Thế giới ngầm làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn giả: Phát lộ đường dây

Nhóm PVĐT| 27/07/2018 20:41

Để thu lợi, các “lò” “sản xuất” giấy tờ giả ngang nhiên tư vấn khách hàng không cần đến cơ quan công quyền để làm giấy tờ.

Những người này khẳng định, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, sao chụp con dấu, chữ ký, tên, tuổi,… của cán bộ địa phương cho mình là có giấy. Dịch vụ được các “lò” thực hiện trong “bóng tối” với lời cam kết “bao” kín đáo, tiện lợi với giá rẻ.

Biến giả thành thật

Thông qua K., PV được trao đổi với Q. “lủi” về việc “chạy” giấy khai sinh. Qua điện thoại, người này khẳng định chỉ cần có phí “bôi trơn” thì giấy tờ gì cũng làm được. Để “chạy” giấy khai sinh, người này cho biết khách hàng đưa cho mình 200.000 đồng tiền đặt cọc. “Anh cứ nộp vô tài khoản hoặc mua card điện thoại cho tôi cũng được. Nếu cần, tôi làm giúp luôn nhưng như vậy thì giá cao hơn vì tôi cũng phải chung chi. Giá là 2 triệu một giấy. Nếu anh muốn trực tiếp làm thì tôi cho số liên hệ nhưng phải đóng 200 ngàn đồng tiền môi giới”, Q. “lủi” nói.

Theo hướng dẫn, PV nộp vào số điện thoại của Q. “lủi” số tiền 200 ngàn đồng thì nhận được 2 số điện thoại lạ. Người này cho biết, 2 số điện thoại nói trên là của 2 “lò” “chạy” và làm giả giấy tờ uy tín nhất mà anh biết. Thông qua những số điện thoại này, PV trong vai khách hàng cần làm giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, liên hệ với người có tên L.Đ.D.. Khi biết tin, PV muốn làm giấy đăng ký kết hôn, D. cho biết: “Mọi chi tiết xin liên hệ qua Facebook. Nói ở đây không tiện, với lại em đang bận lắm”. Sau đó, người này nhắn địa chỉ trang mạng cá nhân của mình cho PV, yêu cầu PV inbox (nhắn tin-PV) sau giờ hành chính. Đúng theo hướng dẫn của D., PV truy cập vào trang Facebook “Giả như thật” do D., cung cấp để xin được tư vấn.

D. gửi cho PV mẫu giấy khai sinh để mình làm giả 

Tại đây, D. hỏi PV muốn làm loại giấy tờ gì, hiện đang ngụ ở đâu. Khi được biết PV muốn làm giấy đăng ký kết hôn và đang ngụ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) người này ra giá 1,5 triệu đồng. “Cái này làm dễ thôi. Em lấy anh 1,5 triệu đồng. Nếu anh làm luôn giấy khai sinh thì em lấy chẵn 3 triệu. Bên em làm giấy tờ gốc, đảm bảo thật 100%, chứ không làm giả như những chỗ khác. Đảm bảo với anh là mộc, chữ ký,… hoàn toàn là đồ thật”, D. cho biết. Tỏ vẻ hoài nghi, PV yêu cầu được làm việc trực tiếp với D.. Người này gạt phăng, nói: “Anh hiểu cho, làm cái  gì cũng có nguyên tắc của nó. Bên em không gặp gỡ khách hàng để bảo đảm tính bí mật cho đôi bên. Anh thấy yên tâm thì chúng ta cộng tác. Còn nếu anh nghi ngờ thì em xin không tiếp”.

Không còn cách nào khác, PV đành chấp nhận không gặp mặt và gặng hỏi D. quy trình làm 2 loại giấy tờ trên. D. cho biết chỉ cần khách hàng gửi thông tin cá nhân chi tiết của hai người cần làm giấy đăng ký kết hôn. Đối với giấy khai sinh, D. đã có sẵn mẫu. D. nhanh chóng gửi mẫu này qua tin nhắn cho PV, yêu cầu PV in ra hoặc tìm mua về điền thông tin theo mẫu có sẵn. Sau đó, PV chỉ cần chụp hình giấy này gửi ngược lại cho D.. Người này quả quyết: “Bên em làm giấy tờ thật. Anh cứ yên tâm. Anh ở Bình Chánh, hai ngày sau là có hàng. Sẽ có người giao tận nhà cho anh. Lúc đó, anh trả tiền cho người này luôn”.

Với mục đích được gặp trực tiếp D., PV gặng hỏi độ an toàn của các loại giấy tờ mà D. cam kết sẽ làm giả giống thật đến 99%. Hơn thế, PV nhiều lần yêu cầu D. ra mặt “bàn việc trực tiếp” nhưng D. luôn từ chối. Về độ an toàn của các loại giấy tờ giả nói trên, D. khẳng định: “Bên em làm giấy tờ gốc. Đảm bảo an toàn. Nếu anh dùng có vấn đề hay phát hiện hàng giả, em sẽ đền gấp 3 tiền phí làm giấy cho anh. Em đã nói làm nghề này phải dựa trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ anh làm ở đâu cũng thế thôi”.

Ẩn mình trong bóng tối

Nhận thấy khách chưa thật sự tin vào dịch vụ của mình, D. tiếp tục trấn an: “Anh yên tâm đi. Bên em làm ăn đàng hoàng có văn phòng hẳn hoi chứ không phải như mấy chỗ làm giấy tờ giả đâu. Ngay cả bản thân em, em cũng là công chứng viên. Thế nên anh cứ yên tâm, làm ở tỉnh, thành phố khác thì hơi khó chứ làm giấy ở TP.HCM thì huyện, xã, quận nào em cũng làm được hết. Bên em quen biết hết mà”. Nói xong, để củng cố thêm lòng tin của khách hàng, D. gửi cho PV tấm hình chụp lại tấm bảng ghi: “Công chứng viên L.Đ.D.”.

Cùng cách thức trên, PV tiếp tục liên hệ với một đường dây được các tay “cò” giấy tờ khẳng định là có tiếng trong việc “chạy”, làm giả giấy tờ. Thông qua điện thoại, người có tên H.T.P. khẳng định: “Tưởng gì chứ giấy khai sinh với giấy kết hôn tụi này làm cái một. Đến cả bằng đại học, chứng chỉ hành nghề,… tụi này còn làm ngon lành. Tuy nhiên, để chắc chắn ông anh không phải công an, hoặc rảnh chuyện chơi xỏ nhau, tụi này phải nhận tiền cọc mới làm. Không thì miễn tiếp. Anh thông cảm cho vì cái nghề này nó phải vậy. Lớ xớ là “đi trường”, “bóc lịch” như chơi”. PV tiếp tục vào vai đối tượng “dính án” không thể ra mặt và muốn gặp P. làm giúp giấy khai sinh cho con.

Để củng cố lòng tin cho PV, D. tiếp tục gửi hình, khẳng định mình là công chứng viên

Tuy nhiên, cũng như D., P. kiên quyết không ra mặt. Mọi hoạt động, giao dịch giữa 2 bên chỉ thông qua các trang mạng cá nhân hoặc điện thoại. P. cho biết: “Nguyên tắc của nghề này xưa giờ như vậy rồi anh ơi. Tụi em không thể ra mặt được. Em không thể chắc chắn rằng anh không phải là công an chìm nên mong anh hiểu cho. Anh cứ tin đi, tụi em cũng không phải là dân lừa đảo gì. Có công lừa, người ta lừa bạc tỉ chứ lừa chi anh 1-2 triệu đồng để mang tiếng. Nếu anh tin tưởng, anh em mình làm ăn lâu dài. Tụi em làm cho bọn công nhân hoài chứ gì”.

Được PV đồng ý, P. tiếp tục yêu cầu PV cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, vì làm giả nên P. yêu cầu PV phải cung cấp mẫu con dấu của cơ quan chức năng nơi PV đang cư trú. “Vì bên em không chắc có sẵn con dấu chỗ anh ở hay không nên anh cứ cung cấp cho tụi em mấy cái đó nha. Cái này dễ lắm, anh cứ nhờ ai đó đi photo giấy chứng minh hay giấy tờ gì bất kỳ về rồi chụp hình gửi cho em là được. Trong các giấy tờ đó nếu có mộc thì cũng đã có chữ ký của các cán bộ rồi. Sau đó, anh gửi tiền cọc cho em 500.000 đồng. Hai ngày sau em sẽ gửi giấy cho anh. Mỗi giấy em lấy anh 2 triệu”, P. cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các “lò” chuyên làm giả giấy tờ đều sử dụng hình thức ẩn mình trong bóng tối. Mọi giao dịch, giao tiếp với khách hàng đều chỉ được thực hiện qua điện thoại hoặc các trang mạng xã hội. Nhiều tay “cò” giấy tờ cho biết, sở dĩ các đối tượng làm giả thường xuyên sử dụng hình thức hoạt động này là có nhiều nguyên nhân.

Ông N.K.C. (54 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) một tay “cò” giấy tờ có tiếng cho biết: “Tụi này không dám ra mặt vì nhiều lý do. Một là họ sợ bị hình sự cài người, triệt phá. Tiếp đến, việc không ra mặt, nếu chẳng may không làm được giấy cho khách, họ cũng nuốt gọn tiền cọc mà khách không làm gì được. Thêm nữa, đó cũng là một cách lừa đảo, nuốt tiền cọc của bọn lừa đảo  qua mạng. Nếu không cẩn thận, mọi người sẽ bị bọn này lừa”.

Làm giấy tờ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Nông Minh Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM  cho biết: “Theo Điều 267 Bộ luật hình sự, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, tùy theo mức độ có thể bị bị phạt tiền tù từ 6 tháng đến 7 năm. Do đó, đối với các trường hợp đã kể ở trên thì các đối tượng đã vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 267 Bộ luật hình sự”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế giới ngầm làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn giả: Phát lộ đường dây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO