Quảng Trị: Thảm cảnh một gia đình có 3 con mắc bệnh tâm thần

Huyền Trang| 04/04/2017 09:00

Hơn chục năm qua, những người dân ở xã Triệu Thuận (Triệu Phong, Quảng Trị) đã quá quen với việc bị đánh thức mỗi đêm bởi những tiếng hú hét thất thần phát ra từ nhà ông Nguyễn Phận.

Và, họ cũng quá quen cảnh ông Phận cùng vợ phải chạy khắp trong làng ngoài ngõ để tránh những trận đòn do 3 cậu con trai mắc bệnh tâm thần gây nên...

Tận cùng nỗi đau

Giữa cái nắng nỏ của tiết trời đầu hạ, tôi tìm về thăm gia đình ông Nguyễn Phận (SN 1953 ở Khu vực 8, xã Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị). Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, rách nát nằm cuối một con ngõ nhỏ lầy thụt. Suốt chục năm nay, vợ chồng ông Phận chìm lút trong nỗi đau bệnh tật, đói khổ và nợ nần đeo đẳng. Thấy có khách, ông Phận khoác vội cái áo rồi rụt rè ra đón. Cái nghèo, cái khổ hắt lên từ khuôn mặt sạm đen và cái lưng khòng khòng của người đàn ông mới chạm lục tuần. Bên ấm trà pha vội, cuộc đời đầy thăng trầm của ông Phận được tãi ra với rất nhiều đớn đau và nước mắt.

Ngày còn trẻ, ông Phận được tiếng đẹp trai, hiền lành, chăm chỉ. Tuy bố mẹ đã định sẵn  một cô gái cạnh nhà, nhưng ông bỏ ngoài tai. Lý do mà ông Phận chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình là bởi nhà ông quá nghèo, lại đông anh em, ông muốn đỡ đần bố mẹ trong việc nuôi các em khôn lớn. Ngày ngày, ông Phận sang xóm bên làm thuê, cuốc mướn, tuy số tiền công ít ỏi nhưng cũng giúp được bố mẹ phần nào.

Bà Hiệp phải chăm sóc con như những đứa trẻ

Phải mãi đến ngoài 30 tuổi, ông Phận mới lập gia đình. Bà Hiệp, vợ ông, cũng là con nhà nghèo, cũng phận làm thuê, cuốc mướn như chồng. Cũng vì gia cảnh khó khăn, mải lo kiếm tiền mà suốt thời thiếu nữ, bà Hiệp từ chối rất nhiều những người đàn ông khác, đến khi bà bình tâm ngoái lại thì đã thấy mình thuộc diện “quá lứa lỡ thì”. Bà và ông Phận, cùng chung cảnh ngộ nên cũng dễ đồng cảm và cảm mến nhau. Tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng. Ít lâu sau, một đám cưới đơn giản với vài mâm cơm vừa để trình báo với tổ tiên, vừa là để ra mắt bà con lối xóm được gia đình hai bên tổ chức. Sau đám cưới, vốn liếng không có, hai vợ chồng ông Phận cất tạm một mái nhà tranh ở cuối làng rồi dọn ra ở giêng, mọi nhu cầu sinh hoạt trông cả vào mấy sào ruộng...

Tuy cuộc sống thiếu thốn mọi bề, nhưng vợ chồng ông Phận được tiếng là hòa thuận. Rồi mấy đứa con của ông bà lần lượt ra đời, đứa nào đứa nấy cũng bụ bẫm, đáng yêu. Ai cũng mừng cho vợ chồng ông, họ những tưởng vợ chồng ông bà sẽ được hưởng những phút giây thơi thoáng lúc tuổi già, nào ngờ tai họa trút xuống đầu ông bà không ngơi nghỉ.

Vợ chồng ông Phận cùng với ba đứa con “thần kinh không ổn định” 

Năm 2005, đứa con trai thứ hai của ông Phận là Nguyễn Chí Kỳ (SN 1981), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thì phát bệnh tâm thần. Nuốt nước mắt, bà Hiệp nói: “Nó học giỏi lắm, nhưng chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên nghiệp đèn sách của nó bị đứt đoạn giữa chừng. Ở nhà mãi cũng chán, nó viết đơn xin đi nghĩa vụ quân sự. Gia đình cứ nghĩ được rèn luyện và học tập trong môi trường quân đội sẽ tốt cho cháu, nhưng ngờ đâu sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về thì nó bắt đầu phát bệnh...”.  Gia đình ông Phận, bà Hiệp còn chưa biết xoay sở thế nào thì lần lượt Nguyễn Chí Huy (SN 1983) - đứa con thứ ba, Nguyễn Chí Lương (SN 1985) - đứa con thứ tư đang khỏe mạnh cũng tự nhiên đổ bệnh tâm thần.

Ba đứa con như cái xác không hồn khiến không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, u ám. Những bát cơm chan đầy nước mắt của bố, của mẹ và các em. Hàng ngày, phải chứng kiến các con lên cơn vật vã rồi bất lực nhìn chúng đập phá đồ đạc, vợ chồng ông Phận đau đớn lắm. Nhiều lúc chưa thỏa “cơn điên”, đàn con “sức dài vai rộng” ấy còn đuổi đánh ông bà khắp trong nhà, ngoài ngõ. “Có hôm thằng Kỳ phát bệnh, nó đá tôi văng từ trong nhà ra đến tận ngoài thềm. Mẹ khóc, con cười hềnh hệch. Đận đó, tôi toàn thân đau nhức, phải nằm bẹp mất mấy ngày mới gượng dậy mà đi làm được. Lắm lúc nghĩ cũng tủi, nhưng con mình rứt ruột đẻ ra, mình biết phải làm sao?”, bà Hiệp ngậm ngùi.

Hai vợ chồng ông Phận 

Không chỉ vậy, mấy đứa con “thần kinh không ổn định” của vợ chồng ông Phận còn thường xuyên bỏ đi, lang thang khắp thôn này đến xã khác. Ông bà Phận lại chạy đôn, chạy đáo tìm con. Cứ nghe mọi người trong xóm chỉ con ở đâu, ông bà lại vội vàng ra đó mà tìm về. “ Mới đây, thằng Kỳ bỏ nhà đi hơn một tuần mà không thấy về. Hai bác phải nhờ đến đài truyền thanh của huyện thông báo mới tìm được nó”. Ông Phận cho biết.

Tìm đâu ra lối thoát?

Có lẽ cuộc đời này không ai giống vợ chồng ông Phận, ở với nhau được bảy mặt con. Vậy mà, đến lúc về già vẫn phải chăm ba đứa con như những đứa trẻ. Để nuôi đủ chín miệng ăn, hằng ngày ông phải lặn lội sớm khuya bên mấy đám ruộng, còn bà Hiệp thì ở nhà chăm con với trồng thêm mấy mớ rau, nuôi thêm mấy con gà. Đôi vợ chồng già làm quần quật cả ngày cũng không đủ ăn, cơm bữa đói, bữa no. Năm nào mưa thuận gió hòa còn đỡ, chứ có năm trời hết hạn hán lại đến lũ lụt liên miên, ruộng đồng mất trắng, cuộc sống của cả gia đình ông càng thêm lay lắt.

Đang chuyện, bà Hiệp nghe tiếng hú hét của cậu con trai, liền tất tả đứng lên. Bà bảo: “Nó đòi ăn đấy! Cháu ngồi chơi nhé”. Nói rồi bà chạy xuống bếp đơm vội bát cơm rồi đem vào bón cho con. Bát cơm trắng chỉ lơ thơ mấy cọng rau thái nhỏ. Nhìn con ăn một cách ngon lành, nước mắt bà Hiệp cứ trào ra mãi. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má gầy guộc của người mẹ già bất hạnh khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. “Thương các con nhưng tôi cũng không biết làm thế nào? Chúng đang bệnh, đáng lẽ phải được thuốc thang, tẩm bổ, nhưng nhà làm gì có tiền mà mua, có cơm ăn là tốt lắm rồi”, bà Hiệp nghẹn ngào.

Phần lớn thời gian của mấy đứa con ông Phận là gắn với chiếc giường 

Thấy mẹ khóc, mấy đứa con của bà Hiệp hồn nhiên cười khùng khục. “Giờ còn đỡ, chứ mỗi lúc trái gió trở trời, chúng lại hò hét, đập phá tanh bành. Đứa ôm đầu đập vào tường, đứa thì bứt tóc rồi rên la ầm ĩ. Không cho chúng uống thuốc kịp thời, có khi chúng đâm đầu vào tường vào cột, rồi cào cấu chân tay đến tứa máu ra ấy chứ” bà phận nói. Nhiều lần ông bà Phận cũng định đưa con đi khám, nhưng tiền không có, ông bà đành để chúng ở nhà rồi tự chăm sóc với thuốc thang. Cho con ở nhà, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông bà Phận cũng đang đánh cược với mạng sống của chính mình.

“Trông chúng nó èo uột thế thôi, chứ chả hiểu làm sao, khi lên cơn chúng cứ như người khác, khỏe lắm! Mùa vừa rồi, nhà có mấy bì thóc, chúng hè nhau vác ra ngoài sân, ngoài vườn ném hết. Ném chán, chúng lôi nồi xoong, ly, chén ra đập để xem cái nào vỡ kêu to hơn. Những lúc như thế, hai vợ chồng tôi chỉ biết chạy sang nhà hàng xóm, đợi chúng “cắt cơn điên” mới dám về nhà. Nhìn vậy, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau mà khóc thôi, biết làm sao được...”, ông Phận cho biết.

Mấy năm trở lại đây, bệnh tình của các con ông Phận ngày càng nặng thêm. Huy như một đứa trẻ, Lương thì lúc tỉnh, lúc mê còn Kỳ thường xuyên bỏ đi khiến cuộc sống của ông bà xoay như chong chóng. Trò chuyện với khách, ông Phận chốc chốc lại đưa tay lên lau nước mắt. Ông bảo: “Đứa dại đã đành, đến đứa khôn cũng phải lỡ dở chuyện học hành vì gia cảnh quá nghèo. Còn vợ tôi, từ ngày lấy tôi đến giờ, chưa phút nào bà ấy được thảnh thơi. Tôi làm chồng, làm cha mà không lo tròn trách nhiệm để vợ con cực khổ, chắc là do trời phạt”. Càng nói, nước mắt ông Phận càng trào ra. Ông khóc cho mình, và khóc cho cả gia đình.

Biết gia đình ông Phận khó khăn, khổ sở là thế, nhưng vì lo sợ đám con tâm thần của ông có thể lên cơn bất kỳ nên hàng xóm cũng chả mấy khi dám sang chơi. Nhiều lúc muốn giúp đỡ đồng tiền, bát gạo, bà con lối xóm toàn phải chờ vợ chồng ông Phận đi ra ngoài mới dám đưa. Và quả thật, ngay khi biết tôi muốn vào thăm gia đình ông bà, nhiều người dân ở đây hết lời can gián. Thấy tôi quyết tâm, anh Nguyễn Văn Đông, hàng xóm của ông Phận đã phải bỏ ngang việc để dẫn vào. Anh Đông bảo: “Họ hàng nhà ông Phận không ai bị bệnh này cả. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình, hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương cũng hết lòng giúp đỡ, thế nhưng gia đình ông Phận vẫn không thoát khỏi cảnh túng quẫn...”.

Chiều xuống, chia tay với gia đình ông Phận, hình ảnh bà Hiệp kỳ cụi tắm rửa cho mấy đứa con tồng ngồng, dở ngây dở dại cứ ám ảnh tôi mãi. Không biết rồi đây, cuộc sống của những con người thậm khổ ấy sẽ ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Thảm cảnh một gia đình có 3 con mắc bệnh tâm thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO