Nghị định 100 vẫn vô hiệu ở các vùng nông thôn
Dịp Tết, rượu, bia là một phần không thể thiếu tại các gia đình, nhất là những vùng nông thôn. Dù Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực gần 1 tháng nhưng tại một số vùng nông thôn, người dân vẫn thờ ơ và tỏ ra không quan tâm đến vấn đề này.
Theo phong tục truyền thống của người dân Việt Nam, vào ngày Tết, bên cạnh những mâm cỗ sung túc để đãi khách thì rượu, bia cũng đóng vai trò quan trọng. Tại các vùng nông thôn, người ta thường quan niệm rằng, Tết thiếu gì cũng được nhưng tuyệt đối không được thiếu rượu, bia. Thậm chí, nhiều gia đình còn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để mua rượu, bia phục vụ những ngày Tết.
Nghị định số 100/2019-NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 nhưng thói quen uống rượu, bia của người dân vẫn không thay đổi, nhất là tại một số vùng nông thôn, người dân vẫn thờ ơ và tỏ ra không quan tâm trước những hậu quả của việc uống rượu, bia.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều gia đình tại một số vùng nông thôn vẫn dửng dưng khi được hỏi về Nghị định 100, nhiều người khác lại cho rằng uống ở nhà chứ không ra đường nên không sợ. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi uống rượu, bia, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Những ngày Tết, thực trạng uống rượu, bia tại các vùng nông thôn càng diễn biến phức tạp hơn bởi rượu, bia đã trở thành thức uống phổ biến chứ không đơn thuần là mời nhau theo phong tục truyền thống. Đáng nói, giới trẻ ở các vùng nông thôn vẫn chưa nhận thức được về tác hại của việc uống rượu, bia; nhiều người còn uống rượu, bia theo cách “thả ga” với tư tưởng công an sẽ không vào những vùng nông thôn để bắt.
Tại các vùng nông thôn, rượu, bia vẫn được sử dụng đại trà. Ảnh: Internet
Thậm chí, nhiều bạn trẻ sau khi uống rượu, bia còn ngang nhiên chở 2, chở 3 và không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Đây là một điều đáng buồn bởi sau tay lái tiềm ẩn vô số hậu quả nghiêm trọng, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cũng theo ghi nhận, thời điểm Tết, tại nhiều cung đường lớn ở một số vùng nông thôn vẫn vắng bóng lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT). Vậy Nghị định 100 đã thực sự có hiệu lực ở các vùng nông thôn hay chỉ là những văn bản chỉ đạo trên giấy tờ?
Tại những Thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM… sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, thực trạng uống rượu, bia đã giảm hẳn, một số quán nhậu đứng trước nguy cơ phá sản vì không có khách. Tuy nhiên tại một số vùng nông thôn, Nghị định 100 vẫn chưa đi vào thực tiễn bởi người dân vẫn uống rượu, bia và lái xe bình thường.
Khó có thể cấm hoặc thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân trong ngày một ngày hai nhưng người dân tại các vùng nông thôn cần nhận thức rõ hơn về tác hại của việc uống rượu, bia để hạn chế tình trạng này và đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh.
Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, lực lượng CSGT cần tăng cường tại các tuyến đường ở nhiều vùng nông thôn để đảm bảo an toàn trật tự trên địa bàn và hạn chế tình trạng uống rượu, bia của người dân.
Theo thông tin từ Cục CSGT, kết quả công tác xử lý vi phạm (từ 1-20/1): Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 11.064 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 40 tỷ 564,3 triệu đồng.
Trong hai ngày 29, 30 (tính đến 10h sáng) của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, đã có 40 người thiệt mạng và 34 người bị thương do tai nạn giao thông trên cả nước.
Nhận xét
Nội quy: Nhận xét có tối thiểu 3 ký tự.