Đã được sản xuất từ năm ngoái nhưng đến tận dịp gần Tết Nguyên đán 2019, chương trình Lô tô show mới được lên sóng. Giá trị văn hóa cũng như nhân văn qua từng mảnh đời nghệ sĩ hát Lô tô cũng nhọc nhằn như thế.
Với tính dân dã và đại chúng, nét văn hóa Lô tô không còn xa lạ với người Việt Nam. Khoảng thập niên 1980 của thế kỷ XX, hát Lô tô phát triển cực thịnh ở nước ta, theo các đoàn hội chợ đi tỉnh, đặc biệt là các tỉnh vùng Nam bộ.
Với Lô tô, ngoài sự thú vị của yếu tố may mắn thì cách rao con số cũng là một nghệ thuật vô cùng độc đáo. Từ những thể loại âm nhạc khác nhau, người hô sẽ biến tấu ca từ phù hợp để có thể diễn tả con số sao cho có vần, có điệu một cách duyên dáng. Cứ như thế, văn hóa Lô tô nhẹ nhàng đi vào lòng người và trở thành một giá trị đẹp gắn liền với ký ức của nhiều người.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hát Lô tô không đơn thuần là một hình thức giải trí mà chứa đựng những giá trị nhất định. Thông qua lời ca, tiếng hát, người rao có thể châm biếm những thói hư tật xấu của đời sống hằng ngày… bằng tư duy sáng tạo linh hoạt.
Nói về Lô tô, cố giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Bài chòi và Lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè - được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc khỏi bị mai một”.
Chương trình về Lô tô khá lận đận để lên sóng truyền hình.
Sau một gian vắng bóng, cứ tưởng Lô tô đã bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại. Nhưng bất ngờ thay, trong thời gian qua, hát Lô tô lại bùng nổ trên khắp thị trường văn hóa. Từ điện ảnh đến những gánh hát Lô tô bài bản, chuyên nghiệp tại quán cà phê, khu vui chơi giữa TP.HCM đã khiến nhiều người thích thú.
Còn trên màn ảnh nhỏ, sau gần 1 năm “đắp chiếu”, Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa chính thức vừa lên sóng truyền hình. Ngoài đưa trò chơi dân gian trở lại với khán giả, nhà sản xuất kỳ vọng chương trình khi lên sóng sẽ nhận được sự sẻ chia về tài năng của các đội chơi chứ không phải vì tò mò về những khác biệt giới tính.
NSƯT Vũ Thành Vinh, đại diện nhà sản xuất cho biết, anh đã dành khoảng 2 năm để hình thành ý tưởng, chuẩn bị cho sân chơi mới này. Tháng 4/2018, chương trình đã dự định lên sóng nhưng phải hoãn lại. Nhà sản xuất cho biết việc dời lịch đã giúp Lô tô show có được thời điểm đẹp, phù hợp nhất khi những ngày Tết Nguyên đán 2019 cận kề.
NSƯT Vũ Thành Vinh cho biết: “Chúng tôi chắt lọc và khơi lên nét văn hoá tốt đẹp của lô tô. Chương trình cũng nêu rõ slogan Vòng quay xoay vòng đời. Qua những vòng quay của lô tô, vòng đời sẽ hiện hữu. Chúng tôi cân đo liều lượng để khán giả khi xem có thể đồng cảm, nhưng hơn hết là cảm phục tài năng của họ. Chắc chắn, chương trình không tồn tại sự thương hại về chuyện giới tính”.
Lô tô là một loại hình văn hoá rất hay là sự tổng hợp của nhiều loại hình (thơ, vè, boléro, hồ quảng, cải lương…), sự tương tác của nghệ sĩ trình diễn và khán giả, cái duyên của người dẫn dắt giúp các yếu tố được tổng hòa, tạo nên sức độc đáo và thu hút.
Nghệ sĩ Lâm Quốc Khải, trưởng đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời chia sẻ: “Tiêu chí của chúng tôi là trang phục phải thật đẹp, sang trọng và chỉn chu, kín đáo. Chúng tôi tuyệt đối không biểu diễn phản cảm kiểu “thừa da thiếu vải”. Còn cách nói chuyện, đi đứng và giao tiếp với khán giả cũng phải chuẩn mực, vui vẻ nhưng không tùy tiện, và tuyệt đối không nói tục, phản cảm”.
Theo nghệ sĩ BB Phụng, để trở thành nghệ sĩ gọi lô tô không phải dễ, không phải tay ngang có thể làm được. Tất cả đều phải trải qua các khâu, từ công việc cơ bản đầu tiên đó là bán vé, dọn bến, phải bưng từng tấm tôn để dựng sân khấu, bước lên sân khấu phải hát sao cho tròn trịa, cho hay và quan trọng là phải có duyên. Việc hát cũng phải có tư duy và chịu khó học hỏi để mang đến sự mới lạ, hấp dẫn cho khán giả.