Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng tham dự Hội nghị Chánh án các nước Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18

Nguyễn Quang (Theo Cổng TTĐT TANDTC)| 17/11/2022 14:51

Trong các ngày 16, 17/11, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC cùng lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp, Học viện Tòa án đã tham dự Hội nghị Chánh án các nước Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18, bằng hình thức trực tuyến.

Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị lần này được đăng cai tổ chức bởi đặc khu Hồng Kông-Trung Quốc, gồm những chủ đề: Đối mặt với chỉ trích từ bên ngoài và tương tác với người dân (Chỉ trích - tách biệt những người thỏa đáng với những người không công bằng. Tăng cường lòng tin của dân chúng – Tòa án nên làm gì để tiếp cận người dân). Quản lý án trong bối cảnh đương đại (Quản lý án ở các Tòa án phúc thẩm. Tăng cường thực thi công lý thông qua công nghệ và đổi mới). Nâng cao vị thế Tòa án gia đình (Làm thế nào để giảm thiểu nỗi đau – luật gia đình có yêu cầu một mô hình hoặc phương thức tiếp cận tư pháp khác không. Hợp tác tư pháp xuyên biên giới trong các vấn đề về gia đình). Đào tạo tư pháp (Hợp tác và tương tác giữa các hệ thống Tòa án. Những nội dung quan trọng trong đào tạo tư pháp và sức khỏe của Thẩm phán).

Phát biểu tại phiên làm việc thứ 3 về chủ đề “Nâng cao vị thế Tòa gia đình và người chưa thành niên và những bước đi tiếp theo để tăng cường củng cố hệ thống tư pháp bảo vệ người chưa thành niên tại Việt Nam”, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng tư pháp, góp phần thúc đẩy các biện pháp bảo vệ trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là Công ước quốc tế quyền trẻ em, trong tiến trình cải cách tư pháp, năm 2016, Việt Nam đã thành lập “Tòa Gia đình và Người chưa thành niên”.

Có thể khẳng định, việc ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan; chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả, chất lượng và thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên; hoàn thiện hệ thống pháp luật để có những biện pháp xử lý và những thủ tục tố tụng riêng biệt; thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ các thông tin và số liệu về các vụ việc liên quan đến gia đình và người chưa thành niên, giúp cho các cơ quan xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách có những thông tin chính xác để đề ra những biện pháp thích hợp trong đấu tranh phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Điểm cầu tại TANDTC Việt Nam

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng nhấn mạnh, để tăng cường củng cố hệ thống tư pháp bảo vệ người chưa thành niên tại Việt Nam, trong thời gian tới, TANDTC sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, thực hiện chuyên môn hóa các Thẩm phán có am hiểu tâm sinh lý, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho Tòa Gia đình và Người chưa thành niên, bảo đảm tổ chức đầy đủ các phòng xử án thân thiện, môi trường thân thiện.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng một đạo luật toàn diện, chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên phù hợp với xu hướng của các quốc gia trên thế giới, để trình Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua, trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề sau:

Chuyên môn hóa hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, đảm bảo Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư, Thẩm phán có trình độ, kiến thức chuyên môn cao, am hiểu các quy trình, kỹ năng và kỹ thuật xử lý các vấn đề liên quan tới người thành niên phạm tội một cách hiệu quả và thân thiện.

Nghiên cứu quy định về vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tố tụng tư pháp người chưa thành niên. Nhân viên công tác xã hội sẽ phân tích hoàn cảnh của người chưa thành niên và xác định nguyên nhân gốc rễ của hành vi mà người chưa thành niên gây ra. Đó là cơ sở quan trọng cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng xem xét, tham khảo khi quyết định hình phạt phù hợp với người chưa thành niên.

Lãnh đạo Tòa án các nước Châu Á – Thái Bình Dương tham dự Hội nghị

Hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên. Quy định độ tuổi chịu trách nhiệm đối với các vi phạm; xác định vi phạm pháp luật của người chưa thành niên phải căn cứ vào hoàn cảnh, tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm để làm căn cứ xử lý trách nhiệm. Mở rộng áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thanh niên vi phạm pháp luật thay vì áp dụng các hình thức giam giữ đối với các em, để giáo dục, giúp các em sửa chữa hành vi sai trái của mình, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích.

Hoàn thiện, đổi mới quy trình thủ tục tố tụng tư pháp. Nghiên cứu, thiết lập quy trình tố tụng tư pháp người chưa thành niên riêng biệt, từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý vi phạm đến tổ chức thi hành và tái hòa nhập cộng đồng.

Tăng cường sự hỗ trợ, giám sát, giáo dục từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với người chưa thành niên khi thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng, thi hành cải tạo không giam giữ, thi hành án phạt tù để tái hòa nhập cộng đồng.

Ba là, tiếp tục tham gia các diễn đàn về tư pháp người chưa thành niên trong khu vực và quốc tế, đồng thời cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng tham dự Hội nghị Chánh án các nước Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO