Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,5%; nhưng nửa đầu năm mới đạt 3,72%, do đó nhiệm vụ từ nay tới cuối năm rất nặng nề để đạt các mục tiêu đề ra...
Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm 2023.
Theo đó, mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5% nhưng nửa đầu năm mới đạt 3,72%. Theo kịch bản Bộ đưa ra 2 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng rất cao là hơn 7% và hơn 10%.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%, đây mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.
"Từ sau phiên họp thường kỳ tháng 6, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 để đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp bách trong năm nay vừa căn cơ lâu dài để thực hiện các nội dung cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Nghị quyết 105 của Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát khá tốt. Có 3 động lực từ khu vực dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và thúc đẩy phong trào tiêu thụ hàng nội địa để mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt được như kỳ vọng.
Sự phục hồi khá tốt của khu vực dịch vụ, đây là điểm nhấn để tập trung hơn nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch.
Ở khu vực nông nghiệp căng thẳng lương thực trên thế giới gia tăng, nước ta có điểm thuận lợi là nước xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, còn có bài toán cân đối để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an ninh lương thực nội địa. Đây là ngành chúng ta luôn luôn chú trọng khi gặp khó khăn.
Động lực thứ ba khá quan trọng liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thông qua thị trường trong nước, tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước, có điều kiện để duy trì cũng như mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Đó là những động lực cần tập trung nhiều hơn để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất từ nay đến cuối năm.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết đầu tư công tháng 8/2023 cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, không chỉ số tương đối mà còn cả số tuyệt đối. Đây có thể là niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong các Nghị quyết về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như Nghị quyết 105 của Chính phủ, điều quan trọng hơn cả chính là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ và triển khai nhanh các thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng, nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. "Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương tin tưởng.