Sai một ly đi một dặm

Anh Vũ| 08/04/2022 07:15

Khởi nguồn từ quyết định kinh doanh khi chưa lượng đúng sức mình của bị cáo Tôn Nữ Như Thủy (SN 1971, trú tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đẩy cô đến những sai lầm liên tiếp. Cô như chiếc lá bị cuốn vào vòng xoáy thua lỗ, nợ nần mà chẳng mấy chốc bị hút chìm xuống đáy nước.

Chỉ khi HĐXX hỏi “Điều gì khiến bị cáo cần tiền đến mức liên tiếp phạm tội?”, Thủy mới buồn bã thú nhận. Cuộc ly hôn với người chồng cũ khiến Thủy gần như gục ngã, thờ ơ với tất cả khiến công việc càng lúc càng trì trệ. Muốn quên đi chuyện cũ, khởi động lại cuộc sống mới, Thủy quyết định thế chấp nhà đất được chia sau ly hôn để vay tiền ngân hàng kinh doanh mỹ phẩm.

Có lẽ đó là quyết định vội vàng đầu tiên của Thủy, bởi “thương trường là chiến trường”. Càng kinh doanh, Thủy càng thua lỗ, tiền lãi cũng không trả kịp. Thủy âm thầm vay nóng bên ngoài để giải quyết lãi ngân hàng và đây là quyết định sai lầm thứ hai.

images1143402xinviec-w500-h375.jpg

Ảnh: Minh họa

Lãi mẹ đẻ lãi con, tiền thu hàng tháng từ cửa hàng mới mở không nhiều, cũng không thể đem hết để trả lãi, bởi còn phải nhập hàng để duy trì hoạt động kinh doanh. Cầm cự thêm ít thời gian, số nợ đó đã tăng thêm vài trăm triệu đồng.

Đang lúc điêu đứng, Thủy gặp và làm quen với Bùi Thị Thanh Hiền (SN 1981, trú tại thị xã Hương Thủy, TT-Huế) là nhân viên Bệnh viện Phong-Da liễu. Lúc này, Hiền có kinh doanh quầy thuốc tây nên Hiền mua mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Thủy đem về bán ở quầy thuốc của mình. Hiền mua hàng của Thủy nhiều lần nhưng chưa trả hết tiền và còn nợ hơn 50 triệu đồng tiền mỹ phẩm.

Bị bủa vây bởi lãi vay ngoài tăng từng ngày tới 30 - 40%, Thủy đòi tiền từ Hiền nhưng người này không có nên lại nhờ Thủy vay mượn của người khác để có tiền trả lại cho Thủy và cả 2 dần mất khả năng kiểm soát về tài chính, dẫn đến nợ nần chồng chất. 

Nhận thấy tình trạng nợ nần càng nhiều nhưng không giải quyết được, Hiền đã gợi ý cho Thủy nhận tiền xin việc làm của những người có nhu cầu vào làm tại các cơ quan nhà nước. Thời điểm đó, Thủy như người sắp chết đuối vớ được phao cứu sinh, lập tức đồng ý, thâm tâm hy vọng sẽ sớm hoàn lại tiền cho mọi người. Nhưng đó chính là sai lầm nặng nhất của bị cáo.

Nói là làm, Thủy tìm đến gặp trực tiếp người có nhu cầu xin việc làm, nói dối để họ tin tưởng Thủy có mối quan hệ, quen biết nên có thể giúp họ xin việc vào các cơ quan Nhà nước, ngân hàng, bệnh viện, trường học...trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu nhờ Thủy xin việc làm, Thủy tung tin đã xin được cho nhiều người và cam kết sẽ xin được trong thời gian từ 03 tháng đến 01 năm, nếu không xin được sẽ trả lại tiền. Khi nhận được sự tin tưởng, Thủy yêu cầu người xin việc về làm hồ sơ và đưa trước một phần tiền, số tiền Thủy yêu cầu khác nhau cho mỗi trường hợp xin việc, không cố định.

Từ đó, Thủy là người trực tiếp gặp và nhận hồ sơ, tiền từ những người trung gian hoặc trực tiếp nhận của người bị hại. Thủy dặn Hiền: Khi Thủy gọi điện hoặc nhắn tin đến cho Hiền thì nói ngang ngang, trả lời dứt khoát chứ đừng ú ớ, còn nếu tin nhắn thì Hiền phải trả lời là “Được” hoặc “OK” vì lúc đó Thủy đang ngồi với những người bị hại. Khi nhận tiền để xin việc của những người bị hại, Thủy chỉ viết giấy mượn tiền và hẹn ngày trả từ 03 tháng đến 01 năm (đây là thời gian Thủy ngầm cam kết sẽ xin được việc) chứ không ghi nội dung sẽ xin việc ở đâu. 

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp nhận hồ sơ và tiền xin việc của 108 người tổng cộng hơn 8 tỷ đồng, Thủy đều đưa cho Hiền nhưng số tiền không đúng với thực tế đã nhận từ những người bị hại mà đưa cho Hiền số tiền ít hơn. Đồng thời, Thủy tự quyết định thay Hiền trả tiền nợ, tiền lãi cho những người mà Thủy đã vay giúp Hiền, trả tiền nợ mỹ phẩm cho chính mình và trả lại tiền cho những người xin việc trước đó do Thủy không xin được việc nên họ đã gặp Thủy để lấy lại tiền.

Vì vậy, số tiền chiếm đoạt của những người bị hại sau được Thủy dùng để trả lại cho những người bị hại trước. Còn lại bao nhiêu tiền Thủy đưa cho Hiền rồi Hiền đồng ý viết giấy mượn tiền và phục vụ cho nhu cầu cá nhân của Thủy.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX nhận định, Thủy là người chịu trách nhiệm chính vì bị cáo là người chủ động gặp trực tiếp những người có nhu cầu xin việc, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và chiếm đoạt số tiền nhiều hơn. Riêng Hiền chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Mặc dù hai bị cáo đã khắc phục bồi thường một phần hậu quả cho các nạn nhân nhưng cũng phải chịu một mức án nghiêm minh của pháp luật.

Tòa tuyên, bị cáo Tôn Nữ Như Thủy 8 năm 6 tháng tù và Bùi Thị Thanh Hiền 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là bài học đắt giá dành cho những đối tượng chuyên lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác như hai bị cáo bởi sớm muộn cũng sẽ bị sa lưới pháp luật. Song, cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người dân lương thiện phải hết sức cẩn trọng trước những “bánh vẽ” chạy việc, để không phải rơi vào tình cảnh éo le “tiền đã mất” nhưng “tật vẫn mang”.

“108 bị hại trong vụ án này chỉ là con số nhỏ trong tảng băng chìm, trên thực tế có nhiều gia đình ngại hoặc sợ người khác biết mình “chạy việc” lại còn mất tiền nên không dám trình báo cơ quan chức năng. Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm và không trở thành nạn nhân của tội phạm này, trước hết người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng tại nơi mình định thi tuyển vào làm việc; nâng cao tinh thần cảnh giác, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu lừa đảo cần trình báo các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần tỉnh táo khi xin việc làm để tránh tình trạng tiền mất mà việc chẳng thấy đâu”-Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa nhắn nhủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai một ly đi một dặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO