Từng là đối trọng của Đại Cathay, Đáng “đao” trở thành nỗi khiếp đảm của cả giới giang hồ lẫn chính quyền chế độ cũ. Là trùm du đãng, sống trong tiền bạc, gái đẹp,… Đáng “đao” vẫn đau đáu về người con gái khiến ông phải bỏ trốn trong ngày hôn lễ.
Nghiệt ngã cuộc đời có lẽ cũng sớm tước đoạt mạng sống của ông nếu không có tình yêu quá lớn của bà. Tình yêu ấy khiến ông khi trở về nguyện cầm đàn hát rong, kiếm tiền nuôi người vợ mù lòa.
Bỏ trốn giữa ngày hôn lễ
Trở lại nông trường Ông Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), tôi vẫn thấy ông ôm cây đàn ghi ta hát “Diễm xưa” nơi góc chợ. Trông bộ dạng khắc khổ của ông, không mấy ai biết ông là Đáng “đao” (tên thật Nguyễn Văn Đáng) trùm du đãng, một thời khuynh giới giang hồ Sài Gòn cũ. Gặp nhau sau chiều mưa buồn, ông gác lại những câu chuyện về thế giới giang hồ mã thượng để chuẩn bị bữa cơm tối cho người vợ mù lòa. Căn chòi vách gỗ vốn đã xiêu vẹo, rách nát vì mối mọt trống hoắc càng khiến đôi vợ chồng già lọt thỏm giữa cô đơn đến đau lòng.
Tấm hình duy nhất kỷ niệm ngày cưới được ông bà cất giữ, trân trọng
Ông nói: “Bà ấy là chỗ dựa tinh thần cuối cùng của tôi và cũng là lý do tôi còn chưa giã từ cõi đời nghiệt ngã này”. Những câu nói ấy chợt khiến tôi chột dạ, cảm phục trước tình yêu lớn lao của ông bà. Tình yêu xuyên thế kỷ ấy càng đẹp hơn khi tôi được biết ông từng từ chối việc người vợ thứ 2, đầy đủ điều kiện yêu cầu ông về sống chung. Ông nói ông từ chối lời đề nghị ấy vì “bà Mọn (vợ ông Đáng) là người khiến tôi phải bỏ trốn trong ngày tôi cưới vợ”.
Ngồi bệt dưới sàn đất, bà Mọn huơ tay, tìm kiếm bình nước đã xỉn màu, uống vội, rồi cười hạnh phúc kể: “Thời thanh niên, ông nhà tôi người vạm vỡ, đẹp trai, biết nhiều chữ nghĩa và nói được cả tiếng Tây nữa. Do đó, nhiều chị em ở đây mê lắm. Nhưng ông không ưng ai. Lúc đó, tôi cũng ưng ông rồi nhưng chẳng dám ra lời”. Theo lời ông Đáng, trong số những người con gái thầm thương trộm nhớ ông thời ấy có bà Nguyễn Thị Nga, em gái người bạn rất thân của Đáng. Thế nhưng, trong trái tim của “ông trùm” khi ấy đã có hình bóng của người con gái khác. Đó là bà Trịnh Thị Mọn.
Ông nói: “Giữa chúng tôi có nhiều điểm giống nhau nên dễ đồng cảm. Cũng như tôi, bà ấy mồ côi từ bé và lưu lạc vào đất này. Chúng tôi quen nhau khi cùng làm công nhân trong nông trường cao su Ông Quế”. Tuy nhiên, khi ông Đáng đi lính, gia nhập biệt đội người nhái của chính quyền chế độ cũ, bà Mọn cũng rời nông trường cao su về Hố Nai (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Loạn lạc, 2 người mất liên lạc. Ghét cảnh cầm súng chống lại đồng bào, Đáng “đao” đào ngũ, trốn về quê cũ tìm người tình trong mộng. Thế nhưng, mọi thông tin về bà Mọn vẫn bặt vô âm tín.
Ngày đào ngũ, trở về, ông không tìm được người xưa, mẹ ông lại giục con trai yên bề gia thất. Từ lâu, bà đã nhắm Nga là con dâu của mình. Vô vọng trong việc tìm kiếm tình cũ, không muốn mẹ phiền lòng, Đáng “đao” chấp nhận cưới cô gái mình không yêu. Hai bên thông gia sau nhiều buổi họp bàn cuối cùng cũng tìm ra được cách qua mặt chính quyền là hôn lễ được tổ chức ngay tại nhà gái. Nhưng đến ngày cưới, không thể dối lòng, Đáng “đao” lấy lý do xuống Long Khánh mời thêm bạn rồi trốn biệt.
Hát rong nuôi vợ mù
Với lấy chiếc khăn cũ nát, ông chấm những giọt nước mắt cho người vợ mù lòa đang xúc động khi hạnh phúc thuở xưa ùa về. Ông kể: “Người tạo điều kiện cho tôi trốn khi ấy chính là anh vợ tương lai của tôi. Không thể làm khổ người mình không thương, tôi kể hết lòng mình cho anh ta nghe. Nghe xong, anh thông cảm với tôi, rồi kiếm tiền, quần áo để tôi đi trốn. Khi khách khứa, quan viên hai họ được mời đến dự đã ngồi hết vào mâm, anh này mới nói cho mọi người biết hết sự thật”.
Bà Mọn mù lòa nhưng vẫn là niềm vui sống của ông trùm du đãng một thời
Ngày chạy trốn, không nơi nương tựa, chán cảnh lang thang, Đáng trở về đơn vị cũ. Từ đây, người trong giang hồ biết đến cái tên Đáng “đao” với biệt tài phi dao bách phát bách trúng. Sau những trận tranh giành lãnh địa, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền cũ, Đáng “đao” thâu tóm giang hồ các tỉnh miền Tây, trở thành ông trùm, lực lượng đối trọng với Đại Cathay. Tuy nhiên, giữa lúc nắm giữ vị trí là ông trùm giang hồ, sống trong nhung lụa, tiền bạc, gái đẹp, Đáng “đao” vẫn đau đáu về cô gái một thời cùng ông vượt qua bao nỗi đau giữa rừng cao su bạt ngàn.
Sau ngày chính quyền chế độ cũ lung lay, Đáng “đao” một lần nữa đào ngũ, giã từ kiếp “ngựa hoang”. Rời cuộc sống giang hồ, ông rơi vào vòng vây ân oán và phải sống kiếp trốn chui trốn nhủi trước sự truy sát của kẻ thù. Để ẩn mình, Đáng “đao” dốc chút tiền còn lại mua chứng minh giả rồi ngược lên Hố Nai (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nương nhờ người bà con cũ. Sau đó, ông vào làm thợ máy tại một xưởng cưa. Đó cũng là ngày duyên số cho ông và bà Mọn tìm thấy nhau. Ông nói: “Ngay ngày đầu tiên đi làm, tim tôi như muốn vỡ tung khi thấy bà ấy. Hóa ra, bà ấy là quản lý của xưởng cưa. Chúng tôi tìm được nhau trong sự bất ngờ và hạnh phúc khôn tả”.
Quyết không để mất nhau thêm lần nữa, 2 người tổ chức đám cưới. Dù đám cưới không rộn ràng, náo nhiệt bởi ông đang phải chạy trốn vì tội đào ngũ và ân oán giang hồ nhưng cũng đủ khiến 2 người ngập tràn hạnh phúc. Cầm khăn lau từng ngón tay cho người vợ mù lòa, ông tiếp tục nói: “Bà ấy như dòng suối mát gột sạch máu du đãng trong tôi. Chính bà ấy đã kìm bước chân giang hồ của tôi sau những lần tôi bị kẻ thù truy sát. Tình yêu của bà đã ghìm chặt dòng máu giang hồ trong tôi, khiến tôi khát khao về một gia đình hạnh phúc”.
Thế nhưng, để có hạnh phúc, đôi vợ chồng trẻ phải đối mặt vô số hiểm nguy. Bà Mọn kể: “Đào ngũ nên ông ấy bị quân cảnh truy lùng. Tôi phải đào 1 cái hầm trong nhà để ông trốn khi có động. Nhưng, trốn tránh mãi cũng không thoát. Ông bị bắt vì tội tấn công người thi hành công vụ, làm căn cước giả và đào ngũ. Ông bị tòa án chế độ cũ xử 10 năm tù và sẽ bị đày ra Côn Đảo. Nhưng may mắn là họ chưa kịp đày ông đi thì đất nước thống nhất, ông ấy được phóng thích. Ngay sau ngày ra tù, ông về nông trường Ông Quế tìm tôi. Thế rồi chúng tôi có với nhau 3 mặt con”.
Nhưng, cuộc đời lận đận vẫn không buông tha ông và người vợ khắc khổ. Năm 1986, gần đến ngày ông được nghỉ hưu, con trai út của ông bị bắt đi tù vì đánh người gây thương tích. Một lần vào trại thăm con, ông thấy con trai bị đánh đập. Thương con, ông quyết định xin lãnh tất cả lương hưu một lần để lo lót. Cũng trong thời gian đó, mắt bà Mọn mù lòa. Tai ương liên tiếp, cuộc sống gia đình vốn đã nghèo khó lại càng thêm túng quẫn. Gần cuối đời, ông bà bị người thân lừa luôn mảnh đất cuối cùng để mưu sinh. Người con cả thương ông bà nhất cũng vắn số, mất trong một tai nạn giao thông.
Không nơi nương tựa, ông cố vắt kiệt chút hơi tàn để làm thuê nuôi vợ. Ông nói: “Giờ bà ấy chẳng còn ai. Tôi không lo, không chăm bà ấy thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng”. Và khi hơi sức đã tàn, bạo bệnh ập đến, ông được một người vợ khác đề nghị đưa ông về sống chung. Tuy nhiên, ông từ chối vì “muốn sống trọn tình với người mình yêu thương”. Để có tiền ăn bữa cơm, mua viên thuốc cho vợ, cho mình, ông cầm đàn ra chợ hát rong. Ông hát “Diễm xưa” với giọng ca não nùng như khi xưa ông hát trong những lúc tìm người yêu xa vắng: “Chiều nay còn mưa sao em không lại. Nhớ mai trong cơn đau vùi. Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau…”.
Cuộc sống quá bất hạnh
Anh Nguyễn Văn Thanh, cán bộ Công an xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết: “Khác với quá khứ, cụ Đáng rất hiền lành, chịu khó, thương yêu vợ con. Thế nhưng, vợ chồng ông quá bất hạnh khi không được con cái phụng dưỡng lúc về già. Chính quyền địa phương rất quan tâm chăm lo đến đời sống của hai cụ, thường xuyên cho gạo, mì gói và quần áo. Hiện nay, sức khỏe của cụ Đáng ngày càng yếu, cụ Mọn vừa bị mù lại bị đủ chứng bệnh nên tôi rất lo lắng”.