Tiếp cận mánh khóe buôn lậu xuyên biên giới qua ông trùm “bảo tiêu” hàng lậu một thời đào hầm trốn công an (kỳ 1)

Nhóm PVĐT| 23/06/2017 07:41

Mỗi ngày, vì miếng cơm manh áo, người dân ùn ùn kéo nhau “đi thuốc”, cõng hàng điện tử từ biên giới vào nội địa, bất chấp sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Nhà nhà, người người buôn lậu

Cuối chiều, khi cơn mưa đầu mùa xới tung mặt đường đất đỏ dẻo quánh, chúng tôi mới tìm được nhà ông trùm “bảo tiêu” hàng lậu khét tiếng một thời. Trong dáng vẻ lão nông dân thẳng tính, trùm “bảo tiêu” một thời Võ Trung Thực (SN 1957, ngụ xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chân thật chia sẻ những tháng ngày cùng người dân địa phương “đua nhau” cõng hàng lậu đi tiêu thụ. Ông cho biết, những năm 1990 - 1991, xã Mỹ Quý Đông trở thành thiên đường hàng lậu khi nhà nhà, người người buôn lậu.

“Nài” thuốc lá dùng xe mù phóng như bay trên đường 

“Thời điểm ấy cuộc sống khó khăn lắm, quanh năm làm ruộng không đủ ăn. “Đi thuốc” (vận chuyển thuốc lá lậu - PV) có ăn gấp nhiều lần nên ai cũng đi. Hồi đó, gần như cả xã Mỹ Quý Đông này ai cũng đi thuốc. Già trẻ, gái trai,… ai cũng có nhiệm vụ riêng trong việc buôn lậu thuốc lá từ biên giới”, ông Thực quả quyết. Theo ông, những năm 1992 - 1993, khu vực cột mốc 171 trở thành điểm nóng tập kết hàng lậu. Các trùm từ bên kia biên giới thường tập kết hàng tại đây và đợi “nài” từ Việt Nam qua “cõng” hàng về nước tiêu thụ.

Theo ông Thực, tại Long An, thuốc lá lậu tập trung nhiều ở xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ) và xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa). Từ cửa ngõ này, thuốc lá lậu sẽ được chuyển về TP.HCM và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Tuy nhiên, để đưa được “hàng” đến vị trí tập kết, các tay buôn cũng phải áp dụng trăm phương ngàn kế để qua mặt cơ quan chức năng. Trong giai đoạn của mình, ông Thực từng được xem là ông trùm khét tiếng với vô số chiêu trò vượt mặt lực lượng chức năng.

Ông cho biết: “Thời của tôi, ban đầu chưa có ai đi thuốc bằng xe cả. Nhà nghèo nên ai cũng đi thuốc bằng cách cõng trên lưng. Do vậy, chúng tôi phải đi vào ban đêm, lúc rạng sáng”.

Để những chuyến cõng thuốc lậu trót lọt, các tay buôn cấu kết với nhau thành mạng lưới dày đặc. Trong mạng lưới này có người già, trẻ em, phụ nữ. Mỗi người giữ một nhiệm vụ nhất định. Theo ông Thực, ban đêm, đàn ông, thanh niên khỏe mạnh tập hợp đi thành từng nhóm để cõng thuốc. Những người còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới, cản địa, báo hiệu khi phát hiện cơ quan chức năng. Thậm chí, nhiều đường dây còn cài, cắm người, lân la xung quanh trụ sở cơ quan công an, đồn biên phòng,… để kịp thời báo tin cho đội cõng hàng “ém quân” mỗi khi các lực lượng này “có động” .

Ông Thực nhớ lại: “Thời đó, chúng tôi tổ chức đường dây cảnh giới y hệt thời chiến tranh. Trước khi đi qua bên kia biên giới lấy hàng, chúng tôi đều cử chị em phụ nữ, người có tuổi ra đi thám thính trước để mở đường. Chúng tôi chỉ đi khi được nhóm này báo tin “đường đi sạch sẽ”, không có cơ quan chức năng. Khi về, đội này cũng có nhiệm vụ cảnh giới báo tin bằng những ám hiệu đặc biệt. Một trong những ám hiệu được cánh đi thuốc lậu chúng tôi thời đó hay  sử dụng là đốt lửa, cầm cành cây dài có cột miếng vải. Đêm đi hàng, nếu thấy chỗ nào có lửa, có khói bốc lên chúng tôi biết là chỗ đó có công an, biên phòng mai phục. Ban ngày, khi thấy cành cây có cột miếng vải là biết đường đó đã bị lộ, phải tìm đường khác”.

Những chuyến xe bạt mạng

Cõng thuốc, quấn thuốc lá trong người để tuồn vào nội địa,… không thỏa mãn được nhu cầu của thị trường, cánh buôn lậu nghĩ đến phương pháp vận chuyển bằng xe độ. Những tay đi thuốc chân đất muốn tồn tại buộc phải trở thành “nài” trên chiếc xe “mù” (không biển số-PV), phóng bạt mạng. Các "nài" tiết lộ xe “mù” không có biển số, không dè, bửng,... Mặc dù vậy, chúng đều được đôn dên, xoáy nòng, có thể chạy với tốc độ hơn 100km/h. Điều “nài” kiêng kị nhất là xe chạy nhanh nóng và không bốc. Bởi, xe chạy nhanh nóng sẽ khiến tốc độ giảm. Xe chạy không bốc, khi rơi vào những tình thế “nguy kịch” khó có thể chống đỡ nổi.

Trên đường sông, “nài” thuốc lá dùng xuồng, ghe, vỏ lãi chở hàng với số lượng lớn

Ông Trần Văn Bàng (45 tuổi, ngụ xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ) từng là nài thuốc có “máu mặt” ở vùng biên giới Đức Huệ dù chỉ hơn 3 năm trong nghề cũng xác nhận thông tin trên. Ông cho biết: “Dân đi thuốc lậu chuyên nghiệp không phân biệt già hay trẻ mà chỉ cần lỳ đòn là sống bằng nghề này được. Đi thuốc bằng xe, “nài” phải liều và thuộc nằm lòng đường đi biết khúc nào vắng, khúc nào đông dân, đi vào giờ nào thì an toàn. Khi đi, chúng tôi cũng tổ chức người cảnh giới đi trước dò đường. Nếu có động, thì dừng. Trong luật làm nài, khi bị công an phát hiện, truy đuổi, “nài” không được chống trả, mà chỉ bỏ hàng để trốn chạy. Tuy nhiên, sau này, vì tiền, nhiều “nài” bất chấp chống trả với lực lượng chức năng”.

Ông Bàng khẳng định, cưỡi trên xe mù, phóng bạt mạng nên các “nài” gặp tai nạn, thương tích đầy mình là chuyện bình thường. Bản thân ông cũng nhiều lần ngã xe, thậm chí bị trúng đạn từ phía công an. Ông nhớ lại: “Hơn chục năm trước, hai anh em tôi từng bỏ việc tại công an xã, công an huyện để đi buôn lậu. Chúng tôi từng được xem là “nài” thuốc lá lậu cộm cán, thuộc diện theo dõi đặc biệt của cảnh sát kinh tế. Xuất thân từ công an, chúng tôi rành các phương án vây bắt của cảnh sát nhưng vẫn bị công an bắn trúng chân. Đến nay vết thương vẫn còn”.

Chuyến xe bạt mạng ấy xảy ra vào một đêm tối trời năm 2006 khi ông tập kết hàng chục “nài” khác chuẩn bị chuyển hàng đi Tây Ninh. Mặc dù đã tổ chức nhiều tổ cảnh giới, đi tiền trạm dò đường, nhóm của ông Bàng vẫn rơi vào vòng phục kích của lực lượng công an. Khi phát hiện bị lộ, cả nhóm tăng ga tháo chạy. Công an quyết tâm triệt phá bằng cách quyết liệt truy kích. “Thấy công an đuổi theo, tôi sợ quá vứt hàng, tháo chạy thì nghe có tiếng súng nổ. Sau đó, tôi thấy chân đau buốt, ngã quỵ. Khi tỉnh lại đã nằm trong bệnh viện. Lần đó, tôi nằm viện 4 tháng trời. May mà viên đạn chỉ sượt qua phần cổ chân. Nếu trúng mắt cá, tôi chắc phải cưa bỏ bàn chân rồi”, ông Bàng kể.

Trong khi đó, “nài” Thực được cho là lão luyện bậc nhất, có “tay lái lụa” vượt mặt công an nhưng vẫn té ngã, gẫy răng, vỡ đầu liên tục. Ông cho biết: “Hồi mới vô nghề, phần vì chạy nhanh không quen, phần vì sợ công an bắt, có khi một ngày tui té 3 - 4 bận (lần - PV), dập mũi, gãy răng là chuyện thường. Sau này, mỗi khi bị công an đuổi, tôi không dám liều đua cùng họ mà tìm cách bỏ hàng chạy thoát thân. Thế mà, vẫn té lên té xuống. Có một lần, tôi chuyển số hàng lớn. Biết bị công an theo dõi, đuổi gấp, tôi bỏ luôn số hàng trị giá cả mấy trăm triệu, nhảy xuống kênh trốn. Lần đó, tôi bơi hơn một cây số trốn vào bụi rậm, đến tờ mờ sáng hôm sau mới dám lên bờ về nhà”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp cận mánh khóe buôn lậu xuyên biên giới qua ông trùm “bảo tiêu” hàng lậu một thời đào hầm trốn công an (kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO