Khi các nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi tình trạng bế tắc, chính phủ và doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ thích ứng, phục hồi. Ngành bất động sản tiếp tục điều chỉnh sang những trạng thái mới, xu hướng mới và nhu cầu mới.
Nút thắt về luật và chính sách được tháo gỡ
Trong lĩnh vực bất động sản, những biến cố lớn của toàn cầu trong thời gian qua đã có tác động đáng kể trong việc đẩy nhanh một số xu hướng. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên, trong khi xu hướng không gian sống và làm việc dày đặc, chen chúc dần được kiểm soát. Mỗi xu hướng lớn này đều có những tác động khác nhau đến nhu cầu bất động sản.
Các quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều thay đổi đối với chính sách bất động sản để tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tuần đầu tháng 5/2022 đã nhắc lại cam kết sẽ linh hoạt, chủ động trong việc giải quyết thách thức kinh tế ngày càng lớn và củng cố niềm tin cho thị trường, đồng thời phát tín hiệu về một lập trường mềm mỏng hơn đối với ngành bất động sản.
Tại Mỹ, ngày 16-5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch nhằm cải thiện nguồn cung nhà ở và hỗ trợ người dân khả năng chi trả. Điều này được giới chuyện gia nhận định là một giải pháp hiệu quả để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nhà ở khiến giá nhà và giá thuê tăng cao.
Tại Việt Nam, nhiều thể chế, chính sách về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đã hoàn thiện, đồng bộ, liên thông với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh như Luật Xây dựng 2020. Tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng minh được những hiệu quả đáng kể.
Trong dài hạn, bất động sản vẫn là một loại tài sản hấp dẫn. Mặc dù đầu tư vào bất động sản đã dao động trong nhiều năm, qua nhiều đợt suy thoái khác nhau, nhưng theo xu hướng chung, các nhà đầu tư vẫn ưu tiên phân bổ nhiều hơn vào bất động sản. Hiện nay, bất động sản vẫn đang là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt, ít tương quan và chịu ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng 47,2% và 845 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021. 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động trong quý I năm 2022, tăng gấp đôi so với quý IV năm 2021. Các sàn giao dịch chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
Những xu hướng bất động sản mới nổi
Trải qua nhiều biến cố, cách con người sống và làm việc khác rất nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái – đó là những thay đổi sẽ trở thành một phần của “trạng thái bình thường mới”. Một số xu hướng mới nổi sau đây sẽ tác động đáng kể đến nhu cầu về bất động sản.
Một là nhu cầu không gian linh hoạt trong thời đại làm việc từ xa. Thị trường nhà văn phòng sẽ xuất hiện những thay đổi về mặt cấu trúc, về cách thiết kế và sử dụng không gian kết hợp với mật độ nhân viên thấp hơn và chế độ làm việc từ xa tùy chọn.
Hai là mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt và bền vững. Các đơn vị đào tạo đang đẩy mạnh các khóa học trực tuyến, các nhà hàng cung cấp dịch vụ “ship” đồ ăn, nhiều thương hiệu mỹ phẩm chấp nhận livestream để chia sẻ các mẹo trang điểm và xu hướng thời trang… Hầu hết các nhà bán lẻ đang suy nghĩ lại về hoạt động và chuỗi cung ứng của mình. Cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện các đơn đặt hàng và dịch vụ trực tuyến là một trong những yếu tố quan trọng lúc này.
Ba là thay đổi về sở thích du lịch. Ngành công nghiệp du lịch bắt đầu phục hồi, nở rộ các mô hình du lịch tại những điểm đến có mật độ người thấp hơn, nơi khách du lịch có thể ở trong không gian mở và tránh các đám đông người chen chúc. Bên cạnh đó, các dịch vụ lưu trú đang đối mặt áp lực lớn hơn từ những thượng đế ngày càng khó tính về vấn đề vệ sinh và sức khỏe.
Bốn là, thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp khởi sắc. Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã triển khai hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp. Sự thay đổi về luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc trung và thấp, với giá cả hợp lý.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong quý I/2022, thành phố có 260 căn nhà ở xã hội hoàn thiện, hiện thành phố còn 5 dự án nhà ở xã hội đang thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ đưa vào thị trường khoảng 3.367 căn. Để tăng cung cho nhà ở giá phù hợp với người lao động, Sở Xây dựng TP.HCM đã và đang tiếp tục cải cách thủ tục trong cấp phép cho các dự án bất động sản trong thời gian tới.
Hiện nay, nhà phố có sổ hồng, sổ đỏ và căn hộ của những dự án bất động sản của nhà thầu uy tín, sản phẩm có tính thanh khoản cao đều được các ngân hàng săn đón cho người mua nhà vay với tài sản thế chấp là chính căn nhà và khách hàng chứng minh có mức tiền lương, thu nhập đảm bảo trả được nợ. Nhiều ngân hàng sẵn sàng giang tay đáp ứng nhu cầu vốn mua nhà để ở của người dân.
Cẩn trọng với những biến cố khó đoán định
Có những “xu hướng lớn” tác động đến lĩnh vực bất động sản trong nhiều năm qua, có thể kể đến như: sự tăng trưởng của hoạt động thuê ngoài của doanh nghiệp; tăng phân bổ vốn cho bất động sản; đô thị hóa nhanh; việc áp dụng các công nghệ mới và những vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Sau những biến cố toàn cầu, tất cả những xu hướng lớn này vẫn có thể sẽ tiếp tục, nhưng với những điểm mới, trong “trạng thái mình thường mới”. Các xu hướng mới nổi dần hình thành ngay khi các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng bắt đầu thích nghi với môi trường hậu Covid-19, những cơn sóng lạm phát, thách thức về chuỗi cung ứng…
Những hệ lụy, biến cố vẫn đang còn những điều khó đoán định và có thể gây bất ngờ bất cứ lúc nào. Cẩn trọng, vẫn luôn là điều cần thiết trong thời đại xã hội biến chuyển từng ngày.