Vụ án Nguyễn Kiên Trung cùng đồng phạm gây thương tích cho Hà Văn Bé đã được TAND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) đưa ra xét xử sơ thẩm đến 2 lần nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Các tình tiết trong vụ án, lời khai của các bị can, bị hại, cơ chế hình thành vết thương trên cơ thể bị hại,… vẫn chưa được làm rõ nên vụ án vẫn tiếp tục “chờ”.
Vụ án vẫn chưa có hồi kết
Thời gian gần đây, người dân sinh sống tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vẫn đang truyền tai nhau mong muốn được lý giải những thắc về vụ án “Cố ý gây thương tích” của các bị can Nguyễn Kiên Trung (SN 1987), Lê Văn Cẩm (SN 1987), Phạm Minh Quang (SN 1989, đều ngụ tỉnh Đồng Nai) và Trần Xuân Kiều (SN 1987, ngụ tỉnh Nghệ An). Nhiều người cho rằng, họ sống tại khu vực xảy ra vụ án nên có biết được diễn tiến vụ án nên khá bất ngờ trước bản cáo trạng của VKSND huyện Trảng Bom.
Cụ thể, theo bản cáo trạng thì vào ngày 19/3/2017 nhóm Cẩm, Quang, Kiều cùng nhậu tại nhà Trung ở ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Lúc này, Trung nhận được lời mời từ bạn là Đ.A. rủ đến nhà Đ.A. ở ấp 4, xã Sông Trầu nhậu, nên Trung đồng ý và cùng nhóm Cẩm, Quang, Kiều đến nhà Đ.A..
Khi nhóm Trung đến nhà Đ.A., thì gặp nhóm Nguyễn Thành Đây (SN 1985), Hà Văn Bé (SN 1987), Lý Huỳnh (SN 1988), Phạm Duy Nam (SN 1986) cũng đang nhậu tại nhà Đ.A.. Thấy vậy, nhóm Trung cũng ngồi xuống nhậu với tất cả mọi người. Có nhóm mới vào, Bé liền đến mời rượu Trung nhưng do đã mệt nên Trung từ chối uống, Cẩm bỏ đi vào nhà vệ sinh. Đang ngồi nhậu thì Bé đi ra sân, rồi bước vào dùng chân đạp mạnh thẳng vào mặt Trung, khiến Trung bị thương tật 29%.
HÌnh ảnh phiên tòa
Lúc này, thấy Trung bất ngờ bị đánh nên Kiều đã xô Bé ra. Bé sợ hãi bỏ chạy, còn Kiều nhanh chóng mở cốp xe lấy 1 con dao đuổi chém Bé 1 nhát vào hông. Sau đó, nghe lời Trung nên Kiều, Quang, Cẩm tiếp tục đuổi đánh chém Bé. Khi đuổi kịp, Cẩm đâm xe vào Bé khiến cả hai bị ngã và Kiều chạy tới dùng dao chém vào tay phải Bé, hậu quả Bé bị thương tật 48%.
Đến cuối năm 2017, TAND huyện Trảng Bom đã đưa vụ án Trung và đồng bọn gây thương tích cho Bé ra xét xử. Tuy nhiên, ngay sau phần xét hỏi, đại diện VKSND huyện Trảng Bom đã thay đổi tội danh truy tố đối với Trung từ “Cố ý gây thương tích” sang “Cố ý gây thương tích trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”.
Và cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt Kiều 3 năm tù, Cẩm 2 năm tù, Quang 9 tháng tù treo cùng về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 BLHS 2003; còn Trung bị phạt 3 năm cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý gây thương tích trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”, đồng thời phải bồi thường hơn 60 triệu đồng cho Bé (Trung, Quang được trả tự do ngay tại tòa).
Song song đó, ngày 26/12/2017, TAND Trảng Bom cũng đưa vụ án “Bé gây thương tích 29% cho Trung”, khiến Trung bị gãy xương chính mũi, rạn xương hốc mắt, rạn xương quai hàm, sập mí mắt trái ra xét xử. HĐXX đã tuyên phạt Bé 3 năm cải tạo không giam giữ, buộc bồi thường cho Trung gần 80 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án Trung cùng đồng bọn gây thương tích cho Bé thì Trung, Kiều, Cẩm đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đến ngày 4/5/2018, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên xử, bị cáo Trung, Kiều và Cẩm liên tục kêu oan và khai do bị điều tra viên, kiểm sát viên và cán bộ điều tra dùng nhục hình đánh đập, Kiểm sát viên thì ép cung bắt các bị cáo phải khai theo hướng của điều tra viên, kiểm sát viên. Sau phần xét hỏi, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng và giao VKSND điều tra lại. Hai bị can Cẩm và Kiều tiếp tục bị giam giữ.
Mới đây, vào ngày 27/11/2018, TAND huyện Trảng Bom lại tiếp tục đưa vụ án của Trung ra xét xử sơ thẩm lần 2. Tuy nhiên, sau một ngày làm việc “gay cấn” đến tận đêm và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 28/11 nhưng cuối cùng vụ án vẫn chưa có hồi kết. HĐXX tiếp tục phải tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung một số tình tiết chưa rõ trong vụ án như: cơ chế hình thành vết thương mặt trong cổ tay của Bé là do Kiều chém Bé hay do Bé cầm gạch đập Kiều hướng từ trên xuống rồi va vào lưỡi dao do Kiều đang cầm nên tạo ra vết thương; Vì sao 2 lần thực nghiệm và lần thực nghiệm tại tòa án thì Bé lại dựng lại tư thế bị chém khác nhau (lần 1 đứng, lần 2 ngồi bệt, lần 3 ngồi xổm), cả 3 tư thế này nếu Kiều dùng dao chém từ trên chém xuống thì không thể tạo ra vết thương như anh vết thương trên tay Bé...
“Không ai ra lệnh, xúi giục”
Liên quan đến vụ án này, PV có trao đổi với luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Văn phòng Luật sư Tri Ân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Kiên Trung (SN 1987, ngụ tỉnh Đồng Nai). Trao đổi với PV, luật sư Quân cho biết, tình tiết quan trọng nhất chứng minh Trung có phạm tội hay không chính là dựa vào biên bản lời khai ngày 20/6/2017 của Trần Xuân Kiều (SN 1987, ngụ tỉnh Nghệ An) khi bị bắt tại tỉnh Đắk Nông.
Thời điểm này, Kiều khai rằng “Không ai ra lệnh, xúi giục. Một mình Kiều thực hiện hành vi chém Hà Văn Bé (SN 1987)”. Và lời khai này hoàn toàn trùng khớp với lời khai của Trung khi Trung khai bản thân bị Bé đạp mạnh vào mặt quá bất ngờ nên lơ mơ, đau đớn, gục một chỗ và sau đó không nhớ rõ ai là người đỡ đứng dậy đi ra ngoài.
Đặc biệt, cả hai lời khai này trùng khớp với giấy nhập viện của Bệnh viện Đồng Nai vào đêm 19/3/2017 của Trung. Giấy nhập viện do bác sĩ Phan Đình Trường của khoa cấp cứu ghi rõ bệnh nhân Trung nhập viện trong tình trạng “bất tỉnh, lơ mơ, bị thương nặng ở mặt”.
Tuy nhiên, ông Quân cũng cho biết ông và mọi người không thể lý giải được tại sao Kiều lại thay đổi lời khai, khai lại rằng Trung là người xúi Kiều đuổi theo chém Bé.
“Trong vụ án này, người trực tiếp chém Bé là Kiều nên lời khai của Kiều đóng vai trò rất quan trọng, quyết định mọi vấn đề. Còn việc Trung có xúi hay không lại quyết định tội danh của Trung và hình phạt Trung sẽ phải nhận. Điều này có thể thấy Trung trở nên bị động trước lời khai của Kiều”, luật sư Quân nói.
Trong khi đó, luật sư Phạm Quốc Vượng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, nguyên Thẩm phán TAND huyện Trảng Bom), người tư vấn pháp luật cho Trung thông tin rằng ông đã đọc rất kỹ lời khai đầu tiên của Kiều khai tại Công an tỉnh Đắk Nông.
“Điều tra viên hỏi rất rõ Kiều có bị ai xúi giục thực hiện hành vi không, Kiều đã trả lời rất rõ ràng, rành mạch là không ai xúi giục, tự thực hiện, nhưng sau đó lại khai lại và khai khác lời khai ban đầu. Tôi thấy trong vụ án này, lời khai của các bị can có quá nhiều mâu thuẫn nhưng lại không được làm rõ vì sao có sự khai khác nhau, lập luận nào để thay đổi lời khai đó cũng không được làm rõ”, luật sư Vượng cho biết.
Luật sư Vượng cũng phân tích thêm là với cú đá thẳng vào mặt trong tư thế người đứng, kẻ ngồi với thương tật 29% thể hiện 5 vết thương, trong đó có 4 vết thương nứt xương thì khó ai có thể đứng dậy tiếp tục chạy theo để ra lệnh cho người khác.
Luật sư Vượng ví dụ: “Trong thi đấu võ đài, nhiều vận động viên đeo cả nón bảo hộ nhưng chỉ cần 1 cú đánh, dù cú đánh đó không ra vết thương nào, không gây nứt xương như trường hợp của Trung nhưng chúng ta cũng đã thấy vận động viên đã không đứng dậy nổi dù trọng tài đếm, có người cũng lơ mơ, loạng choạng phải vịn vào dây của võ đài, thất thần mất mấy phút... thì việc Trung bị Bé đá dẫn đến hộc máu mũi, 4 vết nứt xương, choáng váng, lơ mơ thì không thể vừa chạy, vừa chuyện hô to đến mức để kêu người đứng cách đó hơn 100m nghe rõ”.
Hơn nữa một trong những lý do bản án sơ thẩm bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên hủy cũng là do cơ quan điều tra không cho Trung thực nghiệm hiện trường. Thật lạ là đến lần thực nghiệm thứ hai vào ngày 25/8/2018 vừa qua, Trung vẫn không được tham gia thực nghiệm mà chỉ cho đứng nhìn. Điều này không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự”, luật sư Vượng nói thêm.