Sứt mẻ tình xóm giềng vì cố giữ 7 cây bạch đàn giáp ranh

Văn Kỳ| 27/05/2022 19:20

Nhiều lần ông Hùng cảnh báo và khuyên ông Tuất nên chặt hàng cây bạch đàn giáp ranh có nguy cơ gãy đổ vào công trình nhà mình nhưng không được, ông buộc phải khởi kiện vụ việc ra Tòa. Dù cãi chày, cãi cối nhưng lý “cùn” của ông Tuất vẫn không thắng được quy định pháp luật.

Theo hồ sơ, nhà ông Nguyễn Đăng Tuất (53 tuổi, ngụ xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và nhà ông Lê Văn Hùng (62 tuổi) sát cạnh nhau. Hàng xóm bao năm chung sống hòa nhã, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhà nào có việc nhà kia xắn tay giúp và ngược lại, thậm chí khi khó khăn, nhà này không nề hà phụ giúp nhà kia.

Giáp ranh thửa đất hai nhà trước đây ông Tuất trồng hàng bạch đàn kèm cây xoan để phân định ranh giới. Thời gian qua đi, tình cảm xóm giềng vẫn giữ nguyên, riêng hàng bạch đàn và cây xoan thay đổi, mỗi ngày một cao lớn và chuyện gì đến cũng đến. Hàng bạch đàn nằm trên đất của nhà ông Tuất, có địa thế cao hơn. Nhà ông Hùng giáp ranh có địa thế thấp hơn và được ngăn cách bởi công trình phụ gồm chuồng bò, nhà vệ sinh.

minh-h-w500-h351.jpg

Miền Trung mùa mưa nhiều gió bão, mỗi dịp tháng 8 tới sau mỗi trận mưa, Quảng Nam lại như sông bể, đất đai, tài sản ngập chìm trong nước. Nhà cửa cứ thế ải mục, nền đất nhão đi riêng cây bạch đàn thêm phù sa lại càng tươi tốt. Thời gian qua đi, cây càng cao lớn thì đất càng yếu đi, nhà ông Hùng càng cũ thì càng nhiều vết nứt, càng mong manh dễ đổ. Ông Hùng nhiều lần nhỏ nhẹ bảo ông Tuất chặt cây hoặc chí ít cũng chặt ngang để tránh lá trĩu nặng khiến cây đổ, nhưng ông Tuất xua tay bảo rằng không đời nào xảy ra.

Ngày 28/9/2019, sau một trận mưa một cây bạch đàn bên đất ông Tuất trốc rễ gãy đổ thẳng vào khu nhà vệ sinh của ông Hùng, khiến cả nhà ông không có nơi đại tiện. Bực mình ông Hùng càm ràm rằng, đã cảnh báo trước chặt đi không nghe, giờ hậu quả nhãn tiền. Ông Tuất bảo “cây đổ thì cây tự chịu chứ nhà tui làm gãy đâu mà chịu”. Ông Hùng nói “đó là lời ông nói nhé”. Hai bên thái độ với nhau từ đó.

Ông Hùng đi định giá nhà vệ sinh 5,2 triệu đồng, sau đó âm thầm làm đơn tố ông Tuấn ra UBND xã. Ông Tuất bị triệu tập ra xã hầu khiếu nại của người bạn hàng xóm. Tại xã, ông Hùng yêu cầu chính quyền gây sức ép buộc ông Tuất phải chặt 7 cây bạch đàn, nếu tiện chặt luôn cây xoan, bởi hiện tại nền đất yếu, có nguy cơ ngã đổ sang nhà ông Hùng bất cứ lúc nào. Ông Tuất không hợp tác còn thách thức sẽ không bồi thường đồng nào và cũng không thống nhất chặt bảy cây bạch đàn nêu trên.

Sau buổi hòa giải không thành, ông Hùng quyết định khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh. Nội dung, ông Hùng yêu cầu hộ ông Tuất phải nhanh chóng chặt hạ bảy cây bạch đàn để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của gia đình ông Hùng khi mùa mưa bão sắp đến. Đồng thời đề nghị Tòa buộc ông Tuất phải bồi thường thiệt hại cho ông gần 3,5 triệu đồng do bị thiệt hại nhà vệ sinh. Trong quá trình khởi kiện, ông Hùng bổ sung yêu cầu buộc bị đơn phải chặt thêm một cây xoan.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Tuất thừa nhận có trồng bạch đàn, cây xoan sát nhà ông Hùng, thừa nhận cây đổ qua nhà vệ sinh ông Hùng gây thiệt hại. Ông cũng thừa nhận hàng cây bạch đàn, xoan hiện tại có nghiêng qua nhà hàng xóm nhưng khẳng định cây sẽ không đổ vì theo ông “rễ bám rất sâu và chắc”. Ông Tuất cũng không đồng ý bồi thường do cây gây gãy gây ra vì ông bảo “cây gây thiệt hại chứ không phải người gây thiệt hại”. Không thể hòa giải, Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Phiên xét xử diễn ra, hai ông hàng xóm giờ là nguyên đơn và bị đơn trong vụ án chuẩn bị những cái lý để “chọi” nhau. Tại tòa, ông Hùng trưng ra bằng chứng định giá tài sản bị thiệt hại do cây nhà ông Tuất đổ. Ông cũng trưng ra hình ảnh những cây bạch đàn, xoan còn lại to lớn chèn nghiêng qua các công trình nhà của ông. Do đó, việc ông Tuất phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra và chặt những cây có nguy cơ đổ, gãy là đúng.

Ông Tuất cho rằng, cây là vật vô tri, vô giác và ông không tác động để gây thiệt hại cho hàng xóm, nên từ chối bồi thường. Còn hàng cây bạch đàn, cây xoan còn lại chưa đổ, chưa gãy nên không có căn cứ yêu cầu. Ông còn bảo, nếu hàng bạch đàn này để lớn, có thể bán làm gỗ, quy ra tiền rất giá trị, nếu chặt đi sẽ rất phí. Điều mâu thuẫn trong lý luận của ông Tuất ở chỗ, ông thừa nhận hàng cây là tài sản của mình nhưng không thừa nhận trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường khi tài sản gây thiệt cho người khác. Nhiều người dự khán phiên xử xì xào bảo “người chi mà “khiên” hết phần người khác”.

HĐXX cho rằng, cây là vật vô tri giác nhưng là tài sản được sở hữu, trong vụ việc đây là tài sản của ông Tuất. Ông có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và kiếm lợi từ cây nên phải có nghĩa vụ đi kèm với tài sản đó. Do đó, căn cứ Điều 604, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.

Cũng theo HĐXX, phân tích, pháp luật quy định cây cối có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, không quy định bất động sản nào có trước. Hiện nay, vợ chồng nguyên đơn làm nhà, sinh sống hợp pháp nên tài sản của họ phải được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Phía bị đơn đưa ra các lý do để không chặt cây là hoàn toàn không phù hợp, không đúng pháp luật, thể hiện sự cố chấp, xem thường tài sản, thậm chí tính mạng của người khác nên không thể chấp nhận.

Từ các căn cứ trên, HĐXX cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Hùng là có căn cứ do đó quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Buộc ông Tuất thực hiện nghĩa vụ bồi thường và chặt toàn bộ hàng cây. Nghe Tòa tuyên, ông Tuất vẫn tỏ thái độ chày cối không tuân thủ. Tuy nhiên, chắc chắn cái lý sự “cùn” của ông Tuất không thể đi ngược lại luật pháp, bởi nếu không tự thi hành thì cơ quan thì hành án sẽ đến cưa hàng cây thay cho ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sứt mẻ tình xóm giềng vì cố giữ 7 cây bạch đàn giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO