7.000m2 đất thuê trả tiền hàng năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (PC1) xin chuyển thành dự án nhà ở thuộc địa bàn xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Nó nằm ngay mặt đường nối Yên Viên - Định Xuyên - Phù Đổng đến hết địa bàn huyện Gia Lâm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 3640/BXD-QLN gửi UBND TP. Hà Nội cho ý kiến về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở PC1 Gia Lâm tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội theo đề nghị của Công ty cổ phần tập đoàn PC1 (Công ty PC1).
Bộ Xây dựng nêu, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội thì khu đất PC1 đề xuất thực hiện dự án đầu tư Khu nhà ở PC1 là khoảng 7.130m2, bao gồm 122,6m2 đất ở thu mua của người dân và 7.007,8m2 đất khác không phải là đất ở (đất được TP cho thuê làm trụ sở Công ty với thời hạn hàng năm).
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở PC1 Gia Lâm, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc Dự án nêu trên có thuộc trường hợp thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại. Đồng thời, xác định nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án (trong trường hợp Công ty PC1 đáp ứng đủ các điều kiện làm chủ đầu tư dự án quy định tại Điều 21 của Luật nhà ở 2014, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật có liên quan) theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai không?
Trên cơ sở nội dung tham vấn của UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng viện dẫn Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở 2014 cho biết: "Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện thông qua 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai; đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật đấu thầu hoặc chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận thì việc xác định chủ đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng".
Bộ Xây dựng cũng viện dẫn Điều 4 Luật số 03/2022/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022), trong đó đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở. Cụ thể: "Có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật: Có quyền sử dụng đất ở; Có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai".
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, Điều 14 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định yêu cầu của việc phát triển nhà ở phải phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn...
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội đối chiếu trường hợp cụ thể của dự án với các quy định của pháp luật nêu trên để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Khu đất Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở PC1 Gia Lâm có vị trí khá đắc địa, cạnh tuyến đường lớn, thuộc địa bàn xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất, quý II/2024, tổng tài sản PC1 là 21,4 nghìn tỷ đồng, gồm tài sản dài hạn 13,3 nghìn tỷ, tài sản ngắn hạn 8,3 nghìn tỷ, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền 2,1 nghìn tỷ (25%); khoản đầu tư tài chính 1,1 nghìn tỷ (13%); 4,8 nghìn tỷ, tương ứng 57% nằm trong khoản tiền phải thu và hàng tồn kho.
Doanh thu quý II của PC1 đạt 3 nghìn tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 chỉ đạt 1,4 nghìn tỷ). Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm 2024, PC1 đạt 5,2 nghìn tỷ, cao hơn 2,3 nghìn tỷ so với 6 tháng đầu năm 2023 (2,9 nghìn tỷ).
Tính đến 31/6, nợ phải trả doanh nghiệp này là 14 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ so với đầu năm (12,9 nghìn tỷ). Các khoản nợ đáng chú ý là nợ phải trả người lao động 77 tỷ đồng; quỹ khen thưởng phúc lợi 182 tỷ đồng, nợ thuế Nhà nước 659 tỷ đồng... Báo cáo tài chính cũng cho thấy, thời gian qua, PC1 “thâu tóm” nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, sau đó chuyển đổi đất nhà máy, xây dựng các dự án bất động sản mang thương hiệu PC1.