Vừa qua, tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng trăm điểm mới, song tập trung trong 5 nhóm vấn đề mới so với luật hiện hành.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, khi trình dự thảo luật, Chính phủ cũng trình dự thảo nghị định ban hành kèm theo. Thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, do đó Chính phủ sẽ ban hành các nghị định để hướng dẫn thi hành 65 điều khoản này.
Theo Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, đó là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Cụ thể như: mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, Luật thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội...
Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, như: đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.
Thứ năm, quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Quan trọng nhất là nâng cao về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh; có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đất đai.