ổn định và phát triển của các quốc gia. Năm 1995, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên thế giới.
Hiện nay, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là một mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Trong suốt 25 năm qua, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã được tuyên truyền rộng rãi tại Việt Nam và trở thành nhân tố quan trọng để tạo ra những chuyển biến tích cực trong sự nghiệp bình đẳng giới.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này.
Chính phủ Việt Nam đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên liên quan đến phụ nữ vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia. Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình cũng đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như: Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016... Hằng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.
Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của LHQ về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Nhiều quy định của Luật Bình đẳng giới đã được Việt Nam triển khai trong thực tế, đem lại kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ...
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thúc đẩy các ưu tiên và các sáng kiến liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu. Gần đây nhất, vào tháng 6/2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn" trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36.
Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.
Tiếp tục thay đổi cả nhận thức và hành động
Với nhiều nỗ lực triển khai các chính sách, sáng kiến, ưu tiên hợp lý, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Qua đó, phụ nữ và trẻ em gái ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Hiện tại, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình của cả khu vực lẫn toàn cầu. Tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia. Tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể.
Trong lĩnh vực giáo dục, hơn 90% phụ nữ biết đọc, biết viết. Trong các cơ quan nghiên cứu, quản lý khoa học và đào tạo, tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ đều tăng. Đặc biệt, trong quân đội gần đây đã có các nữ sỹ quan thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng, chiếm trên 31% trên tổng số chủ doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó tỷ lệ nữ là khoảng 48%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trên, Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn và thách thức trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới. Bất bình đẳng giới còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra có diễn biến phức tạp; việc xử lý và can thiệp các vụ việc bạo lực vẫn còn gặp khó khăn và đôi khi chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng…
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy bình đẳng giới bảo đảm thực chất, hiệu quả, các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái cần tiếp tục thay đổi cả nhận thức và hành động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, giai đoạn tiếp theo cần chú trọng giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới; các giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện và cụ thể trên các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, sức khỏe, chống đói nghèo, tạo việc làm và thu nhập để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của phụ nữ; ưu tiên các giải pháp về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực thi quyền con người của phụ nữ. Bên cạnh đó, muốn hướng tới sự bình đẳng giới về thực chất, bản thân phụ nữ cần nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời tạo dựng, bồi đắp cho mình và con cái lối sống, ứng xử văn minh.
Để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội phát triển tốt hơn, theo bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đầu tư, phân bổ ngân sách ở nước ta hiện nay cần tính toán kỹ lưỡng đến yếu tố giới, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu vì bình đẳng giới.
Gần đây nhất, tại Hội nghị thượng định các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 (ngày 17/8/2020), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới. Cùng với đó là cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội; tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nhất là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới, triển khai các sáng kiến quản lý khủng hoảng. Ngoài ra, cần tiếp tục mở rộng hợp tác đa phương trên kênh lập pháp và hành pháp, góp phần nâng cao nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.
Chiều 11/10/2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gặp mặt Đoàn phụ nữ tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma tuý toàn quốc. |