Ngư dân Lý Sơn – Cột mốc chủ quyền giữa biển Đông

Dương Vương| 01/05/2020 06:57

Kế thừa lịch sử oai hùng của Đội hùng binh Hoàng Sa, những người con đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn miệt mài bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trên ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là những ngư dân đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xây dựng Đảng trên quê hương Đội hùng binh Hoàng Sa.

Tượng đài Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ngay trung tâm huyện, nằm trước trụ sở Huyện ủy Lý Sơn và bên cạnh các cơ quan hành chính. Tượng đài chỉ tay về biển Đông, đứng hiên ngang giữa biển trời bao la như ngư dân Lý Sơn kế tục truyền thống vươn khơi xa bao đời nay.

Những năm triều đình nhà Nguyễn, chọn ngày 16/3 (âm lịch) hàng năm, 70 hùng binh xuất phát từ đảo Lý Sơn, mang theo lương thực trong 6 tháng và tiến ra khơi xa trên 5 chiếc thuyền câu nhỏ. Trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các hùng binh thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo và đánh bắt hải sản để cung ứng lương thực phong phú. Đến giai đoạn cuộc chiến chống thực dân Pháp, Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chuyển thành Thủy quân Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Từ đó, thông lệ hàng năm vào ngày 16/3 âm lịch, con cháu tiền hiền của Đội hùng Binh Hoàng Sa tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Đến năm 2013, hoạt động của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

ly-son-1-w500-h323.JPG

Trải qua 27 năm sau ngày giải phóng miền Nam 30/4, đảo Lý Sơn luôn gắn liền với chủ quyền biển đảo trên ngư trường ở Hoàng Sa và Trường Sa

Sau khi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vào tháng 5/2014, gây xáo trộn và ảnh hưởng đến hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân Lý Sơn. Đảng bộ và nhân dân đảo Lý Sơn đồng lòng xây dựng Đảng, tiếp nối hình ảnh tổ tiên kiên cường, bất khuất và trí dũng của Đội hùng binh Hoàng Sa.

Bên cạnh việc gắn bó trên ngư trường truyền thống, Đảng bộ huyện Lý Sơn đã thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị thành công tốt đẹp, xứng đáng là lá cờ đầu trong công tác tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế sự nghiệp giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong năm 2019, Huyện ủy Lý Sơn thực hiện theo Kế hoạch 125 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về sáp nhập, hợp nhất, giải thể từ 16 cơ quan, đơn vị còn 7 cơ quan, đơn vị (tinh giảm 9 cơ quan, đơn vị). Tinh giảm cán bộ lãnh đạo từ 27 đồng chí (đầu năm 2017) giảm còn 20 đồng chí, lộ trình đến năm 2021 giảm còn 17 đồng chí; 77 biên chế trong năm 2017 giảm còn 64 biên chế và lộ trình đến năm 2021 giảm còn 53 biên chế.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công lý và Xã hội, đồng chí Nguyễn Tài Luân – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Sơn phấn khởi nói: “Trong năm 2019, Huyện ủy tập trung công tác xây dựng Đảng bám theo các Nghị quyết, hướng dẫn của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và công tác ổn định tư tưởng của Đảng viên, công chức, viên chức khi thực hiện tinh giảm biên chế. Đến hiện nay, bộ máy hoạt động sau tinh giảm đã ổn định, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Huyện ủy chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. Từ đó, nhân dân địa phương đồng thuận rất cao vào sự chỉ đạo của Đảng bộ Huyện Lý Sơn, nâng cao công tác tuyên truyền đến ngư dân về chủ quyền biển đảo trên ngư trường truyền thống của quê hương”.

Đảng viên bám biển bảo vệ biển đảo quê hương.

Tính đến tháng đầu năm 2020, Đảng bộ huyện Lý Sơn đã kết nạp Đảng được 9 ngư dân, trình độ thấp nhất 9/12, ngư dân lớn tuổi nhất sinh năm 1960 và trẻ tuổi nhất sinh năm 1982.

“Trên từng chuyến biển dài ngày ở khơi xa, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi truyền đạt lại cho ngư dân về các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Khi nghe nhiều thông tin bổ ích, anh em ngư dân rất phấn khởi, hăng hái đánh bắt thủy sản và trông coi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, đảng viên Kiên Cường chia sẻ.

Đồng chí Đỗ Thành Tân – Trưởng Ban Tổ chức, Nội vụ, LĐ&TBXH Huyện ủy Lý Sơn bày tỏ: “Từ bao đời nay, ngư dân Lý Sơn đã gắn liền với ngư trường của quê hương, họ xem Hoàng Sa và Trường Sa như máu thịt vậy. Qua quá trình đánh bắt hải sản, những ngư dân rèn luyện tốt, không xâm phạm lãnh hải nước bạn, tuân thủ pháp luật và đời sống gia đình văn hóa sẽ được xem xét kết nạp Đảng. Từ khi kết nạp 9 Đảng viên ưu tú là ngư dân, đã góp phần trong hoạt động đánh bắt hải sản đúng pháp luật hơn và ngư dân yên tâm bám biển trước những biến cố ngoài khơi xa”.

Hơn 45 năm bám biển khơi xa, lão ngư Hải Đảo sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng suốt 35 năm qua, chứng kiến những thăng trầm, cay đắng, sự hy sinh và tinh thần xả thân cứu người giữa sóng biển đại dương. Lão ngư Hải Đảo lau những giọt mồ hôi muối mặn trên khuôn mặt rám nắng, trãi lòng: “Bấy nhiêu năm ăn, ngủ, vui, buồn đều bên sóng biển Hoàng Sa, Trường Sa rì rào bên tai. Dường như từng rạn san hô, con sóng ở ngư trường này tôi đều thuộc lòng. Nhờ cái kinh nghiệm bám biển, tôi được vinh dự dạy bảo thanh niên bây giờ đánh bắt đúng chỗ, đúng lãnh hải của đất nước mình”.

ly-son-2-w1000-h690.JPG

Vượt qua khó khăn trên biển Đông, ngư dân Lý Sơn vẫn cam trường bám biển và mang lại thắng lợi về cho quê hương

Những lúc nghỉ ngơi, dưới lưng là biển, trên mặt là sao trời, bậc cha anh đi trước như ngư dân Hải Đảo thường kể lại chuyện xưa. Ông bắt đầu câu chuyện về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, rồi đến cuộc chiến chống giặc Tàu Ô gắn liền địa danh hang Kẻ Cướp ở đảo Bé. Mỗi đêm sóng yên biển lặng, lão ngư Hải Đảo lại kể từng câu chuyện lịch sử và đan xen tình hình thời sự, thông tin biển đảo mà ông cập nhật mỗi lần họp chi bộ.

Phó Bí thư Nguyễn Tài Luân cho biết: “Sau mỗi chuyến biển dài ngày, ngư dân Đảng viên tham gia các cuộc họp chi bộ trên đất liền. Qua thông tin nắm tình hình của ngư dân, Ban Thường vụ Huyện ủy và chính quyền địa phương biết rõ hơn hoạt động ngoài vùng biển. Nhờ đó, chúng tôi tham mưu chính sách và kiến nghị cấp trên hỗ trợ ngư dân. Đồng thời, cập nhật tình hình biển Đông, tuyên truyền pháp luật, chính sách mới quan tâm đến ngư dân cũng như nhân dân đảo Lý Sơn. Có thể nói, mỗi ngư dân là chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng ở vùng biển quê hương”.

Những ngày giữa tháng 4/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc tự lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, vi phạm chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (gọi là HD8) xâm phạm vùng biển Việt Nam trong giai đoạn cả thế giới đang chống đại dịch Covid-19.

“Họ (Trung Quốc – PV) có tự ý đặt tên, đem tàu lớn ra biển đông hoặc đe dọa, dù có hy sinh, ngư dân Lý Sơn vẫn kiên cường bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa ruột thịt từ hàng trăm năm nay. Thà làm cột mốc sống chứ không chịu nhượng bộ hành động xâm phạm của Trung Quốc”, ngư dân Hải Đảo bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngư dân Lý Sơn – Cột mốc chủ quyền giữa biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO