Khốn đốn vì ly hôn vợ đòi phí trinh tiết và tuổi thanh xuân

Văn Kỳ| 27/05/2021 09:06

Dù bản án sơ thẩm HĐXX đã bác yêu cầu đòi bồi thường trinh tiết và tuổi thanh xuân trong thời kỳ hôn nhân nhưng chị Linh vẫn quyết kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Vụ ly hôn trở thành cuộc chiến không khoan nhượng của người vợ quyết đòi bằng được giá trị “đời con gái” đã hiến cho… chồng.

Theo hồ sơ vụ án, anh Lê Mạnh Tuân (sinh năm 1985, thôn Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1989, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) yêu và đi đến kết hôn trên cơ sở tự nguyện, được gia đình tổ chức lễ cưới từ năm 2013. Hoàn cảnh gia đình hai bên vốn khó khăn, nên vợ chồng đến với nhau chỉ hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Anh Tuân không có nghề nghiệp ổn định, mà chỉ làm mướn theo thời vụ, trong khi chị Linh cũng chỉ trông chờ vào những đồng tiền ít ỏi của chồng kiếm được.

1-w600-h440.jpg

(Minh họa)

Trách nhiệm gia đình với Tuân thêm nặng gánh khi chị Linh sinh con năm 2014. Những đồng tiền ít ỏi từ nghề bảo vệ trông xe không đủ chi phí điện nước, tiền ăn, chi phí sinh hoạt thường ngày. Khó khăn là một trong những nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng bất đồng quan điểm sống. Tháng 7/2016 xuất hiện những trận cãi nhau không hồi kết, thậm chí vợ chồng xô xát nhau. Tới tháng 8/2016 chị Linh bất ngờ bế con về ở với cha mẹ ruột, bỏ chồng lại một mình. Tuân tự ái nên cũng không níu kéo, cũng không sang nhà ngoại để đưa vợ con về, vợ chồng chính thức ly thân từ đó.

Nhận thấy không còn tình cảm, cũng chẳng còn mối quan hệ nào liên quan ngoài đứa con chung, Tuân quyết định viết đơn ra Tòa án Nhân dân huyện Thường Tín yêu cầu được giải quyết ly hôn. Theo anh Tuân trình bày, từ ngày ly thân anh nhớ con nên sang thăm nhưng vợ luôn ngăn cản. Thậm chí, tội nghiệp con nên anh thường mang sữa, quần áo cho con nhưng chị Linh đều cấm cản, từ chối không nhận, điều này làm anh cảm thấy đau lòng.

Theo yêu cầu phản tố của chị Linh, chị chấp nhận ly hôn nhưng anh Tuân phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho chị những tổn thất trong quá trình làm vợ anh Tuân là 35 tháng, mỗi tháng 2tr ×35= 70 triệu đồng. Theo đó, chị Linh yêu cầu anh Tuân phải trả tiền công ở nhà trông con, cơm nước, làm việc nhà trong thời kỳ vợ chồng sống chung. Đặc biệt, anh Tuân phải đền bù trinh tiết và tuổi thanh xuân và giá trị con người mà chị Linh đã bị mất trong giai đoạn làm vợ. Về nghĩa vụ nuôi con, chị Linh yêu cầu được nuôi con nhưng buộc anh Tuân phải đóng góp tiền nuôi con 3 triệu đồng/tháng cho đến khi con trưởng thành.

Tòa án Nhân dân huyện Thường Tín đưa vụ án ra xét xử và tuyên chấp nhận cho anh Tuân và chị Linh ly hôn, nhưng chỉ chấp nhận nghĩa vụ cấp dưỡng của anh Tuân nuôi con là 1,5 triệu đồng/tháng cho tới khi trưởng thành. Tòa cũng bác hoàn toàn yêu cầu của chị Linh đòi bồi thường trinh tiết, tuổi thanh xuân và phẩm giá con người đã bị mất. Bởi, Tòa cho rằng, pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự cũng không quy định về các yêu cầu trên. Tòa cũng cho rằng các thiệt hại của chị Linh thực ra đó là nghĩa vụ của người phụ nữ khi đi lấy chồng nên yêu cầu của chị Linh không có căn cứ.

Dù vậy, chị Linh quyết kháng cáo bản án tăng tiền trợ cấp cho con lên 3 triệu/tháng và cho rằng yêu cầu bồi thường trinh tiết, tuổi thanh xuân của mình là chính đáng. Tại Tòa sơ thẩm chị Linh cho rằng, anh Tuân có công việc làm tại phòng khám nha khoa, nhưng anh lại khai là không có nghề nghiệp gì, không có thu nhập là trốn nghĩa vụ. Về yêu cầu bồi thường trinh tiết và tuổi thanh xuân, theo chị đây là vấn đề đạo đức và mang tính răn đe nên chị quyết đấu tranh đòi bằng được.

Anh Tuân cho rằng, bản thân làm công việc trông xe cho một phòng khám răng, thu nhập hằng tháng hiện tại chỉ ở mức khoảng 3 triệu đồng, nên chỉ có thể cấp dưỡng nuôi con tối đa là 1.500.000đ/tháng. Nếu cấp dưỡng 3 triệu đồng thì anh không còn chi phí sinh hoạt. Đối với yêu cầu đòi trinh tiết của chị Linh, anh cho rằng khi đến với anh chị cũng không còn trinh tiết, nên đòi là vô lý. Còn nếu nói thiệt hại thì bản thân anh cũng là bị hại vì “mất đời trai”. Còn tuổi thanh xuân thì kể cả không lấy chồng thì chị Linh cũng sẽ già, hơn nữa khi lấy chồng là chị Linh hoàn toàn tự nguyện nên khi làm vợ phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ làm vợ. Do đó, anh Tuân cho rằng, yêu cầu của chị Linh là vô căn cứ, phi lý.

Đại diện VKS cũng cho rằng, đối với yêu cầu bồi thường về trinh tiết và tuổi xuân của chị Linh là không có căn cứ nên Tòa không thể chấp nhận. HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho rằng, anh Tuân hiện không có công ăn việc làm và thu nhập không ổn định. Mức thu nhập của anh hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng nên nếu chấp nhận khoản trợ cấp 3 triệu, cuộc sống của anh sẽ không đảm bảo. Chị Linh cho rằng anh Tuân có nghề nghiệp là bác sĩ nha khoa, nhưng chị lại không chứng minh được bằng tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc anh Tuân có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề hay giấy phép kinh doanh đối với công việc này, nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của chị Linh. Đối với yêu cầu bồi thường về trinh tiết và tuổi thanh xuân của chị Linh là nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm khi làm vợ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam nên yêu cầu của chị Linh không có căn cứ nên không chấp nhận.

Sau khi xem xét, HĐXX quyết định bác yêu cầu kháng cáo của chị Linh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cuộc hôn nhân của anh Tuân và chị Linh kết thúc sau 35 tháng nên nghĩa vợ chồng, qua hai phiên tòa tai tiếng cùng các yêu cầu quá đáng và phi lý của người vợ. Giả như nếu giữ được cuộc hôn nhân, thì anh Tuân khó có thể dung hòa được mối quan hệ vợ chồng. Bởi, từ trong sâu thẳm, chị Linh đã không biết thế nào là nghĩa phu thê và bổn phận làm vợ thì khó có thể giữ gìn được hạnh phúc. Chia tay trong câu chuyện này âu cũng là giải pháp tốt cho cả hai.

(Tên các nhân vật thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khốn đốn vì ly hôn vợ đòi phí trinh tiết và tuổi thanh xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO