Nỗi lòng người mẹ ru con sau song sắt

Nam Hoàng| 31/07/2017 07:38

Quả thật, sau khi ngồi với Nguyễn Hải Yến trọn một buổi chiều hanh hao gió cát ở Trại giam số 5, tôi đã nghĩ rằng, mình sẽ không thể viết thêm một chữ nào về cuộc đời đầy nước mắt của phạm nhân này nữa...

Ấy nhưng, cũng thật bất ngờ, Yến bảo, đau đớn, mất mát cô cũng đã hứng chịu quá nhiều rồi. Giờ cô chỉ mong, câu chuyện của mình được viết lên, cơ hồ giúp được ai đó rút ra bài học để có được sự lựa chọn đúng đắn khi đứng trước những ngã rẽ cuộc đời.

Sự cay nghiệt mang tên số phận

Yến sinh năm 1974, nhà ở Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội. Cha mẹ chia tay, Yến sống trong tình yêu thương, đùm bọc của ông bà ngoại từ tấm bé. Dù cuộc sống bộn bề vất vả, ông bà vẫn quyết tâm nuôi Yến ăn học đàng hoàng. Nhờ đó, Yến cũng phần nào được xoa dịu, bù đắp những nỗi đau, thiếu hụt về tình cảm gia đình. Không những thế, sợ cháu mình mặc cảm, tự ti, bà còn xin cho Yến vào sinh hoạt ở Cung thiếu nhi Hà Nội để có thêm bạn, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Đến giờ, Yến vẫn nhớ như in hình ảnh ông bà lụi cụi đưa đón Yến mỗi lần đi học.

Nhưng số phận trớ trêu lại một lần nữa lấy đi của Yến những gì mà cô yêu thương, trân quý nhất. Khi đang học cấp 3, ông bà Yến đổ bệnh rồi mất. Không còn chỗ dựa vững chắc về cả tinh thần lẫn vật chất, Yến bị suy sụp hoàn toàn. Cô bỏ học khi chưa kịp hết lớp 12.

Một thời gian sau, Yến lấy chồng. Lúc đó, cô vẫn luôn tự nhủ rằng, mình sẽ cố gắng bằng mọi giá để mang lại một mái ấm gia đình hạnh phúc, điều mà trong suốt những năm tháng tuổi thơ, cô đã không hề có được. Nhưng cuộc đời Yến đã không đi theo con đường mà cô đã định. Cô đã không làm được những điều mình muốn cho con cái, bởi những khúc quanh của số phận, bởi những sai lầm mà vợ chồng cô đã vấp phải giữa cuộc sống đầy khó khăn và cám dỗ.

Mỗi lúc nhớ chồng, nhớ con Yến lại mang mấy tấm hình ra ngắm nghía

Lấy chồng rồi mang thai đến gần 6 tháng, Yến mới biết chồng mình nghiện hút. Mặc dù, với công việc cai thầu bến xe, tối ngày phải tiếp xúc với rất nhiều mặt trái trong xã hội, nhưng, người đàn ông ấy đã không đứng vững trước cám dỗ của ả phù dung. Cũng vì thế, cuộc sống của hai vợ chồng Yến từ từ lật mở sang trang khác, bế tắc và đen tối hơn.

Từ ngày Yến sinh cháu Tạ Hoàng A, kinh tế gia đình ngày càng khốn khó. Bao nhiều tiền bạc trong nhà, chồng Yến đều đốt hết vào ma túy. Cực chẳng đã, Yến cũng lao vào con đường tội lỗi. Cô đi buôn ma túy. Mãi đến khi bị bắt rồi được đưa đi khám sức khỏe, Yến mới phát hiện mình đang mang thai.

Nguyễn Hải Yến miệt mài lao động để mong sớm được về đoàn tụ với gia đình

Hành trình nuôi con trong trại giam 

Những ngày đầu trong trại tạm giam, Yến đã trăn trở rất nhiều, bố nghiện, mẹ đi tù, con trẻ biết sống với ai? Nghĩ mãi không tìm ra lối thoát, trong lúc rối trí, Yến làm đơn xin bỏ đứa con trong bụng. Nhưng, được các cán bộ trại giam động viên, an ủi, đồng thời giải thích rõ về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với các phạm nhân nuôi con nhỏ, cô mới yên tâm giữ lại cái thai. Cháu Tạ Ngọc A được sinh ra trong vòng tay của các cán bộ y tế trại giam. Nhìn con xinh xắn, khỏe mạnh, Yến thầm cảm ơn cuộc đời đã không lấy đi của mình tất cả.

Ngày ra Tòa, Yến phải trả giá cho những việc làm sai lầm của mình bằng bản án 15 năm tù. Dù pháp luật vẫn cho phép Yến hoãn thi hành án, nhưng một nách hai con, biết lấy gì sinh sống. Tính kế sinh nhai mãi không được, Yến làm đơn xin chấp hành hình phạt. Tay xách nách mang, ba mẹ con dắt díu nhau “chuyển hộ khẩu” vào Trại giam số 5.

Phạm nhân Nguyễn Hải Yến: “Nhờ có sự giúp đỡ của Ban giám thị trại giam, mẹ con tôi mới vượt qua được những khốn khó…”

Yến bảo rằng, là người mẹ, ai chả muốn con mình hạnh phúc. Dù không hề muốn, dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả, nhưng cô không đành lòng để con ở lại với người chồng nghiện ngập. Khi phải chứng kiến con mình sinh ra và lớn lên trong trại giam, cô không khỏi đau đớn, buốt xót và ân hận. Những lúc đó, cô lại tự trách mình. Nhưng, cũng chính từ việc được cùng sống cùng con, nhìn con lớn lên, trưởng thành trong sự đùm bọc, yêu thương của mọi người trong trại, Yến cũng thấy được an ủi, hạnh phúc phần nào.

Có lần cháu Tạ Ngọc A bị ngã cầu thang, các cán bộ quản giáo đã kịp thời đưa đi viện. Trong thời gian này, Yến cũng được Ban giám thị hết sức tạo điều kiện thuận lợi để có thể chăm sóc cho con. Đồng thời, các phạm nhân nữ cũng mỗi người một ít, gom góp tiền rút từ lưu ký rồi ủng hộ cho mẹ con Yến. Cảm động trước tình cảm mọi người dành cho mình, Yến tự hứa rằng sẽ cố gắng cải tạo để không phụ những tấm chân tình ấy.

Đêm mơ thấy mình ru con ngủ

Một thời gian sau đó, chồng Yến cũng bị bắt về tội buôn bán ma túy, lĩnh án 9 năm tù và cũng về cải tạo tại Trại giam số 5. Vợ chồng, con cái hội ngộ sau song sắt. Để rồi từ đó, cái gia đình bé nhỏ của Yến lập nên một kỷ lục buồn, và có lẽ cũng là hy hữu trong lịch sử trại giam Việt Nam: Cả gia đình sum họp trong tù!

Chồng ở phân trại nam, vợ phân trại nữ, con gửi nhà trẻ có giáo viên chuyên ngành mầm non đứng lớp hẳn hoi, cuối tuần gia đình quây quần trong ít phút. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng thư từ thăm hỏi, động viên nhau cải tạo. Những ngày lễ tết, Ban giám thị trại giam đều tổ chức liên hoan và tặng quà cho các cháu thiếu nhi. Vì thế, tuy phải sống cùng bố mẹ sau song sắt, nhưng các cháu được hưởng các chế độ đãi ngộ chả khác gì những đứa trẻ bên ngoài.

Tuần nào cũng vậy, Yến chỉ mong đến thứ 7, chủ nhật để được gọi điện thoại về cho con và gia đình

Đến giờ, khi những đứa con của Yến đã trở về sống với ông bà ngoại, nhưng mỗi lần gọi điện thoại vào cho mẹ, chúng đều không quên hỏi thăm các cô, các bác ở trong “Ban” (cách gọi khác chỉ cán bộ trại giam), cũng như hỏi thăm những “bạn tù” của mẹ. Yến còn nhớ, ngày Chíp, Bông (tên thường gọi của cháu Tạ Hoàng A, Tạ Ngọc A) còn sống ở đây, người chúng quý mến và gần gũi nhất chính là Thượng tá Nguyễn Thị Can, Phó Giám thị Trại giam số 5.

Ngày đó, thỉnh thoảng mẹ con gặp nhau, hai đứa lại khoe tíu tít: “Hôm nay, “Bà ban” Can cho con nhiều bánh, kẹo lắm!” hoặc “Hôm qua, “Bà ban” Can tắm cho con đấy mẹ ạ”…, cứ thế, tình cảm chúng giành cho Thượng tá Can ngày một lớn, chúng xem bà như người thân ruột thịt, như một người bà đúng nghĩa. 

Do thời gian ở cùng mẹ khá lâu, thấu hiểu một phần cuộc sống trong trại, nên cả Chíp và Bông đều chăm ngoan, lễ phép. Gọi điện hay viết thư cho mẹ, cháu nào cũng nhắn nhủ, động viên: “Mẹ phải ngoan, phải cố gắng cải tạo để mau được về với con”. Mỗi lần như vậy, Yến chỉ còn biết khóc.

Rồi chồng Yến cũng mãn hạn và được trở về với đời thường, cái “gia đình trại giam” ngày nào giờ chỉ còn mình Yến. Nhiều lúc nhớ chồng, nhớ con, cô lại mang mấy cái ảnh con ra ngắm nghía. Thỉnh thoảng trong giấc mơ, Yến vẫn nghĩ mình đang à ơi ru con ngủ. Mỗi lúc như thế, cô càng hạ quyết tâm phải cố gắng cải tạo để mong sớm có ngày được về đoàn tụ với gia đình. Yến bảo, ra trại, cô sẽ cố kiếm một việc làm lương thiện. Dù công việc đó có vất vả, cực nhọc đến đâu, cô cũng sẽ cố gắng chịu đựng vượt qua, miễn những đồng tiền kiếm được phải là trong sạch. Bởi cô biết, cái giá phải trả cho mỗi sai lầm là không thể đong đếm được...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lòng người mẹ ru con sau song sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO