Thế giới ngầm làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn giả: Chiếc bẫy của công chứng viên giả

Nhóm PVĐT| 30/07/2018 14:19

Rầm rộ quảng cáo, rải “vệ tinh” khắp các cơ quan công quyền, các “lò” “sản xuất” giấy tờ giả ngang nhiên giăng bẫy, lợi dụng lòng tin mù quáng của khách hàng.

Ngoài việc chiếm đoạt tiền cọc, các đối tượng này còn dụ dỗ, lừa những “con mồi” nhẹ dạ cả tin liên tiếp đóng các khoản phí “bôi trơn”, môi giới,… để thu lợi khủng. Đáng nói hơn, theo thời gian, những chiêu trò làm giả giấy tờ ngày càng các đối tượng làm giả “nâng cấp” tinh vi, hiện đại hơn. Trong khi đó, công cuộc ngăn chặn, chống vấn nạn sử dụng giấy tờ giả vẫn vấp phải những khó khăn và đầy thử thách.

Sập bẫy công chứng viên giả

Tìm hiểu thực tế, PV báo CL&XH nhận thấy, dịch vụ làm giả giấy tờ tùy thân được các đối tượng lừa đảo mở ra chủ yếu nhằm vào thành phần bất hảo, vi phạm pháp luật. Do đó, để thu hút “khách hàng”, ngoài việc công khai quảng cáo dịch vụ một cách rầm rộ trên mạng internet, các đối tượng này còn rải “vệ tinh” khắp các cơ quan công quyền dưới dạng “cò” giấy tờ. Chỉ cần phát hiện người có nhu cầu, các đối tượng “cò” này sẽ lập tức tiếp cận, quảng cáo về dịch vụ “chạy”, làm giả giấy tờ. Thực tế cho thấy, chọn cách hoạt động trong bóng tối, kiên quyết không lộ danh tính, các đối tượng làm giả giấy tờ hằng ngày vẫn giăng sẵn những cái bẫy tinh vi đợi chờ con mồi cả tin.

Con dấu, dụng cụ làm giả giấy tờ vừa bị cơ quan chức năng thu giữ

K. cho biết: “Không như các tay “cò” giấy tờ nhà đất, làm giấy tờ xe,… những “lò” làm giả giấy tờ không bao giờ lộ mặt. Bởi dịch vụ của bọn này vi phạm pháp luật nên chúng chọn cách ẩn mình, giao dịch với khách hàng qua điện thoại, mạng internet. Bọn này giải thích hình thức ẩn mình của mình là để bảo vệ tính kín đáo, an toàn cho cả khách hàng lẫn người làm dịch vụ. Hơn nữa, bọn này cũng thừa biết chỉ có người dính dáng đến pháp luật mới xài giấy tờ giả nên họ lợi dụng tâm lý này để gài bẫy khách hàng. Một trong những trò lừa đảo mà bọn này hay sử dụng nhất là yêu cầu khách hàng nộp tiền cọc rồi chiếm đoạt số tiền này”.

Trên các trang làm giấy tờ giả, PV nhận thấy có rất nhiều phản hồi đầy bức xúc của vô số nạn nhân sập bẫy. Để kiểm chứng, PV trực tiếp inbox (nhắn tin - PV) cho trang “Làm giấy tờ giả uy tín”, yêu cầu làm giả giấy khai sinh để xuất khẩu lao động. Sau một ngày gửi tin nhắn, PV được trang này phản hồi. Người tự xưng có tên H.H. cho biết: “Bạn tìm đúng cửa rồi. Bên mình chuyên làm các loại giấy tờ cần thiết để xuất ngoại, xin việc làm, bổ túc hồ sơ xin việc,… Làm giấy khai sinh mình lấy 2 triệu/giấy. Có hàng trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, để có phí “bôi trơn”, bạn phải đặt cọc trước nửa giá. Số còn lại bạn có thể thanh toán sau khi bên mình hoàn tất giấy”.

Tuy nhiên, khi đem thông tin trên tham khảo với Q. “lủi”, PV được người này cảnh tỉnh. Q. “lủi” quả quyết: “Làm giấy tờ nếu anh không quen biết, tìm đại trên mạng, nghe theo mấy thằng quảng cáo trên mạng là chết. Anh tin tụi này chẳng khác nào giao trứng cho ác. Khi mình liên hệ, chắc chắn tụi nó đòi tiền cọc bằng cách gửi tiền vào tài khoản cho nó hoặc mua card điện thoại. Sau khi nhận được tiền, chúng nó im luôn, khóa số điện thoại. Nhiều người sập bẫy tức tối vì gọi điện chửi không được đã nghĩ đến cách lên trang mạng của nó tố cáo, chửi bới. Nhưng cũng vô dụng, nó chỉ việc xóa mấy cái phản hồi của mình là xong. Nói chung, mình không làm gì được, biết mình bị lừa cũng đành cắn răng chịu trận vì không dám báo công an”.

