Vũ Đức Nguyên: Chàng thi sĩ tật nguyền viết nên những trang thơ làm đẹp cho đời

Tuyết Nhung| 09/04/2017 16:32

Từ “vốn liếng” ban đầu là 29 chữ cái mà mẹ đã dạy, Nguyên mày mò tự học hỏi thêm và cho ra đời những vần thơ gây xúc động lòng người. Cậu là Vũ Đức Nguyên - chàng thi sĩ tật nguyền chỉ có 1 ngón tay cử động được.

Chỉ với một ngón tay cái có thể cử động được, mọi sinh hoạt thường ngày của Vũ Đức Nguyên (SN 1990, ở Khu phố Vạn Lợi, Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa) đều phải nhờ người thân trong gia đình giúp đỡ. Ốm đau, tật nguyền như thế, lại chưa một ngày được cắp sách tới trường, nhưng Nguyên có một niềm đam mê bất tận với thơ ca. Và, từ “vốn liếng” ban đầu là 29 chữ cái mà mẹ đã dạy, Nguyên mày mò tự học hỏi thêm và cho ra đời những vần thơ gây xúc động lòng người.

Bất hạnh từ tấm bé

Phải rất vất vả tôi mới có thể tìm đến được nhbuà của Vũ Đức Nguyên, người được nhiều người biết đến với cái tên gọi “Chàng thi sỹ tật nguyền”. Căn nhà nằm sát cảng biển Sầm Sơn lộng gió. Khi tôi đến chỉ có Nguyên và cô cháu gái ở nhà. Gặp và tiếp xúc với Nguyên, tôi thấy ở cậu bé tật nguyền này có một nghị lực sống phi thường, và ẩn sau tính cách mạnh mẽ đó lại là một nguyên đầy tình cảm và rất thân thiện. Điều đó càng làm tôi cảm thấy khâm phục và muốn viết về em.

Nguyên sinh ngày 10/2/1990. Lúc mới lọt lòng, em là một cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh, trắng trẻo và nhanh nhẹn. Khi Nguyên đương chập chững tập đi thì đột nhiên em bị sốt cao li bì suốt 3 ngày, 3 đêm và khi tỉnh dậy thì cơ thể không thể nào cử động được. Em bị tật nguyền từ đó. Dù bố mẹ đã rất vất vả chạy chữa khắp nơi nhưng căn bệnh của Nguyên không hề thuyên chuyển. Theo lời Nguyên kể thì trước đây gia đình em sống ở khu rừng Nam cát tiên, Sông Bé mà lúc đó vùng này còn mù mịt, y tế chưa phát triển, trang bị y tế không đủ để phục vụ cho việc chữa bệnh. Vì vậy, việc chữa trị cho em cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thời đó, bà Huề, mẹ Nguyên, là một giáo viên Tiểu Học, còn bố em, ông Vũ Văn Tâm làm nghề cơ khí. Cả gia đình vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới và lập nghiệp. Ngoài công việc chính ra cả 2 ông bà cũng chịu thương, chịu khó tần tảo sớm hôm làm đủ mọi nghề để kiếm tiền nên kinh tế gia đình cũng ổn định và có phần khá giả, nhưng chỉ vì chạy chữa thuốc thang cho con khắp nơi mà kinh tế gia đình dần khánh kiệt. Hơn nữa, mẹ Nguyên lại phải từ bỏ nghề dạy học để chăm sóc cho đứa con trai bệnh tật và theo con đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, khốn khó càng thêm chồng chất. Để có tiền chữa bệnh cho Nguyên, gia đình đã phải trải qua 4 lần bán nhà to, mua nhà nhỏ, dành dụm tiền thuốc thang và chạy chữa.

Nguyên đã vượt lên số phận để cống hiến cho đời bằng những trang thơ

Lúc đó chưa có bảo hiểm, làm lụng vất vả được đồng nào ông Tâm dùng hết vào việc chạy chữa cho cậu con trai duy nhất của mình. Vì gia đình ông bà sống ở vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh nên mỗi lần Nguyên ốm là gia đình lại rất vất vả mới có thể đưa em lên bệnh viện trên thành phố để khám và điều trị. Hễ ai mách ở đâu có thể chữa khỏi bệnh cho con là ông bà lại tất tả tìm đến. Nhưng chạy chữa mãi mà bệnh tình không có gì thay đổi. Ngay cả khi gặp được một vị bác sĩ người Hà Lan, ông ta cho biết bệnh của Nguyên không thể chữa khỏi được và khuyên bố mẹ em đừng cố bán nhà và chạy chữa nữa. Nhưng  vì thương con, nghĩ “còn nước còn tát”, ông Tâm và bà Huề vẫn quyết định đưa em về quê nội  ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa sinh sống. Ông bà nghĩ về đây sẽ có điều kiện thuận lợi để Nguyên chữa bệnh.

Từ khi về  quê, ông Tâm vẫn theo nghề cơ khí, còn bà Huề dành phần lớn thời gian ở nhà chăm con. Mọi tình yêu thương và vật chất của cả gia đình đều dành hết cho cậu con trai bệnh tật, ngay cả 2 người con gái của ông bà cũng có ý thức tự lập từ rất sớm, để đỡ đần bố mẹ. Nhà cửa không có, khi ra Bắc gia đình Nguyên lại  phải ra cảng Hới, Sầm Sơn thuê đất dựng nhà tạm. Mãi sau này, nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, ông Tâm mới mua được một mảnh đất con con. Phải đến năm 2011, khi giá đất trong Nam tăng lên, ông Tâm quyết định bán phần đất trong đó và lấy tiền mang ra Bắc dựng nhà. Số tiền còn lại ông để dành để điều trị, thuốc thang cho Nguyên.

Nguyên tâm sự: “Nhà có mỗi mình bố đi làm nuôi năm miệng ăn, em lại quanh năm đi viện, đủ ăn đã là giỏi rồi. Nếu không nhờ sự giúp đỡ của anh  em họ hàng và bán đất trong Nam thì gia đình em không có tiền xây nhà đâu. Chỉ tính trong mấy tháng gần đây, em đã 3 lần phải đi viện. Mà lần nào nằm điều trị cũng phải gần một tháng. Do em bị liệt, phải nằm nhiều nên em còn mắc thêm căn bệnh suy hô hấp, bội nhiễm phổi. Cũng may là gia đình em chuyển về đây nên mỗi lần nằm viện, chuyện đi lại cũng đỡ vất vả hơn nhiều...”.

Vượt lên số phận

Không may mắn như thế, lại không có lấy một ngày được đến trường, Vũ Đức Nguyên cũng như bố mẹ em cũng không bao giờ nghĩ rằng có một ngày em có thể trở làm thơ. Vốn kiến thức mà Nguyên có được đó là 29 chữ cái đầu đời do mẹ dạy và sau đó em tự mày mò tập ghép câu, ghép vần rồi tự đọc sách, báo. Gần đây chị gái đầu của em đi làm dành dụm mua cho em một chiếc laptop để mỗi khi nằm ở nhà một mình chơi cho đỡ buồn. Nhờ có chiếc laptop này Nguyên đã dùng để lướt web, tìm hiểu thế giới bên ngoài và tự học. Dù vậy, muốn  sử dụng được máy em cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ hoặc các em đặt nằm ở tư thế thuận lợi vì Nguyên chỉ dùng được 1 ngón tay cái bên phải.

Từ nhỏ, Vũ Đức Nguyên đã phải làm bạn với xe lăn

Từ đó, chiếc máy tính chính là người bạn thân giúp Nguyên có thể tìm hiểu thế giới bên ngoài, đọc truyện, đọc thơ, giao lưu bạn bè và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến lịch sử của đất nước hay văn học nghệ thuật.  Nguyên kể: “Em bắt đầu làm thơ cách đây vài năm, lúc đó em tham gia vào hội thơ, được đọc thơ của mọi người em thấy hay nên bắt đầu làm và đam mê thơ. Nhưng em làm thơ một phần cũng để giết thời gian và cũng để mọi người thấy được cuộc đời có ý nghĩa”.     

 Khi tôi gặp Nguyên, cũng là lúc em đang tìm hiểu và viết về  vấn đề lịch sử “Dẹp loạn 12 sứ quân”. Tối hôm đó tôi đã được nghe Nguyên đọc: “Thế kỉ chín nhà Đường suy kiệt/Thành Đại La bị diệt tan thương/Khúc Thừa Dụ đã xưng vương/Oai hùng bá chủ một phương vang trời…/Chín ba tám nghe đầy thảm thiết/Tướng Ngô Quyền đã giết Kiều Công/Dẹp quân Nam Hán bên sông/Bạch Đằng ghi dấu dân lòng ghi ơn/…” . Nguyên bảo: “Em mong muốn qua bài thơ này, sẽ giúp các bạn học sinh thêm yêu lịch sử nước nhà và có cách học sử hiệu quả hơn”.

Để phục vụ cho việc sáng tác, Nguyên đã phải tìm hiểu về cách gieo vần, niêm luật các bài thơ cổ, bằng cách đọc các bài thơ của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... Do đọc nhiều nên vốn kiến thức của em về các thể thơ rất phong phú. Em tâm sự: “Bây giờ có rất nhiều thể thơ phá cách ra đời. Khi làm chỉ cần xuôi câu, không cần đúng luật rất dễ làm nhưng em vẫn thích làm thơ theo thể Song thất lục bát và Lục bát hơn. Bởi em nghĩ đó là những thể thơ dân tộc, mình là người Việt nên ưu tiên sử dụng thể thơ của nước mình”. Nhờ vậy, trong thơ của Nguyên dù là thể Lục bát và Song thất lục bát nhưng đôi khi cũng có sự phá cách uyển chuyển chứ không tuân thủ niêm luật một cách cứng nhắc.

Tháng 9/2013, Nguyên xuất bản tập thơ đầu tay “Bài thơ cho em”. Lúc đó, em vừa tròn 21 tuổi. Nội dung của tập thơ kể về số phận bệnh tật và khát khao yêu thương giản dị của một “chàng thi sĩ” có số phận không may mắn. Em cũng tâm sự, tình cờ em biết đến thơ và làm thơ từ 2 năm trở về đây. Khi đó em đọc được bài thơ Bến Hoàng Giang của Hàn Mặc Tử. Cảm nhận mình trong những vần thơ, làm “người bán trăng” thứ hai. Lúc này, cậu bé mới bắt đầu muốn làm thơ để gửi gắm nỗi niềm của mình. Đó là những tình cảm yêu thương em dành cho mẹ: “Suốt một đời vì tôi vất vả/Chưa bao giờ thong thả rong chơi/Lòng này thương lắm mẹ ơi!/Bài thơ con viết vạn lời biết ơn/Vạn năm vẫn dập dờn sóng bạc/Cũng chẳng bằng gánh vác mẹ tôi/Tóc nay sương trắng pha rồi/Vẫn còn tất bật đứng ngồi chưa yên/…” (Hy sinh của mẹ).

Khi xuất bản “Bài thơ cho em”, Nguyên đã tự liên hệ nhờ người biên tập, hỗ trợ xuất bản. Chi phí xuất bản 1.000 cuốn mất hơn 20 triệu đồng, số tiền đó đối với các nhà thơ khác không phải là lớn nhưng với một cậu bé tật nguyền như em là cả một vấn đề. Dù vậy,cậu bé tật nguyền đã nhận được sự giúp đỡ và sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Và đến khi tập thơ được in ra, bố mẹ đã hết sức bất ngờ. Do là ấn phẩm đầu tay, nên chủ yếu Nguyên dành để tặng người thân, bạn bè và những người yêu mến thơ em. Số còn lại Nguyên bán, thông qua mạng và chủ yếu độc giả đặt mua là người nước ngoài. Số tiền bán sách Nguyên dùng vào việc làm từ thiện cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh như mình ở Thanh Hóa. Dù hoàn cảnh vẫn còn rất khó khăn, nhưng Nguyên muốn được chia sẻ cùng những người có hoàn cảnh giống mình để họ phần nào nhận được sự đồng cảm và đối diện với thực tế của cuộc sống.

Vũ Đức Nguyên và mẹ

Hiện nay, Nguyên đang có dự tính sẽ xuất bản tập thơ thứ hai mang tựa  “Chuyện tình chàng thi sĩ”. Lần này Nguyên chỉ có một mong ước là có thể in tập thơ này ở nhà xuất bản Văn học. Đồng thời, Nguyên cũng rất kỳ vọng và mong mỏi tập thơ sẽ được độc giả đón nhận và yêu quý. Em cũng mong nhận được sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để mong ước của em thành hiện thực.

Thời gian gần đây, Nguyễn cũng thường hay chia sẻ những bài thơ của mình trên Facebook cá nhân. Nguyên hồn nhiên chia sẻ: “Em có rất nhiều bạn bè trên Facebook, chủ yếu là những người yêu quý thơ của em. Đây cũng là nguồn động viên lớn giúp em có thể vượt qua những trở ngại của cuộc sống. Qua mạng Facebook mọi người bình luận về thơ của em, đối ẩm cùng em và cũng chia sẻ, động viên em rất nhiều. Điều đó cũng giúp em tự tin để cho ra đời một tập thơ mới với bao nỗi niềm, tâm sự”.

Ngoài niềm đam mê thơ ca, Vũ Đức Nguyên còn có một niềm đam mê nữa đó là thích tìm hiểu về các dòng điện thoại ứng dụng công nghệ cao. Tiếp xúc với Nguyên, điều người khác dễ cảm nhận thấy ở em là một nghị lực sống mạnh mẽ đến phi thường. Một tâm hồn chứa chan tình yêu đời, yêu cuộc sống. Chính tâm hồn đó đã giúp Nguyên vượt lên số phận, bệnh tật để cống hiến cho đời bằng những trang thơ.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vũ Đức Nguyên: Chàng thi sĩ tật nguyền viết nên những trang thơ làm đẹp cho đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO