Phim truyền hình Đi giữa trời rực rỡ đang là bộ phim "hot" nhất trên sóng giờ vàng VTV khi cán mốc 1 tỷ lượt xem sau 8 tập lên sóng. Thậm chí, một tập phim phát sóng trực tuyến cũng có hơn 23.000 người theo dõi cùng một lúc.
Nhiều chuyên gia cho biết, con số này sẽ còn tăng lên trong những tập tới khi phim có những diễn biến mới.
Cùng với đó là sự quan tâm, yêu mến của khán giả dành cho cặp đôi diễn viên chính Chải (Long Vũ) và Pu (Thu Hà Ceri). Những đoạn video ngắn về bộ đôi này cũng thu hút lượt tương tác lớn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 13 tập phim lên sóng, rating của phim đã ghi nhận con số hơn 4%, cao hơn tất cả phim truyền hình hiện lên sóng trên khung giờ vàng các kênh của VTV như: Sao kim bắn tim sao hỏa, Vui lên nào anh em ơi... Con số này cũng cao hơn cả phim trước đó lên sóng trên cùng khung giờ của VTV3 là Mình yêu nhau, bình yên thôi (trung bình khoảng 3,5%).
Trên nền tảng TikTok, từ khóa #digiuatroirucro hiện đã ghi nhận hơn 25.000 bài đăng với hàng loạt clip ghi nhận con số triệu lượt xem. Hiện tại, sau hơn nửa tháng ra mắt, Đi giữa trời rực rỡ cũng giữ vị trí top 1 từ khóa về phim ảnh hot nhất mạng xã hội Việt Nam, theo thống kê từ YouNet Media.
Nhà sản xuất Lê Mạnh Quân cho biết, hiệu ứng từ mạng xã hội đã giúp phim thành công đến 70%, bởi từ khi Đi giữa trời rực rỡ được phát sóng, ban đầu, phim chỉ được quan tâm vì những tranh cãi ở trang phục, văn hóa của người Dao.
Sau đó, khán giả được xem các đoạn trích ngắn 4-6 phút trên Facebook, TikTok... họ bị thu hút bởi tình yêu mà Chải dành cho Pu. Những câu nói, sự tận tình và hết lòng của nam chính dành cho nữ chính đã khiến người xem rung động.
Đạo diễn Trần Quang Dũng lý giải, Đi giữa trời rực rỡ không chỉ là câu chuyện tình yêu của tuổi mới lớn mà còn khắc họa cuộc sống và văn hóa của đồng bào dân tộc, mang đến một "làn gió mới" cho phim ảnh.
Đạo diễn Quang Dũng nói thêm, phim Đi giữa trời rực rỡ cũng đề cập đến những vấn đề xã hội còn gây tranh cãi, những hủ tục của người dân vùng cao như chuyện tảo hôn, không coi trọng học thức, chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian hoặc tâm linh...
Bên cạnh đó, phim phản ánh cuộc sống người dân tộc phải chịu nhiều khổ sở vất vả vì cảnh nghèo đói, không có kinh tế... Vì thế, sau những tiếng cười xung quanh chuyện tình yêu của giới trẻ, nhiều người cũng phải suy ngẫm khi chứng kiến những câu chuyện đời sống của người dân vùng cao.
Trước đó, khi mới lên sóng, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ đã gây tranh cãi về trang phục. Bên cạnh những lời khen về cảnh quay hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên vùng cao kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ có một số chỗ chưa phù hợp với thực tế.
Người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… chứ không tùy tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các lễ hội. Chẳng hạn như, người Dao không mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ đi chăn trâu như trong phim mà chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới, hay cách buộc khăn đầu sai cách, nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa là hình ảnh sai lệch, tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường…