Phân loại rác tại nguồn vẫn là bài toán khó

Gia Nguyễn| 02/01/2020 16:47

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND TPHCM ngày 14/11/2018 về việc ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM đã ban hành hơn một năm nhưng đến thời điểm hiện tại, câu chuyện phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán dang dở.

Phân loại rác: Tưởng dễ nhưng không dễ

Quy định 44/2018/QĐ-UBND TPHCM áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM.

Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành các nhóm như sau: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật), nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh), nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đối với chất thải hữu cơ, thu gom thứ 2, 4, 6, chủ nhật và chất thải còn lại thu gom thứ 3, 5, 7 trong tuần.

Đối với phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại khi đang hoạt động phải có dòng chữ “Thu gom chất thải hữu cơ” hoặc “Thu gom chất thải còn lại” đối với phương tiện thu gom và  dòng chữ “Vận chuyển chất thải hữu cơ” hoặc “Vận chuyển chất thải còn lại” đối với phương tiện vận chuyển.

Dù Quyết định trên đã ban hành hơn một năm nhưng đến nay, thực trạng phân loại rác tại nguồn vẫn là bài toán khó, chưa đồng bộ và không mang lại hiệu quả cao. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều địa điểm trên địa bàn TPHCM như trường học, cơ quan hay các địa điểm công cộng ở công viên, bến xe buýt… việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được chú trọng, nhiều nơi vẫn đặt một thùng rác để chứa các loại rác khác nhau; một bộ phận cá nhân, tổ chức trên địa bàn TPHCM vẫn chưa thực sự sát sao, thậm chí nhiều người còn tỏ ra thờ ơ đối với việc phân loại rác tại nguồn.

1-w1000-h666.JPG

  • Việc phân loại, thu gom rác vẫn còn là bài toán đang dang dỡ

Tại nhiều công viên trên địa bàn Thành phố như: 23/9, Tao Đàn (Quận 1), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Gia Định (quận Gò Vấp)… là nơi tập trung nhiều người đến vui chơi, luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, lượng rác thải ra khá lớn nhưng vẫn có duy nhất một thùng rác được lắp đặt với mục đích dùng chung cho tất cả các loại rác thải, từ thức ăn thừa, bao ni lông đến các loại ve chai…    

Ở nhiều cơ quan, trường học, thực trạng phân loại rác tại nguồn vẫn chỉ là “khẩu hiệu” còn trên thực tế chưa hề được áp dụng, nhiều người khi hỏi đến cách phân loại rác tại nguồn vẫn lắc đầu và tỏ vẻ không quan tâm. Tại các khu dân cư, nhất là khu vực công nhân lao động, ý thức phân loại rác của người dân chưa cao, nhiều gia đình vẫn chỉ dùng chung một thùng rác hoặc bỏ tất cả các loại rác vào bao ni lông chứ không tiến hành phân loại theo quy định.

Việc phân loại rác tại nguồn vẫn dậm chân tại chỗ nên công tác thu gom, vận chuyển đang là bài toán khó bởi lẽ nếu không phân loại từ đầu thì rất khó để đảm bảo rác sẽ được phân loại đúng cách sau khi đã lên xe và vận chuyển đi. Câu chuyện phân loại rác chưa đạt hiệu quả không phải là lỗi của riêng ai vì ý thức của người dân, người thu gom vẫn chưa đủ mà cần có sự theo sát từ cơ chế đến chính sách của các cơ quan nhà nước.   

2-w1000-h666.JPG

  • Khu vực Công viên 23/9 tràn lan các thùng rác hỗn tạp

Theo Khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/11/2016 quy định, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định trên đã ban hành được hơn 3 năm nhưng việc xử phạt vẫn chỉ là quy định trên giấy tờ, chưa hề được áp dụng trên thực tế. Để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt hơn, mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm của mình, coi đây là việc nên làm. Mặt khác nhà nước phải cùng hỗ trợ, đưa ra những chính sách tốt nhất để đôi bên cùng thực hiện hiệu quả.  

Người dân đã thực sự có ý thức bảo vệ môi trường?

Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước". Tuy nhiên cuộc vận động chỉ dừng lại ở giai đoạn triển khai còn trên thực tế vẫn chưa nhận được sự quan tâm của người dân.

Theo đó, các nội dung cần thực hiện gồm tuyên truyền đến người dân, học sinh, các giới về thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; vận động 100% hộ dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sự nghiệp cam kết thực hiện “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Cạnh đó là triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường trong khu dân cư theo tiêu chí 5 sạch - 2 xanh; chương trình “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn”; ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch; thành lập tổ cơ động để thường xuyên tuần tra, xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định…

Tuy nhiên trên thực tế, cuộc vận động vẫn không đảm bảo những chỉ tiêu đã đề ra, một phần do ý thức người dân nhưng mặt khác phải nói đến các cơ chế, chính sách của Thành phố. Dù đã triển khai khá lâu nhưng cuộc vận động chỉ nhận được hưởng ứng tại một số cơ quan nhà nước còn nhiều nơi khác, ý thức thực hiện vẫn chưa tốt, nhiều người vẫn ngang nhiên xả rác ra đường, không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn… Thậm chí tại một số nơi, dù có biển cấm, băng rôn tuyên truyền nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tự ý xả rác, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

3-w1000-h666.JPG

  • Nhiều nơi chỉ có duy nhất một thùng rác 

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại khu vực chợ nổi đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), dù người dân trực tiếp sinh sống, buôn bán  hai bên bờ sông nhưng họ vẫn thờ ơ biến con kênh này thành bãi rác, gây ô nhiễm nặng nề. Những ngày nắng nóng, dòng nước đen bốc mùi rất khó chịu; ngày mưa dòng kênh như chìm trong biển rác, không chỉ có các loại rác thải sinh hoạt mà xác chết động vật, rác không phân hủy cũng nằm thọt lỏm dưới dòng kênh.   

Tại các khu vực khác như Kênh Nhiêu Lộc, Rạch Xuyên Tâm, Kênh Tân Hóa… nhiều người dân vẫn ngang nhiên vứt rác bừa bãi khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nặng nề.  

Hàng năm, nhà nước luôn chú trọng đầu tư nguồn lực cho việc bảo vệ môi trường. Cụ thể năm 2012 là 9.772 tỷ đồng đến năm 2019 đã tăng lên 20.442 tỷ đồng tuy nhiên tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn là mối lo ngại lớn. Công tác bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết nhưng  nó sẽ trở thành vô nghĩa nếu người dân vẫn thờ ơ, không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.  

Bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng ai mà mỗi cá nhân, tổ chức phải coi đây là trách nhiệm chung để môi trường sống thêm phần xanh - sạch - đẹp. Qua đó góp phần xây dựng Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân loại rác tại nguồn vẫn là bài toán khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO