Hậu ly hôn, nỗi đau thuộc về con trẻ
Câu chuyện pháp đình - Ngày đăng : 11:18, 05/10/2022
Một buổi sáng mùa hạ, ánh sáng chói chang như tràn ngập cả phòng xử án, nhưng không đủ để làm ấm lại mối tình sau 8 năm kết hôn giữa chị H và anh M. Tại phiên tòa, chị cương quyết ly hôn vì cho rằng tình cảm vợ chồng không còn, không thể tiếp tục chung sống. Với sự cương quyết của chị, anh cũng ngậm ngùi đồng ý ly hôn vì nhận ra chị đã thật sự không còn tình cảm với mình. Việc thuận lòng ấy rất nhẹ nhàng, chính thức chấm dứt mối quan hệ vợ chồng của anh chị, song đằng sau sự thỏa thuận ấy kéo theo cả những nỗi đau mà con trẻ phải gánh chịu.
Đối với các con, chị H giao hết cho anh M nuôi dưỡng, việc người mẹ từ chối nuôi con khiến tôi không khỏi nén được sự nghẹn ngào, mặc dù vị Hội thẩm nhân dân đã nhiều lần động viên, khơi dậy nơi chị tình mẫu tử thiêng liêng, tấm lòng bao la của người mẹ, đạo lý ở đời với những câu ông bà xưa hay nói như “Phụ nữ thà sa đầu chứ không xa con”… nhưng chị vẫn lạnh lùng, cương quyết khước từ việc nuôi con.
Nhớ đến những lần tôi đến nhà anh M tống đạt các thông báo của Tòa án, căn nhà lá nhỏ ọp ẹp, nằm trong con lộ đất đen dài ngoằn, gồ ghề, lần nào đến cũng thấy anh M một tay bế cháu nhỏ, một tay pha sữa. Nhìn cháu nhỏ gầy gò, lem luốc tôi không khỏi chạnh lòng. Khi Tòa hỏi anh M về việc nuôi con, anh trả lời: “Mẹ nó đã từ chối nuôi con, phận tôi làm cha dù biết một mình nuôi hai con còn quá nhỏ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, có thể không nuôi nỗi cho đàng hoàng, tôi cũng nuôi vì nếu tôi cũng từ chối nuôi con, ai sẽ là người nuôi dưỡng chúng”.
Do gia cảnh đang rất khó khăn, không có tài sản đảm bảo nuôi con, anh lại phải trực tiếp chăm sóc hai con còn quá nhỏ nên không thể đi làm kiếm tiền, cha con chỉ sống nhờ mảnh vuông tôm nhỏ của mẹ anh cho lại, do đó anh M yêu cầu chị H cấp dưỡng để cùng phụ giúp nuôi con theo quy định pháp luật. Lại một lần nữa, chị lạnh lùng từ chối nghĩa vụ làm mẹ, từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tòa tuyên án anh M “được quyền” nuôi hai con, chị H phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, số tiền tối thiểu theo quy định của pháp luật. Bản án đã tuyên, nhưng còn đọng lại trong ký ức tôi là ánh mắt đượm buồn của cháu lớn, khi được hỏi về nguyện vọng sống với cha hay mẹ, cháu trả lời trong tiếng khóc, với mong muốn ở cùng cha lẫn mẹ.
Thiết nghĩ, mâu thuẫn giữa vợ chồng đến mức không thể hàn gắn thì ly hôn là giải pháp để giải thoát cho đôi bên. Không ai mong muốn kết cục ly hôn nhưng với con trẻ thì xin đừng làm tổn thương thêm, bởi các cháu vốn đã chịu nhiều tổn thương sau khi cha mẹ ly hôn, khi thiếu thốn tình cảm, sự ấm áp của gia đình, có cha thì không mẹ, chọn mẹ thì không cha, những việc ấy ảnh hưởng rất lớn sự định hình về nhân cách của trẻ. Từ đáy lòng mình, mong rằng các bậc làm cha, làm mẹ khi ly hôn nên dành lợi ích, tình cảm nhiều nhất cho con trẻ để bù đắp phần nào nỗi đau, sự thiệt thòi mà con trẻ phải gánh chịu.