Án chung thân cho kiều nữ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách

Xét xử - Ngày đăng : 07:21, 17/07/2018

HĐXX cho rằng cựu nhân viên ngân hàng đã lừa đảo trong thời gian dài, gây xáo trộn cuộc sống của khách.

Chiều 16/7, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án đối với 16 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, cựu nhân viên ngân hàng Eximbank Đô Lương, Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Bị cáo Nguyễn Thị Lam.

HĐXX xác định, từ năm 2012-2016, khi làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Lam lợi dụng lòng tin lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn trả tiền lãi suất cao hơn mức của ngân hàng 7-12% một năm, trong khi mức quy định của ngân hàng thấp hơn nhiều, có thời điểm chỉ 4-5%.

Nhiều khách hàng đã tin tưởng Lam, tới nhà riêng của cô ta để ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay họ. Bằng thủ đoạn gian dối này, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách VIP với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, Lam thừa nhận đã lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng VIP, của các giao dịch viên, kiểm sát viên của chi nhánh Eximbank Vinh và phòng giao dịch Đô Lương để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian dài để tiêu xài cá nhân.

HĐXX cho rằng hành vi của bị cáo đã xâm phạm tài sản của người khác, gây hậu quả xấu về uy tín và thương hiệu của Eximbank, làm mất niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng này, làm cho nhiều gia đình là khách hàng VIP bị xáo trộn cuộc sống.

Đối với bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Nghệ An), tòa cho rằng từ tháng 9/2013 đến 9/2016 khi đang là giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, ông Hồng đã chỉ đạo và chấp thuận cho các nhân viên dưới quyền của mình thực hiện cho khách rút tiền gửi tiết kiệm trái quy định của ngân hàng. Việc này gây thiệt hại gần 30 tỷ đồng của ngân hàng.

Bị cáo Đặng Đình Hồng. 

13 bị cáo còn lại được xác định đã phạm tội khi làm trái quy chế, nghiệp vụ, vì vậy việc VKS truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, các bị cáo này đều tỏ rõ hối hận và khai báo thành khẩn.

Với cáo buộc trên, HĐXX tuyên Nguyễn Thị Lam án chung thân về tội lừa đảo chiếm đọa tài sản; Đặng Đình Hồng 5 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

13 bị cáo khác nguyên là nhân viên của phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và phòng tín dụng Eximbank chi nhánh Vinh bị tuyên 12 đến 36 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng cho hưởng án treo; một bị cáo được miễn hình phạt.

Tòa cũng buộc bị cáo Lam bồi thường cho Ngân hàng Eximbank hơn 17 tỷ đồng; kê biên mảnh đất của bị cáo tại xã Nghi Kim (thành phố Vinh) với diện tích hơn 600 m2.

Ngân hàng Eximbank chịu trách nhiệm tất toán cho khách hàng các khoản tiền thuộc về trách nhiệm sai sót từ phía ngân hàng.

Cáo trạng nêu, năm 2012-2016, khi làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Lam lợi dụng lòng tin lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống bảng kê chi tiền. Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng nhiệt huyết, nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của cô ta để ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay họ... Lam đã rút tiền gửi của 6 khách VIP với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Nhà chức trách xác định, sự việc xảy ra do sự quản lý lỏng lẻo của giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Eximbank chi nhánh Vinh. Những lãnh đạo này đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Eximbank về rút tiền gốc và tiền lãi tiết kiệm.

Bị cáo Lam bị tạm giam, 15 bị cáo khác được tại ngoại sau khi khởi tố.

Nguyễn Hải