Vụ cố ý gây thương tích ở Đồng Nai: Các bị cáo liên tục kêu oan

Xét xử - Ngày đăng : 12:53, 28/01/2019

Trong 2 ngày 18 và 21/1, TAND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử sơ thẩm lần 2.

Tòa tuyên phạt các bị cáo gồm Trần Xuân Kiều (SN 1987, ngụ Nghệ An) 7 năm tù, Lê Văn Cẩm (SN 1987, ngụ Đồng Nai) 5 năm tù, Nguyễn Kiên Trung (SN 1987, ngụ Đồng Nai) 3 năm tù, Phạm Minh Quang 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh nêu trên.

Tuy nhiên, đây là một phiên tòa khá đặc biệt khi mà cả 3 bị cáo Kiều, Cẩm, Trung đều liên tục kêu oan và khẳng định bản thân trước đó bị lực lượng chức năng mớm cung. 2 bị cáo Cẩm, Trung tố cáo CQĐT và VKS làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Các bị cáo khai bị… mớm cung

Tại phần xét hỏi, các bị cáo Cẩm, Kiều đều khẳng định trước HĐXX là bản thân đã bị ép cung, mớm cung nên rất sợ hãi khi tiếp xúc với đại diện VKS và CQĐT. Cụ thể, khi được HĐXX hỏi thì bị cáo Kiều nói rằng bản cáo trạng của VKSND Trảng Bom có nhiều tình tiết Kiều không đồng ý. Kiều khai Kiều bị ép cung, bị ĐTV và KSV mớm cung, đánh, dọa, yêu cầu ghi bản lời khai như những gì các “cán bộ” này yêu cầu. “Bất ngờ bị bắt, bị cáo chưa kịp nói gì với cha mẹ già, vợ con nên rất lo lắng. Vì thế khi bị ép khai thì họ đọc sao bị cáo ghi vậy”, Kiều khai trước HĐXX.

Kiều tường trình lại diễn tiến vụ việc là vào thời điểm xảy ra vụ án trên, Kiều đang ngồi nhậu tại nhà Đ.A. cùng Trung và Bé. Lúc này, Bé có mời Trung uống rượu 2 lần nhưng Trung không uống. Vì vậy, Bé tức giận đi ra ngoài. Sau đó, Bé trở lại dùng chân đạp thẳng vào mặt Trung rồi tiếp tục hành hung Trung. Thấy vậy, Kiều liền đứng dậy ôm lấy Bé và xô Bé ra để bảo vệ Trung thì bị Bé đánh nhiều lần vào mặt. Tức giận về cách hành xử của Bé, Kiều lấy dao chém một nhát vào hông của Bé khi mà Bé vừa chạy ra khỏi cửa nhà Đ.A., sau đó Bé bỏ chạy nên Kiều đuổi theo Bé.

Các bị cáo tại phiên tòa

Vừa chạy theo Bé, Kiều vừa lên tiếng đề nghị Bé là anh em quen biết cả, có hiểu nhầm gì có thể quay lại ngồi nói chuyện. “Bị cáo chạy đến gần Bé thì bị Bé cầm gạch đập vào đầu. Sợ hãi và theo phản xạ tự nhiên, bị cáo đưa tay cầm dao đỡ lấy viên gạch vì sợ bị đập vào đầu, nhưng có lẽ do vậy nên mặt trong cánh tay của Bé vô tình đập xuống vào lưỡi dao và gây ra thương tích với Bé. Thấy Bé bị chảy máu bị cáo liền bỏ đi chứ không có ý định chém Bé. Bị cáo chỉ muốn Bé quay lại để nói chuyện. Vết thương trên tay Bé là do vô tình vướng phải dao, tôi khẳng định như vậy và không có chuyện tôi chém vào tay Bé. Còn vấn đề cáo trạng nêu tôi có đưa dao cho Trung cũng không có thật, vì tôi lúc đó đang chạy theo anh Bé phía trước, không có chuyện đưa dao. Tôi cũng không hề nghe thấy câu nói nào của anh Trung và khi đó tôi không biết tình trạng Trung ra sao. Lời khai của tôi khi khai ở tỉnh Đắk Nông là đúng”, Kiều khẳng định trước tòa.

Trong khi đó, tại tòa Cẩm đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhiều người khác gồm bạn làm cùng của Cẩm, mẹ vợ Cẩm, vợ Cẩm vì đây là những người biết được Cẩm bị cán bộ điều tra đánh qua lời Cẩm kể. Tuy nhiên, đề nghị của Cẩm đã bị bác bỏ vì HĐXX cho rằng những người này chỉ nghe Cẩm nói và không chứng kiến việc Cẩm bị đánh. Ngoài ra, Cẩm còn đề nghị một số cán bộ điều tra để đối chất việc Cẩm bị đánh tại CQĐT,… nhưng tất cả đều bị bác bỏ và cho rằng không cần thiết.

Còn bị cáo Trung cũng khẳng định không đồng ý với những gì bản cáo trạng nêu. Trung khai, khi Trung đến nhà Đ.A. thì thấy có một số người đang ngồi nhậu sẵn. Do đã uống ở nhà nên đã xỉn, vì vậy đến nhà Đ.A. thì chỉ uống vài ly và không uống nổi nữa. “Lúc đó bị cáo đã xỉn và không thể uống thêm nhưng Bé lại cố mời bằng được và bị cáo không uống. Bị cáo thấy sau đó Bé đi ra ngoài nhiều lần rồi quay vào đá vào mặt bị cáo. Sau khi bị đạp thì bị cáo bị choáng khoảng hơn 1 phút rồi được ai đó dìu ra bên ngoài nhưng do mất máu quá nhiều bị cáo đã bị xỉu. Sau khi bị cáo xỉu thì không biết ai chở bị cáo về, đến khi “hoàn hồn” bị cáo đã ở trong bệnh viện”, bị cáo Trung khai. Trung cho rằng bản thân đã lơ mơ, bị đá vào mặt rất choáng đi lại không được nên không thể có sức khỏe để đuổi theo hay la hét yêu cầu ai chém Bé.

Người thân bị cáo Trung mang theo hình ảnh Trung bị đánh với thương tích khắp mặt

Cuối cùng, phần xét hỏi diễn ra khá căng thẳng khi mà các bị cáo liên tục kêu oan, kêu bị mớm cung,… trước những câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, luật sư đưa ra. Rất nhiều lần được HĐXX hỏi thì hai bị cáo Cẩm và Kiều đều khẳng định là những lời khai trước đó đều bị ĐTV mớm cung, các bản tự khai đều do các bị cáo tự viết nhưng những gì các bị cáo viết là do cán bộ đọc sao ghi vậy. Còn bị cáo Trung cũng khai bản thân trước sau đều khai như vậy, mặc dù cũng được mớm cung nhưng Trung không chịu khai khác mà vẫn khai sự thật như những gì đã diễn ra.

Còn bị hại Hà Văn Bé khai, sau khi đánh Trung, Bé bước ra trước ít bước thì nghe thấy một tiếng xẹt ngang hông nên Bé bỏ chạy. “Chạy được một đoạn tôi mới biết tôi bị chém ngang hông nên tôi bỏ chạy luôn. Lúc bỏ chạy, tôi ngoái lại thấy sơ sơ có mấy người đang cầm dao đuổi theo tôi và nghe mang máng câu chém chết mẹ cho tao hay chém chết mẹ cho anh gì gì đó, tôi nghe không rõ lắm là câu nói nào nhưng có nghe”, Bé khai.

Bé cũng khai là trên đường bỏ chạy, Bé nhặt được một cục gạch để phòng vệ, nhưng khi thấy chiếc xe máy do một người thanh niên (sau này Bé nhận dạng và cho biết thanh niên này là Cẩm) lao đến người Bé khiến Bé té ngã. Khi bị té thì bất ngờ bị Kiều lao đến chém và Bé đưa tay cầm cục gạch lên đỡ thì bị Kiều chém vào tay rơi gạch xuống đất. Bé khai Bé bị nằm viện 10 ngày và ở nhà tập vật lý trị liệu 4 tháng nên yêu cầu bồi thường số tiền 94 triệu đồng. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi về các giấy tờ liên quan đến việc chữa bệnh, thuốc thang, tập vật lý trị liệu,… thì Bé khai rằng tất cả các giấy tờ trên đều không còn, do đã bị thất lạc hết.

Còn mọi lời khai của Quang đều là những gì được ghi trong bản cáo trạng. “Tôi đi từ bếp ra thấy Trung bị thương nên tôi dìu Trung ra ngoài và khi đi ra ngoài Trung quay cúi xuống đất nhặt dao do Kiều làm rơi để đưa cho tôi, rồi Trung hô câu “chém chết nó đi”. Thật sự lúc này tôi chỉ biết Bé đang đứng xa chỗ Trung, tôi có nghe Trung hét như vậy, còn ai ngoài tôi nghe câu này hay không thì tôi không rõ”, Quang khai.

Phát sinh tình tiết mới lần đầu xuất hiện tại phiên tòa

Cũng trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo Cẩm đã yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ mới, Cẩm phát biểu: “Đề nghị tòa hỏi lại anh Bé, vì ngày 25/5/2017, bị cáo bị một số cán bộ điều tra đến tận nhà để bắt bị cáo. Khi bắt không có lệnh, không có chính quyền chứng kiến… rồi đem lên xe về Công an huyện Trảng Bom. Tại Công an huyện Trảng Bom, bị cáo được đưa đứng thành 1 hàng ngang cùng 4 người nữa trong phòng giam để cho Bé nhận dạng. Trong buổi nhận dạng này, chính bị hại Hà Văn Bé đã ghi rõ ý kiến của Bé là chỉ bị Kiều chém, tôi (tức là bị cáo Cẩm) không liên quan gì”.

Lúc này, HĐXX hỏi lại anh Bé về tình tiết mới này, anh Bé khai: “Tôi không nhớ rõ ngày tháng, nhưng tôi công nhận có được Công an huyện Trảng Bom cho tôi nhận dạng Cẩm trong buồng giam. Khi đó, Cẩm đứng cùng 4 người khác nữa. Việc nhận dạng này có lập thành biên bản, có ghi ý kiến của tôi và của Cẩm. Tôi công nhận là có buổi nhận dạng này, còn nội dung chi tiết tôi không còn nhớ”.

Trước lời khai đầy bất ngờ này của Cẩm, luật sư Phạm Quốc Vượng (người bào chữa cho bị cáo Trung) đã đứng dậy, đề nghị HĐXX công bố tài liệu nhận dạng này. Luật sư Vượng phát biểu: “Tôi đề nghị HĐXX công bố tài liệu này, vì các luật sư chúng tôi khi sao chụp hồ sơ vụ án không thấy có tài liệu này trong hồ sơ vụ án. Như vậy, chứng tỏ Cẩm không khai gian dối, mà là sự thật có buổi nhận dạng của Bé với Cẩm như HĐXX và mọi người vừa nghe anh Bé thừa nhận công khai tại tòa. Nếu sự thật có tài liệu này và sự thật đúng như bị cáo Cẩm khai thì nó có giá trị chứng minh bị cáo Cẩm vô tội”.

Sau phát biểu của luật sư Vượng, HĐXX ghi nhận ý kiến này.

(Còn tiếp…)

Nhâm Nguyễn