Những diễn biến trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nửa cuối 2022

Mai Anh| 15/08/2022 16:14

Nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi trong nửa cuối năm như Fed tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái toàn cầu, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, áp lực lạm phát và tỷ giá.

Nền kinh tế nửa đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2022 đạt 7,72%, mức cao nhất từ năm 2011. Động lực chính cho sự tăng trưởng là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, đóng góp 2,58 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng trên. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, tính riêng quý II đạt 10,8%. Lĩnh vực dịch vụ cũng song hành với đà phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng là 6,6%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2022. Trong kịch bản 1, GDP quý III và quý IV cần tăng 7,9% và 5,5% để mục tiêu GDP cả năm nay tăng trưởng 6,5%. Theo kịch bản 2, GDP quý III và quý IV cần tăng 9% và 6,3% để GDP cả năm tăng 7%. 

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), để đạt được mục tiêu đã đặt ra, từ nay đến cuối năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng có 5 rủi ro chính sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.  

Rủi ro tăng lãi suất

Rủi ro thứ nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất. Các chuyên gia tại đây nhận định việc FED tăng lãi suất nhanh có thể làm chậm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. 

Thời gian qua, lãi suất có xu hướng gia tăng trên toàn cầu do các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới đang đẩy mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao. FED tiếp tục nâng lãi suất cơ bản lên 0,75 điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp (mức cao nhất kể từ năm 1994) lên mức 2,25% - 2,5%, và đưa lãi suất về mức trước dịch để giảm thiểu lạm phát khi CPI tháng 6 của Mỹ tăng 9,1%. 

Lãi suất các Ngân hàng Trung ương từ 2016- 2022. (Ảnh: Agriseco.com)

Ngoài làm chậm tăng trưởng nền kinh tế thế giới, việc FED tăng lãi suất khiến tỷ giá đồng USD tăng và đồng nội tệ mất giá. Điều này tạo thuận lợi cho xuất khẩu vào Mỹ của các quốc gia nhưng khó khăn trong nhập khẩu và áp lực “nhập khẩu” lạm phát của các nước nhập siêu gia tăng.

Hơn nữa, lãi suất tăng mạnh có thể làm thị trường tài chính biến động mạnh. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán có nguy cơ rút ra khỏi các thị trường mới nổi và tìm đến các kênh an toàn, các khu vực có lãi suất tăng. Chi phí vay nợ nước ngoài cũng tăng lên và gia tăng chi phí vay nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân. 

Tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine

Rủi ro thứ 2 là tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Khối phân tích Agriseco nêu ra hai tác động chính: làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá cả hàng hóa leo thang. 

Nga là quốc gia cung cấp khoảng 40% khí đốt và 25% dầu mỏ, Ukraine là quốc gia trung chuyển dầu thô sang các nước EU. Xung đột sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ đó đẩy giá cả các mặt hàng lên cao.  

Tình trạng giá năng lượng, lương thực tăng cao trong khi nguồn cung thiếu hụt đã khiến mối lo về an ninh năng lượng và lương thực trở nên rõ ràng hơn. Nhiều nước đang phải hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, vật tư nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung trong nước. 

Nguy cơ suy thoái toàn cầu 

Agriseco cho rằng rủi ro thứ 3 là nguy cơ suy thoái toàn cầu. Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như tăng trưởng kinh tế suy giảm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các hoạt động thương mại giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nền kinh tế các quốc gia chịu rủi ro này phải mất đến vài năm để kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán phát triển.

Dự báo xác suất suy thoái Mỹ xảy ra trong 12 tháng thới. (Agriseco.com)

Dấu hiệu suy thoái đang xuất hiện tại Mỹ và các nước châu Âu. Tại Mỹ, các nhà kinh tế nâng dự báo xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới từ 30% lên 48%. Nhiều tổ chức kinh tế lớn đồng loạt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo GDP năm 2022 khoảng 2,9% - 3,6% (thấp hơn 0,8% - 1,5% so với dự báo đầu năm nay).   

Ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc

Kể từ tháng 3/2022, Trung Quốc đã trải qua đợt bùng phát Covid nghiêm trọng nhất từ trước tới giờ dẫn tới các lệnh phong tỏa. Mặc dù Trung Quốc mở cửa lại các thành phố lớn và các cảng biển từ đầu tháng 6, tuy nhiên chính sách Zero – Covid của quốc gia này vẫn là một ẩn số lớn.  

Hiện Trung Quốc là công xưởng của thế giới, bất kể sự gián đoạn nào trong hoạt động sản xuất hay giao thương của quốc gia này có thể làm cho nền kinh tế trật nhịp. Trong đó, có 2 tác động chính sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu bao gồm hoạt động vận tải hàng hóa bị gián đoạn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33% tổng nhập khẩu (theo số liệu thống năm 2021), nước này cung ứng nguyên vật liệu cho rất nhiều ngành sản xuất như dệt may, da giày, hóa chất, thiết bị điện tử,… Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại nếu tình trạng phong tỏa còn kéo dài. 

Đồng thời, Trung Quốc là một trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi chiếm khoảng 17% giá trị xuất khẩu (Năm 2021). Do đó, việc Trung Quốc phong tỏa sẽ gây tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Áp lực lạm phát và tỷ giá tại Việt Nam

Đây là rủi ro thứ 5 nhóm phân tích Agriseco đề cập đến. Áp lực lạm phát gia tăng khiến CPI tháng 7 tăng 2,96% và 7 tháng đầu 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát gia tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tăng cao hơn 50% so với cùng kỳ; giá hàng hóa và tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Về tỷ giá, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,5% so với đầu năm do FED và các NHTW EU đang thắt chặt tiền tệ. Điều này khiến đồng VND giảm 3% yoy (chỉ số dùng để so sánh kết quả tài chính trong cùng khoảng thời gian). Trước áp lực tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp bình ổn như bán USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ và hút VND ra khỏi hệ thống Ngân hàng Thương mại. 

Tỷ giá USD/VND trong 7 tháng đầu năm 2022. (Agriseco.com)

Áp lực gia tăng lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm do Việt Nam có nền kinh tế mở (200% GDP) và chịu tác động từ những yếu tố “chi phí đẩy” và “cầu kéo” có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều tiết lạm phát như giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; tiếp tục giảm tiền điện, nước và học phí.

Tỷ giá tăng ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư gián tiếp (nhà đầu tư nước ngoài thường bán ròng khi tỷ giá có xu hướng tăng), cũng như gây áp lực lên lạm phát tại Việt Nam, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có tỷ trọng nhập khẩu lớn (hiệu ứng nhập khẩu lạm phát).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những diễn biến trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nửa cuối 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO