Sau khi Cục Gìn giữ Hòa bình (GGHB) Việt Nam tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện (BV) Dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) từ BV Quân y 175, chiều 24/3, toàn bộ nhân viên BVDC 2.3 đã có mặt tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh, lên đường sang Phái bộ Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ GGHB.
CBNV của BVDC 2.3 chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ quốc phòng vào chiều 24/3 chuẩn bị lên máy bay C17 của Không quân Hoàng gia Australia bay sang Phái bộ Nam Sudan.
Chuyến hành quân đặc biệt với “nhiệm vụ kép”
BVDC 2.3 có tổng 63 quân nhân chính thức và 7 quân nhân dự bị trong đó có 18 quân nhân (2 nữ, 16 nam) từng tham gia BVDC 2.1 thực hiện sứ mệnh GGHB tại Nam Sudan hồi năm 2018.
Sau 1 năm tập trung huấn luyện cả về chuyên môn và nghiệp vụ GGHB Liên hợp quốc (LHQ), buổi xuất quân chiều 24/3 với họ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, mỗi chiến sĩ GGHB Việt Nam đều xác định, chuyến hành quân của họ lần này với trọng trách phải thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”: vừa đảm đương nhiệm vụ được giao phó của Cục GGHB tại Nam Sudan, vừa hoàn thành nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Mỗi thành viên xác định, phải hoàn thành nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ, không nghỉ phép về thăm gia đình.
Lễ tiễn cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 tại sân bay đã diễn ra long trọng và nhanh gọn. Tại khu vực tiễn đoàn, trước giờ chính thức lên máy bay, cán bộ, nhân viên bệnh viện kiểm tra quân- tư trang lần cuối, chụp ảnh lưu niệm với đồng đội. Khỏi phải nói cảm giác hồi hộp của các thành viên trước giờ hành quân. Để có cuộc hành quân này, từng cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 đều nỗ lực hết mình trong quá trình huấn luyện 1 năm qua. Đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Nam Sudan, nơi mà được nhận định, các yêu cầu về y tế còn nằm ở con số “0”.
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BVDC 2.3 chia sẻ: “100% cán bộ, công nhân viên BVDC 2.3 cam kết không về phép nếu tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Đơn vị cũng đã được tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Chúng tôi cũng có lợi thế là đã được các đàn anh đi trước chia sẻ kinh nghiệm. Các kế hoạch và các chương trình huấn luyện của BVDC 2.3 là sự kế thừa và phát triển. Chúng tôi đã đặt những chỉ tiêu đưa vào kế hoạch năm, đối với mỗi Khoa, Ban, chúng tôi sẽ có ít nhất một bài báo được đăng trên tạp chí khoa học bằng tiếng Anh. Sẽ đẩy mạnh công tác về tuyên truyền đối ngoại quy mô hơn và nhất là phong trào kết hợp quân dân y tại địa phương”.
Được biết, ngày 5/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận trường hợp nhiễm Virus corona chủng mới đầu tiên ở Nam Sudan là một nữ bệnh nhân 29 tuổi đến từ Hà Lan, thì lúc này Ban giám đốc BVDC 2.2 đã kịp tham gia các khóa tập huấn bắt buộc dành cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ về phòng chống dịch COVID-19 của LHQ qua cầu truyền hình, diễn tập các tình huống phát hiện, xử lý bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19… Từ đây, tập huấn cho các cán bộ còn lại của Việt Nam. Nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, bệnh nhân sẽ được phân luồng và cách ly ngay. Đồng thời BV cũng chủ động với tình huống khi dịch lan rộng với mục tiêu an toàn cho CBNV. Kể cả trong các tình huống nguy hiểm.
“Hành trang mà chúng tôi mang theo trong đợt hành quân này cũng chính là những kinh nghiệm được các đàn anh đi trước từ BVDC 2.2, và 2.1, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của hơn 1 năm qua, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành tốt hai nhiệm vụ. Vừa nhiệm vụ GGHB, vừa nhiệm vụ an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.”. Trung tá Trịnh Mỹ Hoà nhấn mạnh.
“Chào Tổ quốc, chúng tôi lên đường”!