Gian nan chống giấy tờ giả

Không dừng ở đó, nhiều nạn nhân vì đặt niềm tin sai chỗ đã bị các đối tượng trong đường dây làm giấy tờ giả thao túng, liên tiếp lừa tiền. Các tay chuyên “cò” giấy tờ “bật mí” nắm được tâm lý “khát” giấy tờ để thực hiện các mục đích xấu, nhiều “lò” “sản xuất” tìm cách moi tiền “con mồi” với nhiều lý do. “Sau khi đã nhận tiền cọc, bọn này thường “đẻ” ra vô vàn lý do để “ăn tiền” khách hàng. Sở dĩ, chúng dám làm vậy là bởi nắm được tâm lý “khát” giấy, sợ mất tiền cọc oan của “con mồi”. Nắm được điểm yếu này, bọn chúng thường lấy cớ giấy tờ gặp trục trặc, cần phí bôi trơn, phí khắc con dấu, sao, in chữ ký cán bộ, … Gặp phải các chiêu này, dù muốn dù không, khách hàng buộc phải “rót” thêm tiền. Bằng không, khách vẫn mất tiền cọc. Đằng nào, bọn chúng cũng có lợi”, K. cho biết.

Để chống giấy tờ giả, các Văn phòng Công chứng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại

Cũng theo các tay “cò” giấy tờ chuyên nghiệp, hiện nay, ngoài những “lò” làm giả giấy tờ chỉ dựng lên với mục đích lợi dụng lòng tin mù quáng của khách hàng còn vô số “lò” làm giấy giả uy tín. Hơn thế, việc xác định sự uy tín của các “lò” sản xuất giấy tờ giả này cũng hết sức đơn giản. Các tay “chạy” giấy tờ chuyên nghiệp “bật mí” chỉ cần tham gia các hội, nhóm kín chuyên làm giấy tờ hoặc tham gia diễn đàn làm giấy tờ giả xin được tư vấn sẽ có ngay các địa chỉ uy tín. Minh chứng nhận định này là việc sử dụng giấy tờ giả đã trở thành vấn nạn cho xã hội.

Thực tế cho thấy, khi được hỏi, hầu hết các Văn phòng Công chứng tại TP.HCM đều khẳng định nhiều lần phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả. Đáng nói hơn, theo thời gian, những đối tượng làm giả liên tục “nâng cấp” kỹ thuật, “sản xuất” ra các loại giấy tờ giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Thông tin vấn đề trên, Công chứng viên Phan Văn Cheo, nguyên Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM cho biết: “Hiện nay, các công chứng viên phải đối đầu hằng ngày với nỗi lo giấy tờ giả. Đặc biệt, giấy tờ giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, việc phát hiện các loại giấy tờ giả hiện vẫn dựa trên yếu tố kinh nghiệm của công chứng viên là chủ yếu”.

Tuy nhiên, các công chứng viên dày dạn kinh nghiệm cũng thẳng thắn chia sẻ việc xác định các loại giấy tờ giả chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân thôi là chưa đủ. Bởi lẽ, trong khi hiện nay, nhiều văn Phòng Công chứng chưa trang bị các thiết bị hiện đại để giám định thì các đối tượng làm giả đã liên tục nâng cấp kỹ thuật làm giả. Một cán bộ thuộc Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM, Bộ Công an cho biết: “Sau nhiều vụ việc, chúng tôi phát  hiện, thủ đoạn làm giả của các đối tượng tội phạm làm giả giấy tờ ngày càng tinh xảo. Trước đây, các đối tượng thường sử dụng kỹ thuật in lưới để tạo ra các loại giấy tờ giả. Hiện nay, các đối tượng này đã chuyển sang sử dụng các loại máy móc hiện đại. Thậm chí, các đối tượng còn kết hợp công nghệ cao, dùng phần mềm máy tính thiết kế, xử lý hình ảnh để làm giả tài liệu, hình dấu trên máy vi tính rồi in ra giấy in ảnh, giấy cứng”.

Trong các báo cáo của mình, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư Pháp cũng khẳng định tình trạng sử dụng và lưu hành giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Cũng theo đơn vị này, khi đối tượng sử dụng các loại giấy tờ giả, bằng giả, chứng chỉ giả,… để đề nghị chứng thực bản sao từ bản chính thì cơ quan có thẩm quyền gần như không có khả năng nhận biết những giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Bởi, các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả được làm rất tinh vi, bằng mắt thường không thể nhận biết. Từ thực trạng trên, càng khiến công cuộc đấu tranh, bài trừ, xóa tận gốc giầy tờ giả vẫn vấp phải nhiều khó khăn.

Giấy tờ tùy thân, hợp đồng mua bán được làm nhiều nhất

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: “Theo thống kê của Sở Tư pháp TP.HCM các loại giấy tờ được làm giả nhiều nhất là giấy tờ tùy thân, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, ... Để ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ giả, Sở Tư pháp, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện các chương trình phần mềm bảo đảm kết nối chặt chẽ thông tin giữa tất cả các tổ chức hành nghề công chứng; kết nối và chia sẻ với các cơ quan quản lý liên quan như các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, TP, cơ quan thuế…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thế giới ngầm làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn giả: Chiếc bẫy của công chứng viên giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO