Những năm qua, Hà Giang luôn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nhằm tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phát triển du lịch. Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, có những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, với vị trí thuận lợi, là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi sự phong phú và hấp dẫn của các nguồn tài nguyên du lịch. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc, cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng, tiêu biểu là danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Với những giá trị văn hóa địa phương, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, dự án cụ thể để phát triển du lịch, tập trung vào việc khai thác tiềm năng du lịch theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Hội Nghệ nhân dân gian, các lễ hội, nghi lễ cổ truyền dần được phục hồi
Nhờ đó mà văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn được gìn giữ và phát huy, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ cho các làng nghề truyền thống được khôi phục, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đến nay, các địa phương trong toàn tỉnh Hà Giang đã đăng ký 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 15 làng văn hóa du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Một số làng thu hút được lượng lớn khách tham quan như: Năm 2020, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) thu hút 8.500 lượt khách, doanh thu 1,8 tỷ đồng; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Hạ Thành (TP Hà Giang) thu hút gần 10.000 lượt khách, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng… Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch bình quân đạt 50 – 70 triệu đồng/năm. Các làng nghề thủ công truyền thống cũng được các huyện, thành phố đầu tư khôi phục nhằm tạo sản phẩm du lịch đa dạng. Đến nay, toàn tỉnh có 41 làng nghề được công nhận, tạo ra các sản phẩm, vật phẩm, quà lưu niệm phục vụ du khách như: Làng nghề nấu rượu thóc Nàng Đôn (Hoàng Su Phì); Làng nghề dệt thổ cẩm huyện Quang Bình; nghề chạm bạc thủ công của người Nùng; nghề trồng và dệt vải lanh của người Mông…
"Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai" vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh sưu tầm
Chợ phiên vùng cao là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Do vậy, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và hình thức tổ chức. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa được thể hiện trong chợ phiên như thổi khèn, đàn môi, hát giao duyên lồng ghép với các hoạt động bán mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực, sản vật địa phương… vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, vừa hấp dẫn khách du lịch.
Công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch được đẩy mạnh. Một số lễ hội gắn với sự kiện thường niên được tổ chức như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; Tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Lễ hội Khèn Mông… đã từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh. Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, phục dựng như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao; Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch tại Hà Giang đã từng bước đi vào chiều sâu, được tất cả các địa phương triển khai sâu rộng. Nhiều loại hình du lịch được hình thành và phát triển như du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực... Ngoài việc đầu tư, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội Nghệ nhân dân gian, các lễ hội, nghi lễ cổ truyền dần được phục hồi
Đặc biệt, mới đây, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã vượt qua kỳ tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ 2018 - 2022. Đây là thành quả cho những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của Hà Giang trong những năm qua.
Tuy nhiên, ngành Du lịch của tỉnh Hà Giang hiện nay vẫn được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Với mục tiêu đến năm 2025, Hà Giang sẽ thu hút 3 triệu lượt khách du lịch. Tỉnh đề ra nhiệm vụ triển khai tốt các chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện có hiệu quả việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào chương trình giảng dạy trong các trường học.
Chú trọng bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và tích cực nhân rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc; Tập trung xây dựng các làng văn hóa đặc trưng các dân tộc theo thứ tự ưu tiên vào các vùng trọng điểm; Huy động nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản; Tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tiềm năng di sản văn hóa…