Đúng 18 giờ 20 phút ngày 24/3, chiếc máy bay C17 số hiệu 208 của Không quân Hoàng gia Australia cất cánh, rời khỏi đường băng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đưa cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 sang Phái bộ Nam Sudan. Trước giờ hành quân lên đường, xen lẫn niềm vinh dự, tự hào là tâm trạng háo hức, hồi hộp, hiện lên trên khuôn mặt của các thành viên trong đoàn.
Đại úy Ngô Văn Thành, nhân viên Khoa Dược và trang bị, BVDC 2.3 nói rất tự tin: “Trước khi lên đường, chúng tôi có một năm chuẩn bị, huấn luyện và kết quả hoàn thành rất xuất sắc. Chúng tôi sẵn sàng lên đường với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, cũng như của đơn vị giao phó”.
Với thiếu tá Bùi Thị Xoa, Kỹ thuật viên Nha khoa, BVDC 2.3 thì đây là lần thứ 2 chị đến Nam Sudan tham gia phái bộ GGHB - LHQ. Chị tâm sự, muốn đi lần nữa vì muốn “truyền lửa” cho các bạn trẻ vững niềm tin hơn, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Bùi Thị Xoa chia sẻ: “Tôi đã trải qua 14 tháng ở Nam Sudan, đã từng đối mặt với dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Tôi sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn, đồng thời truyền cho các bạn trẻ những kinh nghiệm tôi đã từng trải qua về thời tiết, múi giờ lệch ra sao, công việc hàng ngày đối mặt với dịch bệnh, nguồn nước…”.
Cùng cách nghĩ với thiếu tá Xoa, trung tá Chữ Đức Hiệp cũng là cựu binh của BVDC 2.1, nay tiếp tục tham gia BVDC 2.3., nói: “Gia đình vẫn ủng hộ mình chiến đấu xa nhà để góp sức bảo vệ đất nước từ xa...”. Trung tá Hiệp trải lòng.
Chuẩn bị lên đường cho chuyến hành quân “đặc biệt”.
Trong khi thiếu tá Xoa gác tình riêng, để lại chồng và con trai (đang là sinh viên năm 1 trường ĐH Văn Lang) ở nhà trong vòng 14 tháng tới, thì trung tá Hiệp cũng một vợ 2 con (một đang là sinh viên năm 1 và 1 con đang học lớp 3). Sau ngày anh lên đường, chắc chắn gánh nặng gia đình sẽ đè nặng trên vai người vợ vì phải thay anh lo cho 2 con ăn học, thời gian xa vắng chồng ấy có thể kéo dài không chỉ 14 tháng…
Thiếu úy Lê Na là em út trong đoàn (sinh năm 1996, quê Bến Tre), lần đầu tiên xa nhà đến tận Đông Phi. Với kinh nghiệm của 7 năm làm chuyên môn chẩn đoán hình ảnh, thiếu úy Na hy vọng sẽ đặc biệt hữu ích khi làm việc tại Nam Sudan. Cô tâm sự: “Hồi còn đi học mình cũng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Thấy các anh chị xung phong tham gia BVDC 2.1 trước đó mình thích lắm nhưng lúc ấy chưa có cơ hội. Nay BV Quân y 175 tiếp tục nhiệm vụ thiết lập, đào tạo, huấn luyện BVDC 2.3, mình xung phong liền và cơ hội đã mỉm cười. Mình sẽ có nhiều trải nghiệm đặc biệt và ý nghĩa của chuyến công tác đặc biệt này”. Nữ quân nhân hào hứng nói.
Nhận nhiệm vụ tại một nơi xa xôi, đầy khó khăn, khắc nghiệt, mỗi thành viên trong đoàn đều mang nặng nhiều tâm tư. Song, không vì vậy mà cuộc chia tay trở nên bịn rịn. Cả họ và gia đình, người thân đều đã xác định khoảng thời gian xa cách sẽ dài hơn dự kiến. Sẽ nhiều khó khăn, nhưng họ đã hứa trước toàn Quân uỷ trung ương, trước lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng, trước người thân và với người dân cả nước, đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách với một quyết tâm cao nhất hoàn thành xứ mệnh vinh quang: Những sứ giả hoà bình đến từ Việt Nam.