Trao đổi nghiệp vụ

Người Việt “ngây thơ” trước các chiêu trò lừa đảo trên mạng?

Văn Nam 19/01/2024 - 05:55

Tổ chức Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu vừa công bố một số liệu gây sốc. Năm 2023, người Việt bị lừa 16 tỉ USD trên mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu. Một con số khủng khiếp và đáng báo động.

Mới đây, Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA)Dự án xã hội chống lừa đảo đã công bố số liệu gây sốc cho nhiều người. Năm 2023, người Việt bị lừa 16 tỉ USD trên không gian mạng.

Càng đáng lưu ý, số tiền người Việt bị lừa chiếm tới 1/3 trong tổng số 53 tỉ USD bị lừa trên toàn thế giới. Đồng nghĩa với việc, cứ 3 đồng bị lừa trên mạng thì có 1 đồng đến từ nạn nhân là người Việt Nam.

Số liệu này được GASA đưa ra dựa trên cuộc khảo sát 1.063 người Việt. Theo kết quả khảo sát, có 311/1.063 người xác nhận bị lừa tiền qua mạng, tương đương 29% và bình quân mỗi người bị lừa 734 USD.

Theo cách tính toán của GASA, hiện Việt Nam có 75.555.404 người trên 18 tuổi, 29% của con số này sẽ là 22.105.109 người. Lấy con số thuộc 29% nhân với số tiền bình quân bị lừa 734 USD sẽ cho ra kết quả hơn 16 tỉ USD.

photo_1_16520595437702104101329-1689694588790.jpeg
Ngày càng nhiều nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng

Hiện, vẫn có nhiều hoài nghi về tính chính xác theo cách tính của NASA và cho rằng con số này không thực tế. Bởi 16 tỉ USD là con số thực sự khủng khiếp.

Với tỉ giá hiện tại, 16 tỉ USD quy đổi ra tiền Việt là gần 390.000.000 tỉ đồng. Để dễ hình dung số tiền này lớn khủng khiếp tới mức nào, chúng ta có thể làm phép so sánh. Tổng tài sản của 6 tỉ phú Việt Nam theo danh sách mới được Fobes công bố là 13,2 tỉ USD, đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 4,6 tỉ USD.

Như vậy, số tiền 16 tỉ USD người Việt bị lừa trên mạng cao hơn rất nhiều so với tổng tài sản 6 tỉ phú gộp lại và nhiều gấp khoảng 3,5 lần so với tài sản người giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng.

Đại diện GASA cũng xác nhận, con số 16 tỉ USD là giả định dựa trên cuộc khảo sát 1.063 được hỏi. Đây không phải mẫu đại diện vì chưa đủ ngân sách khảo sát quy mô rộng hơn.

Còn theo thông tin Cục An ninh Mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.

Mới đây nhất, phản ánh tới Công lý và Xã hội, anh L.Đ.T. cho biết vừa bị kẻ gian lừa đảo 200 triệu đồng trên mạng do lòng tham và sự thiếu hiểu biết.

Cụ thể, anh T. thấy 1 bài đăng trên tài khoản zalo, nội dung người phụ nữ chia sẽ tâm trạng bị người chồng là giám đốc một sàn tiền ảo phản bội. Người này nói rằng kỹ thuật viên của mình biết các lỗ hổng của sàn, để trả thù chồng nên sẽ kéo giúp người dùng lợi nhuận lên 6-7 lần và sẽ lấy hoa hồng 20% cho kỹ thuật.

Do tò mò, ham lợi nhuận cao nên anh T. đã bị người này dụ dỗ nhấn vào đường link trang web được cho và tạo tài khoản người dùng trên sàn tiền ảo đồng thời nạp 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng được chỉ định.

Sau đó, kẻ lừa đảo nói rằng tài khoản anh T. đã được kéo lên 700 triệu đồng, lấy lý do để việc rút tiền không bị bại lộ, yêu cầu anh T. nạp thêm 100 triệu đồng để thực hiện thêm các lệnh nữa.

Tin lời, anh T. chuyển thêm 100 triệu đồng, sau đó kẻ này báo đã kéo lên 1,4 tỉ đồng và bảo anh T. rút tiền về, chuyển hoa hồng 20% cho người giới thiệu.

Tuy nhiên, các lệnh rút tiền của anh T. đều thất bại. Sau đó, kẻ gian tiếp tục dẫn dụ khi nói rằng do tài khoản anh T. bị sai, để rút được tiền cần nạp thêm 20% của số tiền 1,4 tỉ đồng trong tài khoản, tương đương 287 triệu đồng.

Đến lúc này, nghi ngờ mình bị lừa, cùng với sự can ngăn của người thân, anh T. mới dừng việc nạp thêm tiền và thông báo lên ngân hàng nhờ can thiệp, tuy nhiên mọi việc đã quá muộn.

Thực trạng này cho thấy, Việt Nam đang là vùng trũng về nhận thức thông tin và sử dụng mạng, trở thành "mảnh đất màu mỡ" để tội phạm công nghệ cao khai thác.

Bộ Công an khuyến cáo người dân, cần tường xuyên đọc, nắm bắt thông tin trên các trang chính thống của các Cơ quan bảo vệ pháp luật và báo đài để kịp thời nhận biết các thủ đoạn lừa đảo. Đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.

Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo hoặc đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng mạo danh nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt “ngây thơ” trước các chiêu trò lừa đảo trên mạng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO